| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Lưu Văn Lợi, pho từ điển sống của ngành ngoại giao

Thứ Ba 14/06/2016 , 08:01 (GMT+7)

“Tiếc rằng, ngày nay rất hiếm, nếu như không nói rằng hầu như không còn những nhà trí thức uyên bác với đúng nghĩa của từ đó mà anh Lưu Văn Lợi là một điển hình mặc dầu ở nước ta xuất hiện khá nhiều “tiến sĩ”, “giáo sư” và các nhà quản lý khoác đủ thứ danh hiệu, chức tước”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Bài học Lưu Văn Lợi

Có người 70 tuổi đã muốn “lão giả an chi”. Nhà báo Lưu Văn Lợi khi 90 tuổi ông vẫn lên máy bay sang Hoa Kỳ dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Khi 100 tuổi, ông vẫn minh mẫn, sắc sảo trong các nhận định, nói năng khúc chiết, tư duy rành mạch trong các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí thì quả là... cực kỳ hiếm.

Sinh ngày 1/7/1913, mất ngày 2/6/2016, với 104 tuổi thọ, nhà báo Lưu Văn Lợi vẫn ngồi lặng lẽ làm việc.

Tôi từng có nhiều lần qua thăm ông trên gác hai ngôi nhà đầu phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Từ dăm ba năm lại đây, đều đặn vài tháng tôi lại đến quấy quả ông ít phút. Đó là chuyện về tờ Tạp chí Tri Tân trước năm 1945 đã in mấy bài thơ của vợ ông - bà Lưu Văn Lợi (tên thật là Hoàng Hương Bình). Chuyện về tờ Báo Quốc hội (1946) mà người vợ của ông từng làm trong ban lãnh đạo.

Từ phòng khách nhìn vào nơi ông làm việc, bàn tay chậm chạp mổ cò từng nhịp, từng nhịp trên bàn phím chiếc máy tính để bàn. Lần nào tới, tôi cũng được nghe ông kể vài mẩu chuyện hữu ích để bổ sung cho công việc cầm bút của mình.

Nhờ vậy, tháng 1/2013, kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về kết thúc chiến tranh tại Việt Nam, tôi có bài viết về câu chuyện văn bản Hiệp định được may giấu trong áo của ông mà ít người biết. Sau đó, một đồng nghiệp của tôi cũng muốn được tới thăm ông để hỏi thêm một số chuyện “thâm cung bí sử” xung quanh cuộc đàm phán lịch sử này.

“Vì sao Kissinger lại gọi ông Lưu Văn Lợi là người đứng đầu tập đoàn lái trâu, thưa ông?”. Anh vừa dứt lời thì đã nghe tiếng ông phản ứng quyết liệt: “Các anh các chị bây giờ làm báo chí chỉ thích đi bới móc những chuyện giật gân câu khách vậy thôi à?”. Nói xong, ông hướng về màn hình tivi, giả điếc, không tiếp chuyện nữa.

Lần đầu tiên tôi thấy ông nổi nóng như vậy. Tuy ông không mắng tôi, nhưng tôi hiểu rằng đó cũng là bài học của ông đối với tôi nếu như không tìm hiểu bản chất mọi vấn đề mà chỉ thích những chuyện câu khách rẻ tiền.

Nhà báo Khoa Phong

Năm 1944, đang làm việc tại thị xã Phúc Yên, Lưu Văn Lợi được đồng chí Trần Quốc Hương (sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) giải thích, tuyên truyền về bản Đề cương văn hóa của Đảng, đồng thời vận động ông gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc.

Từ đây, Lưu Văn Lợi tích cực tham gia hoạt động phong trào của Mặt trận Việt Minh, nhất là trên lĩnh vực báo chí. Trong nhà riêng của mình ở làng Vĩnh Tuy, Lưu Văn Lợi đã cùng Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng bí mật in tờ Tạp chí Tiên Phong - cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc.

Chính trên tờ tạp chí này, với bút danh Khoa Phong, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi đã viết ba bài: "Tinh lực nguyên tử và bom nguyên tử" (Tiên Phong số 4-5); "Bản cáo trạng trong tấm lòng son" (Tiên Phong số 6) và "Khác nhau một tấm lòng son" (Tiên Phong số 7).

Trước hiểm họa quân Pháp lăm le trở lại xâm lược, lấy bài học của những kẻ phản bội Tổ quốc ở hai phương trời Âu - Á (Hoàng thân Prince de Condé, 1736-1918 của Pháp và vua Lê Chiêu Thống), ngòi bút Khoa Phong rạch ròi: “Bài học chính trị đối với chúng ta thật rõ ràng: Yêu nước là đặt quyền lợi lên trên hết; ở một giai đoạn lịch sử nhất định, cứu nước là suy tính kĩ càng về mọi điều kiện trong giai đoạn ấy, lợi dụng các mối mâu thuẫn giữa nước này với nước nọ, điều hòa quyền lợi của nước trong giai đoạn ấy, với quyền lợi của người mà vẫn trông vào thực lực của mình, vì ỷ lại là tự đào thải” (Tiên Phong số 6).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Lưu Văn Lợi còn làm Tổng biên tập tờ Le people (Quần chúng - năm 1946) và Thư ký tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (1948-1950).

Pho từ điển ngành ngoại giao

Là tác giả của nhiều cuốn sách “gối đầu giường” về ngoại giao. Khi 100 tuổi, ông Lưu Văn Lợi hoàn thành cuốn sách Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012. Hội nghị Quân sự Trung Giã và Hội nghị Giơnevơ được tiến hành gần như song song với nhau. Đó là hội nghị đầu tiên giữa hai Bộ Tổng tư lệnh của ta và của Pháp, mà cũng là hội nghị cuối cùng giữa hai Bộ Tổng tư lệnh.

09-59-13_luu-vn-loi
Nhà báo Lưu Văn Lợi (1913 - 2016)

 

Một cuốn sách khác cũng đã được hoàn thành, ông đặt nhan đề là “Cảm xúc về cuốn Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi”. Cuốn thứ ba là viết về Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh những cuốn sách mới viết, ông còn cho tập hợp các bài viết của mình trên các báo và tạp chí từ hơn 70 năm trước, trải qua các cuộc chiến đấu chống Nhật, chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc... mang tên gọi “Lưu Văn Lợi - Tác phẩm chính luận”, với độ dày khoảng một nghìn trang bản thảo.

Khi không còn viết tay được nữa, ông tự mình mày mò, cặm cụi đánh máy vi tính mà không hề có người giúp việc. Tất cả đều bằng trí nhớ trong bộ óc làm việc ngoài trăm năm cõi người của mình. Ai đã từng đọc cuốn hồi ký của ông mang tên “Gió bụi đường hoa” (Nhà xuất bản Công an Nhân dân 2007) hẳn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng, toàn bộ các sự kiện suốt 50 năm hoạt động đầy ăm ắp như vậy, mà đều được ông viết ra từ trí nhớ.

Ông tâm sự rằng, mình có may mắn là tuổi cao nhưng vẫn còn có sức làm việc và vẫn còn minh mẫn để làm việc được. Khi tôi hỏi bí quyết nào giúp ông có được sức làm việc bền bỉ và minh mẫn đến như vậy. Ông chậm rãi giải thích: “Cũng có nhiều bạn bè hỏi tôi như vậy. Tôi không giải thích được. Có lẽ cuộc sống giản dị và hoạt động về trí tuệ thường xuyên cho nên tôi nhớ được như vậy”.

Ký tặng cuốn sách về Hoàng Sa và Trường Sa cho tôi, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi hóm hỉnh nói: “Tôi có cái hạn chế là không có người giúp việc. Chứ trong đầu hãy còn nhiều tham vọng, còn muốn viết một vài quyển nữa, mà tôi nghĩ rằng tôi có thể viết được nếu sức khỏe vẫn ổn định”.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Ruud Van Nistelrooy không nằm trong kế hoạch của tân thuyền trưởng Man.United

HLV người Hà Lan chính thức chia tay Man.United do ban huấn luyện mới của tân HLV trưởng Ruben Amorim có lựa chọn của mình.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.