GS.NGND Trần Văn Giàu (1911 – 2010). |
Khi đó, cụ là vị giáo sư duy nhất còn lại trong đội ngũ các bậc "sư biểu" của nền giáo dục cách mạng Việt Nam ban đầu, được phong hàm năm 1956.
Không hổ danh là rể gia đình Đỗ Tường
GS. Trần Văn Giàu đang nằm nghỉ. Được diện kiến cụ, nhân vật lịch sử tôi ngưỡng mộ từ lâu. Người Nam Bộ vốn có thói quen gọi tên thân mật theo thứ tự, cụ Trần Văn Giàu được gọi bằng cái tên thân thuộc: anh Sáu, bác Sáu. Có nhiều bác Sáu nổi tiếng, nhưng chỉ một người danh tiếng đã gần như trở thành huyền thoại của "Thành đồng Tổ quốc" mà mọi người vẫn gọi thật rõ danh tánh là cụ Sáu Giàu.
Một khoảng lặng bao trùm, tôi nhìn quanh phòng, bàn thờ cụ bà Trần Văn Giàu (nhũ danh Đỗ Thị Đạo) hư ảo trong ánh chiều tà. Vậy là cụ bà nhẹ bước rời cõi trần ở tuổi 95 đã được bốn năm. Hai cụ cùng sinh năm 1911, là năm diễn ra Cách mạng Tân Hợi - Trung Hoa, cũng là khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng để sang nước Pháp tìm phương cứu nước.
Sinh ngày Rằm tháng Bảy năm Tân Hợi (6/9/1911), quê gốc ở xã An Lạc Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), xuất thân trong một gia đình đại điền chủ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, lại có truyền thống đấu tranh yêu nước, năm 15 tuổi, Trần Văn Giàu lên Sài Gòn học, năm sau tham gia biểu tình để tang nhà ái quốc Phan Châu Trinh.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Trước khi đi, gia đình muốn buộc chân "con tuấn mã" bằng cách chọn cô Đỗ Thị Đạo là ái nữ của gia đình điền chủ Đỗ Tường Ninh giàu nhất nhì đất Lục tỉnh Nam Kỳ, về làm vợ. Chàng hiền tế hứa với nhạc phụ đi học chuyến này nhất định sẽ lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa rồi mới chịu về nước.
Một năm sau, từ thành phố Toulouse sinh viên Trần Văn Giàu lên Paris tham dự cuộc biểu tình trước Phủ Tổng thống đòi xóa án tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cảnh sát liền tống giam anh vào nhà tù Loa Roquillis và sau đó Chính phủ Pháp trục xuất về nước.
Thất hứa, chàng rể không biết ăn nói ra sao với gia đình bên vợ, ngày bố vợ gặp con rể trước song sắt nhà tù, cụ Đỗ Tường Ninh ôm chầm lấy Trần Văn Giàu nghẹn ngào nước mắt: "Anh về như thế này quả không hổ danh là rể gia đình Đỗ Tường".
Người dân Lục tỉnh ngày ấy, không ai xa lạ những bậc nam nhi quân tử dòng họ Đỗ Tường đã lần lượt ngã xuống vì giữ gìn từng tấc đất của giang sơn xã tắc không để rơi vào tay "bọn bạch quỷ".
Cố Đỗ Tường Kiên có 3 người con trai ở trong nghĩa quân Thủ khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) chống Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cả ba người đều bị thực dân Pháp bắt. Con trai cả Đỗ Tường Phong bị án chém. Con trai thứ hai Đỗ Tường Định bị bắt đem về bản quán xử bắn. Con trai thứ ba là Đỗ Tường Soạn, giặc cắt gót chân để mất khả năng hoạt động. Cụ Đỗ Tường Soạn là thân sinh điền chủ Đỗ Tường Ninh mà cụ bà Trần Văn Giàu - Đỗ Thị Đạo gọi bằng ông nội.
Giấc mộng của Trần Văn Giàu lấy hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa để trở thành ông Nghè kép - Bidocteur - chỉ hơn một năm sau đã trở thành hiện thực.
GS. Trần Văn Giàu và GS. Đặng Thai Mai (bên trái). |
Học xong Trường Đại học Phương Đông ở Moskva, đầu năm 1933, Trần Văn Giàu bí mật trở về nước. Tháng 6/1935, bị toà án Sài Gòn kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Tháng 4/1940, vừa ra tù được mấy ngày liền bị bắt lại đưa đi an trí ở trại Tà Lài. Vượt ngục Tà Lài, Trần Văn Giàu trở về hoạt động cách mạng, được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ (10/1943) để khôi phục cơ sở Đảng bị thực dân Pháp khủng bố sau Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940), chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8/1945, Trần Văn Giàu tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Sài Gòn (25/8/1945) và các tỉnh ở Nam Bộ, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (9/1945)...
Người sáng lập những ngành khoa học xã hội hiện đại
Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử. Cùng với các GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Phạm Huy Thông, GS. Trần Văn Giàu đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học macxít đầu tiên cho đất nước. Trong số đó có tứ trụ của nền sử học Việt Nam: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng...
Những năm từ 1962 đến 1975, GS Trần Văn Giàu công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nghỉ hưu, cụ vẫn tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Với các bút danh: Tầm Vu, Gió Nồm, M. N… GS Trần Văn Giàu đã viết nên những công trình nghiên cứu thể hiện kiến thức uyên thâm trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hoá như: "Biện chứng pháp", "Vũ trụ quan", "Duy vật lịch sử", "Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám" (3 tập), "Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam", "Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858", "Chống xâm lăng" (3 tập), "Lịch sử Giai cấp công nhân Việt Nam" (4 tập), "Lịch sử cận đại Việt Nam", "Miền Nam giữ vững thành đồng" (5 tập),...
Ghi nhận những công lao đóng góp của GS Trần Văn Giàu trong sự nghiệp cách mạng và khoa học, Nhà nước ta đã phong học hàm Giáo sư đại học (1956), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992), tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2003), Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (2009)…
Lễ trao Giải thưởng Trần Văn Giàu (2019). Ảnh: Tiến Lực/TTXVN. |
Nhắc đến GS Trần Văn Giàu phải kể đến Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu. Khi đã bước vào tuổi 90, GS Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà của mình ở 70 Phạm Ngọc Thạch, đồng thời hiến tặng số tiền trị giá 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến miền đất Nam bộ, cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả người Việt Nam trên khắp thế giới đều có thể tham dự giải thưởng. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một giải thưởng mang tên một người khi còn sống.
Để nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu là vô cùng khó, vì giải thưởng đòi hỏi hàm lượng khoa học rất cao. Bắt đầu từ năm 2003, Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu đến năm 2010 đã được trao lần thứ 5 cho các công trình nghiên cứu Lịch sử. Năm 2010 đã trao cho công trình Lịch sử Nam bộ Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) được chỉ đạo và biên soạn bởi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố nhà báo, nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng. |