| Hotline: 0983.970.780

Nguyên nhân nào khiến đô thị miền Trung ngập lụt nghiêm trọng?

Thứ Bảy 22/12/2018 , 09:05 (GMT+7)

Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, và đúc kết thành câu ca dao “Ông tha, mà bà chẳng tha. Làm cho cái lụt hai ba tháng mười”. Nghĩa là đến 23 tháng mười âm lịch sẽ là đợt lụt cuối cùng của mỗi năm. Thế nhưng...

Thế nhưng, bây giờ đã bước qua tháng 11 âm lịch, mà nhiều đô thị miền Trung vẫn tứ bề nước lụt. Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thì còn nguyên nhân nào khiến thảm trạng ấy liên tiếp xảy ra ở Đà Nẵng, Quảng Nam và vài tỉnh khác không?

10-37-30_ngp_lut_ti_d_nng
Ngập lụt tại TP Đà Nẵng

Sau khi người dân của “thành phố thông minh” Sài Gòn khốn đốn vì ngập lụt, thì đến người dân của “thành phố đáng sống” Đà Nẵng bì bõm vì ngập lụt. Hai ngày 9 và 10 tháng 12, thành phố Đà Nẵng đã ngập lụt trên diện rộng. Các phương tiện giao thông gần như tê liệt, và người dân có thể ngồi nhà để vớt những con cá theo nước tràn vào từng ngõ ngách.

Ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng, “thành phố đáng sống” bị ngập do đô thị này chỉ chịu được lượng mưa 100 mm. Đây là một ý kiến chủ quan, bởi lẽ cả trăm nay Đà Nẵng không hề có chuyện bị ngập vì mưa. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm phân tích: “Quy hoạch của Đà Nẵng có nhiều sai lầm dẫn đến sự cố ngập nước như vừa qua. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng là phía Nam sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân, Hòa Quý không còn.

Trước đây, vùng này là vùng đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn. Nay thành phố quy hoạch, đắp toàn bộ khu vực này cao hơn mặt bằng của thành phố để làm khu đô thị. Dù toàn Đà Nẵng ngập vào ngày 9/12 nhưng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không ngập, chứng tỏ hồ chứa nước đó không còn nữa và toàn bộ nước dồn về thành phố theo nguyên tắc "nước chảy chỗ trũng"…. Sai lầm của Đà Nẵng là đắp ruộng Hòa Xuân, Hòa Quý và cả Hòa Liên ven sông Trường Định khiến cho nước không thoát được.

Thêm nữa, bên trong Đà Nẵng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn mà thay vào đó là bê - tông hóa, nước đổ xuống nền bê - tông không ngấm xuống đất”. Rõ ràng, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng và thiếu khoa học trong suốt một thập niên qua, Đà Nẵng đã phải trả giá. Đà Nẵng chỉ tăng trưởng hệ thống nhà cửa, hệ thống biệt thự và hệ thống du lịch mà không phát triển hệ thống thủy lợi.

Sau khi Đà Nẵng hứng chịu đợt ngập lụt kinh hoàng, thì Quảng Nam cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Thành phố Tam Kỳ và nhiều huyện khác của Quảng Nam như Thăng Bình, Quế Sơn, Phù Ninh đều lênh láng nước. Đây là một trận ngập lụt mà người dân Quảng Nam chưa từng chứng kiến.

Sự vật vã trong nước ngập, đã và đang gây bấn loạn cho nhiều đô thị miền Trung. Lượng mưa ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cũng rất lớn, mà theo giải thích của TS Hoàng Phúc Lâm - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương: “Do có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to là gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm”. Mùa mưa bão năm nay chưa hề có dấu hiệu kết thúc, vì vậy nỗi âu lo ngập lụt ở miền Trung vẫn ám ảnh từng khu phố, từng ngôi nhà, từng số phận.

Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, thế nhưng diễn biến gần đây của khí hậu đã nằm ngoài khả năng tiên liệu và chống chọi của họ. Cứ mưa to thì ngập nước là một chuyện phi lý. Bởi lẽ, miền Trung có địa hình đa dạng được kết hợp núi, sông và biển. Thử hỏi, nếu những cánh rừng đầu nguồn không bị tàn phá, thì có ngập lụt như vậy không? Thử hỏi, đừng san lấp sao hồ để làm công trình xây dựng, thì có ngập lụt như vậy không? Nhà cửa cứ được quy hoạch để mọc lên khắp nơi, mà hệ thống thoát nước không đảm bảo thì tránh sao được ngập lụt thường xuyên.

10-37-30_ngp_lut_o_qung_nm
Ngập lụt tại Quảng Nam

Biến đổi khí hậu là thiên tai, nhưng ngập lụt ở những đô thị miền Trung không thể loại trừ yếu tố nhân tai. Thiên tai thì đành chịu, nhưng nhân tai không lẽ cũng nhắm mắt làm ngơ? Ngập lụt, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe doạ tính mạng của người dân. Vì vậy, đã đến lúc phải tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn ngập lụt ở miền Trung. Nếu cứ nhắm mắt lao theo mô hình tăng trưởng bằng cách đô thị hóa cấp tập, thì hậu quả không thể nào lường hết được!

Cơn mưa dẫn đến ngập lụt trắng trời ở Đà Nẵng và Quảng Nam vừa qua, đã chứng minh rằng những đô thị ở miền Trung cũng đang vướng mắc về hệ thống thoát nước như Sài Gòn. Đô thị phát triển để người dân tập trung lại mưu cầu cuộc sống văn minh, chứ không phải để ngao ngán ngập lụp leo thang.

TS. Nguyễn Minh Hòa, một chuyên gia về đô thị, góp ý: “Có lẽ đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nghĩ đến một hệ thống chứa nước dưới lòng đất như của Tokyo, có thể không lớn bằng thì cũng cỡ 1/2 hay 1/3. Việc chống ngập lẻ mẻ, manh mún như nông dân đắp bờ như hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân mà hiệu quả quá thấp, chẳng thà tốn một lần cho đáng nhưng mang lại tương lai tốt đẹp cho con cháu mai sau…”.

Một hệ lụy kéo theo của ngập lụt là chất lượng đường sá xuống dốc rất nhanh. Sau mỗi đợt ngập lụt là bao nhiêu tuyến giao thông xuất hiện ổ gà, ổ voi chằng chịt. Do đó, cần nhanh chóng quy hoạch lại hệ thống thoát nước cho các đô thị. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất, những cơn mưa dai dẳng vẫn tiếp tục đổ một lượng nước lớn xuống đô thị miền Trung gây ngập lụt triền miên.

(Kiến thức gia đình số 51)

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.