Mặc dù khi đương nhiệm chỉ phụ trách lĩnh vực đối ngoại, rồi kinh tế vĩ mô, song nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan luôn trăn trở về khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ông đã có nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, Chính phủ để thúc đẩy khu vực kinh tế này. Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Trò chuyện với NNVN, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, không riêng gì Việt Nam, bất kỳ nước nào, muốn hiện đại hóa nông nghiệp phải bắt nguồn từ ruộng đất, từ chính sách đất đai. Chính sách đất đai là việc đại sự nhất, có vai trò quyết định con đường phát triển của một quốc gia.
CNH khởi nguồn từ nông nghiệp
Thưa ông, trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, vai trò và vị thế của nông dân vẫn chưa thực sự xứng với công sức họ bỏ ra. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Trước tiên tôi phải nói, tôi không phải là người hiểu biết tường tận về nông nghiệp, do phân công và số phận cuộc đời, tôi làm đối ngoại nhiều, rồi kinh tế, nhưng cũng chủ yếu kinh tế đối ngoại. Nói về nông nghiệp, chủ yếu tôi đặt mình ở cương vị người tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp, và một phần vị trí Đảng và Nhà nước phân công trước đây. Tuy vậy, về vấn đề nhà báo vừa đề cập, tôi cũng đã suy nghĩ nhiều.
Thứ nhất, nếu điểm lại lịch sử của dân tộc ta, hàng nghìn năm, thôi thì chúng ta cứ gói gọn từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, luôn luôn nổi trội lên vai trò của nông dân. Có thể nói toàn bộ những gì đất nước ta làm được, là do nông dân hết. Bây giờ bảo Cách mạng Tháng Tám ai làm, câu trả lời là toàn dân tộc, nhưng chủ yếu là nông dân. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ai là nhân tố quyết định chiến thắng, cũng là nông dân. Ngay sự nghiệp đổi mới cũng bắt đầu từ nông dân. Khơi mào cho công cuộc đổi mới bắt nguồn từ lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là khoán 10…
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nước ta là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng là ở nông thôn, nên bất kỳ sự nghiệp nào của đất nước đều liên quan đến đại đa số đó. Thứ 2 là thực sự nhận thức được vai trò của nông dân nên Đảng, Nhà nước, từ rất sớm đã có những chính sách tiếp cận và ưu đãi khu vực này.
Tóm lại, việc phát triển đất nước, từ trước cho đến nay, đều gắn chặt với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do vậy, theo tôi, khu vực này đáng được, hay cần thiết, phải ưu đãi và quan tâm hơn nữa. Tất nhiên, từ trước đến nay, Nhà nước cũng đã quan tâm rồi, nhưng chưa thực sự làm khu vực này bật lên được. Tôi đã được tham dự hầu hết các đại hội Đảng từ khi đổi mới. Đại hội nào cũng có hẳn nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn. Nhưng khi đi vào thực thi thì không được như mong muốn.
Thưa ông, ông có thể cắt nghĩa nguyên nhân vì sao lại như vậy?
Có lẽ ở đây do nhận thực hay do sự hiểu biết về quá trình phát triển của đất nước ta chưa được rõ lắm. Vấn đề là ở chỗ đó. Quan điểm của tôi, tôi đã công khai, kể cả khi đương chức, lẫn khi chuẩn bị nghỉ, hoặc chuẩn bị Đại hội Đảng 11 mới đây, Bộ Chính trị có mời những cán bộ lãnh đạo cũ góp ý, tôi cũng vẫn cho rằng, công nghiệp hóa của bất kỳ quốc gia nào, không riêng gì Việt Nam, phải bắt đầu từ nông nghiệp.
CNH chỉ đơn giản là chuyển hóa từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, thì cái bắt đầu ấy là nông nghiệp. Thế thì ngay khi chuyển đổi, anh đã phải nghĩ ngay là quá trình CNH ấy nó gắn với nông nghiệp, nông thôn như thế nào. Và kể cả trên thế giới, khi phát triển công nghiệp ồ ạt xong, bình tâm trở lại, họ quay về quan tâm đầu tư lớn cho nông nghiệp, và nhiều nước trở thành nước rất văn minh về nông nghiệp, nghĩa là ở trình độ nông nghiệp rất cao.
Đơn cử như chúng tôi đi đàm phán về WTO với Australia, với Israel, người ta giữ nông nghiệp như một cứu cánh cho an sinh của họ, mà từ đó họ mới trở thành những cường quốc. Nói như vậy để thấy rằng, đừng bỏ phí nông nghiệp trong quá trình CNH.
Chính sách nông nghiệp chưa rõ ràng
Như ông nói thì phải chăng đối với Việt Nam, có thể nói là nông nghiệp đang bị coi nhẹ?
Tôi thì tôi nói rằng, nông nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Chúng ta thường tránh cách dùng từ hơi cực đoan, kiểu nói “lượn lờ” của Việt Nam là như thế.
Nếu coi trọng đúng mức thì chúng ta hãy nhìn vào vốn đầu tư trong nông nghiệp. Nhiều năm nay tôi theo dõi vốn đầu tư đổ vào nông nghiệp. Đáng lẽ nó phải tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng nó lại cứ giảm dần theo từng năm. Khi đàm phán WTO, người ta cho phép ta đầu tư vào khu vực này khoảng 10% GDP của ngành nông nghiệp, vì ta là nước nông nghiệp. Nhưng khi rà soát lại tổng vốn đầu tư, thì con số nhỏ hơn nhiều, từ đó đến 10% còn là một khoảng cách lớn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đầu tư cho nông nghiệp cũng chỉ là một khía cạnh để cho nông nghiệp phát triển thôi, chứ khởi điểm phải là tư duy cái đã. Phải đặt vị trí nông nghiệp trong quá trình CNH thế nào? Đấy là câu chuyện đầu tiên. Câu chuyện thứ 2 là nếu anh đã đặt đúng vị trí của nó rồi, có sự đồng thuận của lãnh đạo và toàn xã hội rồi, thì đường lối chính sách sao cho hợp lý? Thứ 3 là con đường đi của nông nghiệp Việt Nam sẽ thế nào? Tôi cho rằng Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông” đã là một bước tiếp cận gần với thực tế này. Nhưng cách làm, và hiệu quả, thì tôi cũng chưa thể có thông tin để đánh giá cụ thể được. Nhưng cũng mừng là nông nghiệp đã được đặt ở vị trí cao hơn. Nhưng xứng tầm hay chưa thì còn phải bàn.
Từ tư duy đến thực tiễn, từ chính sách đến thực thi là cả một chặng đường dài. Phải làm gì để kéo con đường này ngắn lại?
Phải kiên trì, chúng ta nói nghị quyết thế thôi chứ đi sâu vào thực tế thì phải kiên trì. Hơn nữa, chính sách của ta, đi vào thực thi thì vẫn còn nhiều lỗ hổng lắm. Cụ thể như chính sách ruộng đất là chuyện đại sự nhất. Bất kỳ nước nào, muốn HĐH nông nghiệp, thì cũng bắt nguồn từ ruộng đất, từ chính sách đất đai. Chính sách đất đai sẽ quyết định con đường phát triển của một quốc gia. Nếu xem lại châu Âu thì thấy rằng, chính sách đất đai của Pháp đi 1 đường, Đức đi đường khác. Hoặc châu Mỹ thì lại khác hẳn. Vậy thì chúng ta thế nào? Tôi chưa thấy rõ hình dáng của chính sách đất đai của Việt Nam dài mấy trăm năm sau.
Phải chăng vì thế mà nhiều hộ nông dân muốn đầu tư lớn lại vướng phải hạn điền, hạn mức đất đai?
Muốn nói về chính sách đất đai thì nó nhiều khía cạnh lắm, nhưng hạn điền, hạn mức là những cái đầu tiên gọi là lỗ hổng trong quản lý. Nếu hạn điền thì làm sao nông dân có thể mở rộng quy mô sản xuất, còn hạn mức thì họ thấy lợi ích gì khi đầu tư ngắn hạn?
Tôi nêu ra 1 ví dụ thôi, đó là hình thức sở hữu. Hiến pháp quy định rồi, đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng kèm theo đó là 5 quyền, 6 quyền, như vậy sở hữu toàn dân còn không? Tức là chúng ta mâu thuẫn giữa 2 cái này. Thứ hai là đền bù, GPMB hiện giờ rối ren hết cả, chưa rõ vấn đề sở hữu, hạn điền. Muốn CNH thì phải tích tụ tập trung, mà giờ mỗi gia đình 5-7 thửa nhỏ, làm sao mà thực hiện được.
Về con đường phát triển nông nghiệp, ta đi theo đường nào? Trang trại thì mấy năm nay có vẻ không rầm rộ lắm, hợp tác hóa thì không phát triển được, nó cứ tắc ở đâu đó, đại điền thì vướng hạn điền, trở lại sản xuất quy mô hộ gia đình, có bùng lên một thời gian, nhưng bây giờ cũng giới hạn rồi, vì hộ gia đình thì không thể HĐH nông nghiệp được… Tôi không phải là người quan liêu, ngồi ở thành phố mà phán. Tôi cũng hay đi địa phương, đi vào các vùng nông thôn với một ý thức tìm hiểu, mà cũng thấy chưa rõ lắm.
Chưa chuẩn bị tâm thế cho gia nhập WTO
Là người có nhiều kinh nghiệm khi đàm phán WTO, ông có thấy rằng nông dân Việt Nam và nền nông nghiệp Việt Nam hình như chưa sẵn sàng tâm thế để gia nhập sân chơi lớn này, mặc dù chúng ta đã là thành viên WTO nhiều năm nay?
Chả cứ nông dân, cả nước ta cũng chưa chuẩn bị tâm thế. Nhưng ở đây có 2 khía cạnh, một là chờ đầy đủ điều kiện thì mới gia nhập, nhưng bằng cách gì để chuẩn bị cho đủ, chả có cách gì. Thứ 2 là gia nhập ngay, vừa tìm hiểu và học tập thêm. Tôi vẫn nói vui rằng, chúng ta đồng thời làm 2 việc “học” và “tập”. Vào để học và tập luôn cho quen. Tất nhiên là chúng ta phải trả giá, nhưng hãy đặt lên bàn cân những cái được và mất, xem được hay mất nhiều hơn, để thực hiện. Và chúng ta đã chọn con đường thứ 2, là vừa “học”, vừa “tập”. Như anh nói là bà con nông dân chưa sẵn sàng, thì tôi nói rằng cả nước chưa sẵn sàng, nhưng vẫn phải làm thôi.
Vậy theo ông, sau mấy năm hội nhập, WTO mang lại cho nông nghiệp những gì?
Tôi cho rằng, chúng ta phải làm quen với cách quản lý mới, bà con nông dân cũng phải dần thích nghi. Tiếc là ta chưa tận dụng được nhiều lợi thế của nông sản.
Cụ thể là thế nào, thưa ông?
“Thấy nông dân Lạng Sơn đổ khoai tây cho lợn, tôi xót quá!” Lỗi của chúng ta là không có thông tin định hướng cho nông dân để sản xuất. Hôm nọ tôi xem ti vi, thấy xót xa cho bà con nông dân ở Lạng Sơn quá, họ trồng khoai tây ra không bán được, đổ cho lợn ăn. Đấy là do họ không có thông tin, cứ làm ồ ạt. Hay như vải thiều, và mới đây hơn là thanh long, nhãn… cũng vậy. (Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan)
Ở 2 cái, một là chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, kèm vào đó là chưa có thương hiệu để thống trị thế giới. Thứ hai là chúng ta chưa khuynh đảo và làm chủ được giá cả, mà đáng ra, với gạo, hồ tiêu, thủy sản… thị phần như thế thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá cả.
Quay trở lại chuyện giá nông sản, mặc dù XK số lượng lớn nhưng có vẻ nông dân vẫn chưa được hưởng thụ đúng những thành quả lao động của mình, thưa ông?
Cơ chế của ta chưa tạo được cái lợi cho nông dân, cho những người sản xuất trực tiếp mà tạo lợi lớn cho khâu trung gian, tức là khâu phân phối. Ở đây, nó lại liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho nông nghiệp. Phần hỗ trợ của Nhà nước nên đưa vào đâu? Vào trực tiếp nông dân hay vào những DN cung ứng đầu vào cho nông nghiệp? Tôi cho rằng nên đưa thẳng cho nông dân. Khi còn làm trong Chính phủ, tôi cũng đã cố gắng đưa vào, nhưng cứ loay hoay mãi mà chưa có giải pháp nào tốt nhất, vì nhiều vướng mắc lắm. Đây cũng là một phần trách nhiệm của tôi, nhưng tôi luôn luôn trăn trở là sao không đến tới người nông dân.
Ngay hiện nay nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, nhưng tôi chưa thấy có tý hỗ trợ nào, kể cả về lãi suất cho nông dân sản xuất.
Tóm lại, câu chuyện phát triển nông nghiệp, từ tư duy đến chính sách, từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ, từ trong nước đến toàn cầu, vẫn là cơ man nào những câu hỏi mà chưa có câu trả lời thích đáng.
Xin cảm ơn ông!