| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Thị Thục Viên - Người nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô Hà Nội

Thứ Ba 03/12/2019 , 11:07 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Thục Viên (1903 - 1984) là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của thủ đô Hà Nội và là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên (1903 – 1984).

Năm 1946, bà Nguyễn Thị Thục Viên được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên, là Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội và ở trong Tiểu ban dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất. 

Trong số 333 đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu (6/1/1946), có 10 đại biểu nữ. Riêng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội) là một phụ nữ trí thức ngoài Đảng.
 

Gây dựng tình yêu nước trên mảnh đất nở hoa

Tôi đã có cuộc gặp gỡ với họa sĩ Trần Thị Thục Phi, nguyên Giám đốc xưởng tranh cổ động Trung ương (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) để tìm hiểu về cuộc đời nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô Hà Nội. Người con gái út của nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vui vẻ chia sẻ.

Tuổi trẻ cô nữ sinh trường Đồng Khánh Nguyễn Thị Thục Viên luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Nỗi vất vả bắt đầu vào năm cô 17 tuổi, cha mất, 5 em trai còn nhỏ, cô vừa giúp mẹ tần tảo nuôi em, vừa tiếp tục học lên Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, cô được bổ nhiệm về Nam Định dạy học. Giảng dạy xuất sắc, cô được chuyển lên Hà Nội, dạy tại Trường Nữ học Đồng Khánh.

Trong hồi ký 75 năm Trường Nữ học Đồng Khánh (1917-1992), những học trò của cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên nhớ lại:

“Cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên nghiêm nghị, đĩnh đạc, quần áo chỉnh tề. Mùa rét cô thường mặc chiếc áo dài len màu huyết dụ, áo ba-ga đen, mùa hè chiếc áo dài lụa trắng tinh khiết.

Từ mái tóc, vành tai, cái gì ở cô cũng toát lên vẻ sạch đẹp, đến bà đốc (Hiệu trưởng) Bra-sê mỗi lần gặp cô đều thốt lên với vẻ hài lòng: "Voilà vous, toujours comme un sou neuf" (Chào bà, lúc nào bà cũng sạch bóng như một đồng xu mới)”.

Đồng Khánh là trường nữ học duy nhất ở Bắc Kỳ nên các quan chức mỗi khi có dịp công cán ra Hà Nội đều ghé thăm. Một ngày mùa đông năm 1938, quan chức của triều Nguyễn tháp tùng Nam Phương hoàng hậu đến thăm trường.

Bà Nguyễn Thị Thục Viên (người thứ 2 từ trái sang).

Hoàng hậu đẹp lộng lẫy, uy nghi trong chiếc áo dài nhung màu lam sẫm, khăn vành dây thắm vàng trên mái tóc đen mượt, giày kinh cổ kính, bệ vệ. Hoàng hậu đến từng lớp, bà dừng lại hơi lâu ở lớp của cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên.

Các giám thị của trường, một số nhân viên nhà trường tò mò kéo đến ngấp nghé ngoài hành lang. Mọi người được chứng kiến cảnh khi Nam Phương hoàng hậu bước vào lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên vẫn đứng trên bục giảng, chìa tay bắt tay hoàng hậu đứng ở dưới và tiếp tục giảng bài.

Hoàng hậu hỏi một câu gì đó, và cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên giới thiệu cho bà nữ sinh giỏi nhất lớp: Nguyễn Thị Thứ (sau này là vợ cố GS.NGND Nguyễn Văn Chiển - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam).

Khi Nam Phương hoàng hậu rời khỏi trường, có người hỏi hoàng hậu về cảm tưởng của bà đối với trường nữ học, bà trả lời ngắn gọn: "C'est un parterre fleuri" (Đây là một mảnh đất nở hoa)".

Trên mảnh đất nở hoa ấy, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên đã ươm mầm tình yêu nước cho một thế hệ học trò về sau đã tham gia vào công tác cách mạng: Bà Cao Thị Nga (công tác tại Báo Nhân Dân), bà Nghiêm Chưởng Châu (Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo), GS Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Triết học), bà Nguyễn Thị Như - nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam…
 

Người nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô Hà Nội

Cách mạng tháng Tám thành công, ngay từ những năm đầu chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, bà giáo Nguyễn Thị Thục Viên đã phát huy vai trò một trí thức yêu nước. Bà được giao làm Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh, lúc đó được đổi tên là Trường Hai Bà Trưng.

Năm 1946, bà được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên, là Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội và ở trong Tiểu ban dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thục Viên là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946.

Họa sĩ Trần Thị Thục Phi nhớ lại: “Sau Cách mạng tháng Tám, ông Đặng Thai Mai đến gặp, khuyên mẹ tôi nên ra ứng cử Quốc hội. Ban đầu mẹ tôi rất sợ chứ. Bởi vì một người bình thường tự nhiên ra làm nghị sĩ Quốc hội, thì không hiểu thế nào. Sau ông ấy nói khẩn thiết lắm. Mẹ tôi thấy rằng đặt vấn đề như thế là nghiêm túc, nên cụ ra ứng cử Quốc hội và trúng cử. Bà cụ vào Tiểu ban Hiến pháp. Tiểu ban Hiến pháp đứng đầu là Cụ Hồ".

Toàn quốc kháng chiến nổ ra, từ biệt Thủ đô để ra đi, bà chỉ mang theo một gói quần áo nhỏ, để lại mọi của cải vật chất và cuộc sống đầy đủ, tiện nghi. Cùng với hai bà Lê Thị Xuyến và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, người phụ nữ trí thức Nguyễn Thị Thục Viên đã hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc.

Ba bà rong ruổi đi các nơi tổ chức mít tinh, nói chuyện cách mạng và tuyên truyền kháng chiến... Lặn lội vào vùng quê hẻo lánh, những vùng núi xa xôi, khi trèo đèo lội suối, khi ăn cơm muối, nằm ổ rơm, bà vẫn ung dung tự tại, lạc quan, lấy tấm gương của nhân dân kháng chiến để động viên mình kiên trì cách mạng.

Ông bà Nguyễn Thị Thục Viên.

Trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù phải gánh vác những trọng trách của Nhà nước, đoàn thể, bà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vẫn tiếp tục giảng dạy và phụ trách các trường trung học kháng chiến và sư phạm, góp sức đào tạo cán bộ cho kháng chiến.
 

Gương sáng lưu danh hậu thế

Khi nghe tôi hỏi, với một người mẹ trí thức yêu nước có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bà đã học được điều gì ở cụ, họa sĩ Trần Thị Thục Phi đôn hậu trả lời: “Mẹ tôi là người có nghị lực. Trong chuyện khó khăn không chịu lùi bước. Một người phụ nữ thời xưa, sức yếu, cũng chẳng khỏe gì. Quanh năm tôi cứ thấy mẹ uống hết thuốc này đến thuốc kia.

Đến lúc đi kháng chiến tôi thấy mẹ cũng phấn đấu, chẳng thua kém người khác. Mẹ tôi cũng lặn lội, cũng vất vả vừa trọn vẹn nhiệm vụ người cán bộ cách mạng, vừa làm tốt nhiệm vụ người mẹ, người vợ trong gia đình.

Điều thứ hai tôi học tập ở tính cách của mẹ tôi là lương thiện, cứng cỏi, cương trực, không khuất phục. Chính đức tính ấy đã giúp cụ sống gần gũi với mọi người xung quanh, làm cho học sinh yêu mến và cách mạng tin cậy. Đó cũng là điều chúng tôi học tập ở mẹ để giữ cuộc sống của mình trong sạch, không có vì bất cứ một cái quyền lợi gì mà làm việc trái với lương tâm".

Nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên (1903 – 1984) sinh tại Nam Định, Đại biểu Quốc hội khóa I-II, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, sáng lập viên đồng thời là Phó Chủ tịch đầu tiên Hội LHPN Việt Nam…

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm