Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận vừa tổ chức hội thảo, tham quan mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ năm 2024 cho 30 hộ dân trong và ngoài mô hình của xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tổng đàn cừu của tỉnh đến thời điểm hiện tại trên 98.000 con, giảm 7 - 8% so với năm 2023, tuy nhiên sản lượng thịt hơi xuất chuồng không thay đổi và có xu hướng tăng. Để có được kết quả đó, các mô hình chăn nuôi cừu sinh sản, chọn giống, vỗ béo, sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ đã góp một phần quan trọng. Năm 2024, xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) được chọn triển khai mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Tại hội thảo, các hộ dân đã được chủ nhiệm dự án và cán bộ kỹ thuật thông báo về kết quả của mô hình. Tính đến nay, mô hình đã đạt được mục tiêu đề ra, hỗ trợ 105 con cừu giống lai Dorper (5 con đực và 100 con cái), hơn 8.450kg thức ăn hỗn hợp, 588 liều vacxin và 147kg tảng đá liếm cho 05 hộ tham gia xây dựng mô hình. Các chỉ tiêu về số lứa đẻ, khối lượng cừu sơ sinh, tỷ lệ sống đang tiếp tục được theo dõi đánh giá trong năm 2025.
Hộ ông Võ Xuân Thảo (thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn) tham gia mô hình cho biết được hỗ trợ 20 con cừu cái, 01 cừu đực, thức ăn, đá liếm và vacxin. “Ban đầu mới đưa cừu về tôi cũng rất lo lắng nên đã tách nhốt riêng, theo dõi sức khỏe, sau khi quan sát các tập tính dần thích nghi mới cho nhập đàn với số cừu của gia đình. Ban ngày tôi chăn thả cừu ngoài đồng cỏ tự nhiên, tối cho về chuồng và bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp, tảng đá liếm được treo ngay trong chuồng để bổ sung thêm khoáng chất, vitamin và hạn chế trình trạng chướng hơi dạ cỏ cho cả đàn”, ông Thảo chia sẻ.
Tham quan mô hình tại hộ ông Thảo, các hộ dân được tận mắt xem, thực hành và trao đổi những kinh nghiệm về kỹ thuật chọn giống sinh sản, chăm sóc, phòng một số bệnh thường gặp và trồng bổ sung các loại cỏ để giúp đàn cừu khỏe mạnh hơn, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.