| Hotline: 0983.970.780

GS. Hà Văn Tấn: Một hiền tài, một 'nguyên khí quốc gia'

Thứ Bảy 30/11/2019 , 11:01 (GMT+7)

Lúc sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận xét về Giáo sư Hà Văn Tấn như vậy. Ông còn khẳng định Hà Văn Tấn có cái “uy” của một “học giả”.  

GS-NGND Hà Văn Tấn (1937 - 2019). 

Thiếu niên đăng khoa

Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16 tháng 8 năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng chính là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.

Học hết lớp 9 trường Phan Đình Phùng, ông ra Hà Nội học đại học. Ban đầu, ông định vào học Đại học Sư phạm vì lý do khá đơn giản là trường có học bổng dành cho sinh viên.

Tuy nhiên, đầu năm 1955 ông ra đến Hà Nội thì Đại học Sư phạm đã khai giảng. Hà Văn Tấn đành thi vào các trường khác là Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa thì đều đỗ cả, thành ra băn khoăn không biết chọn học trường nào. Thế là ông đành phải học Đại học Văn khoa vào buổi sáng và học Đại học Khoa học vào buổi chiều. Học cùng Đại học Khoa học với chàng trai họ Hà là Phan Đình Diệu, cùng đồng hương núi Hồng sông Lam.

Còn buổi tối, chàng sinh viên đi dạy tư để kiếm sống. Vì thế, nhiều buổi học, cậu lên tầng trên của đại giảng đường nằm ngủ vì quá mệt. Nhưng rồi, sau một năm, thấy vất vả quá, Hà Văn Tấn và Phan Đình Diệu lại vào học năm thứ nhất Đại học Sư phạm. Phan Đình Diệu vào học khoa Toán, còn Hà Văn Tấn chọn học khoa Sử. (Đến cuối những năm 1990, giáo sư Hà Văn Tấn còn giảng chuyên đề “Toán thống kê trong Khảo cổ học).

Mừng thọ GS Trần Quốc Vượng 65 tuổi. GS Hà Văn Tấn, ngồi thứ 2 từ phải qua trái. 

Có lẽ, nghề chọn người. Tôi được nghe Giáo sư Nguyễn Khắc Phi nhiều năm trước đã kể, Giáo sư Phan Huy Lê nổi tiếng là giỏi Vật lý của giáo dục Liên khu 4 trong kháng chiến chống Pháp. Còn Giáo sư Trần Quốc Vượng khi “tự bạch” đã tiết lộ ông bị ép học Sử rồi làm Sử. Vốn là vào năm 1953, lớp Dự bị Đại học khóa 2 tại Thanh Hóa được mở. Trần Quốc Vượng đăng ký học ban Toán - Lý. Nhưng Bí thư Đảng ủy Ban Giám đốc Trần Văn Giàu lại cử sang Văn khoa.

Thời kỳ đó, ngành Sư phạm phải học 3 năm, song vì Bộ GD-ĐT đang cần giáo viên, cho nên vừa học xong năm thứ nhất, cả khóa phải học suốt mùa hè chương trình năm thứ hai, rồi vào khai giảng năm học mới cùng năm thứ ba.

Vậy là, chỉ sau 2 năm, Hà Văn Tấn tốt nghiệp Đại học Sư phạm với vị trí Á khoa - sau Thủ khoa Hoàng Văn Lân, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Nhân cách học giả

GS Phan Đại Doãn bày tỏ: “Về tuổi đời, Hà Văn Tấn thua tôi một tuổi, nhưng tôi vẫn nói với các bạn bè và bạn trẻ thân quen: về học thuật của tôi lại thua anh đến hàng chục “tuổi”. Và anh là ngôi sao sáng tuyệt vời về học thuật và nhân cách học giả”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng thừa nhận: “Hà Văn Tấn là người thẳng thắn. Ông giáo sư này ăn nói thẳng thắn đến “kinh người”. Ông vạch cái sai của tôi, của anh Lê (Giáo sư Phan Huy Lê), và của học trò chung chúng tôi rất “huỵch toẹt”, bất chấp mọi sự sĩ diện”.

GS Hà Văn Tấn cùng GS Trần Quốc Vượng kiểm chứng một di tích cổ nhất Việt Nam. 

Giáo sư Hà Văn Tấn là Chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1988-2008). Đồng thời, ông đã công bố gần 300 bài báo, nghiên cứu khoa học và là tác giả của 15 cuốn sách. Với những đóng góp quan trọng cho nền sử học Việt Nam hiện đại và ngành khảo cổ học, năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư. Năm 1997 ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). 

Giáo sư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Anh Tấn là người duy nhất trong bốn chúng tôi - Lâm, Lê, Tấn, Vượng - được Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý”.

Sau này, Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Phan Huy Lê cũng lần lượt được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Sử học.

Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời hồi 21 giờ 2 phút ngày 27/11/2019 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. 

Lễ viếng Giáo sư Hà Văn Tấn được cử hành từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 ngày 2/12/2019 (tức ngày 7/11 năm Kỷ Hợi), tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội.

Lễ an táng lúc 5 giờ ngày 5/12/2019 tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Thủ tướng: 'Bóng từ từ lăn vào lưới làm thăng hoa thêm chiến thắng'

'Trái bóng từ từ lăn vào lưới với sự bất lực của đối thủ trước sức mạnh của đội tuyển chúng ta. Đó là cảm xúc êm ái và dịu dàng, làm thăng hoa chiến thắng của chúng ta', Thủ tướng nói.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.