Nhà báo Dương Út năm nay 34 tuổi, đang công tác tại báo Đồng Tháp. Ngoài thời gian tác nghiệp với tư cách một phóng viên, nhà báo Dương Út cũng dành tâm huyết để viết sách. Sau hai cuốn “Nhặt từng con chữ” và “Miền Tây dung dị”, nhà báo Dương Út vừa có thêm cuốn “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành.
Ngôn ngữ báo chí có nét đặc thù riêng. Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí sẽ tạo ra hiệu quả thuyết phục cho từng sản phẩm báo chí. Không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lại hoạt động báo chí chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long vốn không phải trung tâm báo chí, nhưng nhà báo Dương Út vẫn mạnh dạn biên soạn cuốn “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” như một mong muốn sẻ chia phương pháp nâng cao chất lượng truyền thông. Đó là nỗ lực rất đáng trân trọng.
Trên cơ sở kế thừa các công trình đã nghiên cứu trước, cuốn “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” giới thiệu một số đặc điểm, chức năng, phong cách của ngôn ngữ báo chí. Cũng trên cơ sở đó, nhà báo Dương Út khảo sát, phân tích và chỉ ra những vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên báo chí, nhằm giúp người làm báo có thêm “thủ thuật” trong viết báo hoặc biên tập ngôn ngữ báo chí.
Cuốn “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” khái quát các cấp độ ngôn ngữ báo chí, cũng như các bộ phận cấu thành một bài báo. Từ kết quả khảo sát nhiều tờ báo khác nhau, nhà báo Dương Út cũng chỉ ra một số lỗi diễn đạt của người viết; đồng thời đề xuất một số định hướng khắc phục những lỗi thường xuất hiện trên báo chí.
Cuốn “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí” gồm 5 phần: “Cơ sở lý luận về ngôn ngữ báo chí”, “Sử dụng ngôn ngữ trên báo chí”, “Dạng thức của văn bản báo chí”, “Lỗi thường gặp trên báo chí” và “Sử dụng đúng ngôn ngữ báo chí”. Đây là một kết quả từ ý thức làm nghề nghiêm túc của nhà báo Dương Út, như một món quà dành cho đồng nghiệp nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021).