Bằng ngòi bút, nhiều nhà báo đã xây dựng tên tuổi trong lòng nhân dân và đồng nghiệp. Họ xông xáo đi xuống thực địa mọi lúc mọi nơi; đấu tranh cho công bằng xã hội. Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu những ký giả của một thời.
Bà Như Quỳnh (tên thật là Võ Ngọc Nghi) Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Việt Nam. Bà được đồng nghiệp đánh giá là người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái.
Con gái cụ cử Võ Hoành
Bà Như Quỳnh là con gái cụ cử Võ Hoành, một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, cùng các cụ Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí...
Không đỗ đạt trong khoa cử, nhưng với kiến thức thực học của mình, cụ vẫn được mọi người tôn kính như một ông cử nhân và gọi cụ cử Hoành. Ngồi trên xe, bà đọc cho tôi nghe những lời thơ về Đông Kinh nghĩa thục cả trăm năm trước: “Tội danh đổ đám Nho lưu/ Bắc Kỳ thân sĩ đứng đầu năm tên”.
Năm tên đó, thứ nhất là cụ Nguyễn Quyền, thứ hai là cụ Lê Đại – đỗ đầu xứ. Thứ ba là cụ Võ Hoành. Thứ tư là cụ Dương Bá Trạc. Thứ năm là cụ Hoàng Tăng Bí. Cả năm người đều bị thực dân Pháp bắt giam vào ngục. Ban đầu chính quyền ra lệnh xử tử. Sau Hội Nhân quyền bên Pháp bênh vực, giảm án xuống chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo.
Lên 6 tuổi được học chữ Nho với cha, năm 14 tuổi thì bà xa nhà lên Sài Gòn học rồi thoát ly hoạt động cách mạng, mà bà nói vui với tôi là “lưu lạc giang hồ”. Cha dạy chữ Nho, còn những chiến sĩ cách mạng Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương về gây cơ sở đã dạy bà chữ Tây. Vì thế, bà không nhớ các thầy ở trường đã dạy chữ khi mới bước vào lớp 1 như thế nào.
Văn nôm (chữ Hán) cha dạy giúp bà từ nhỏ đã thấm nhuần luân thường đạo lý. Tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” ở trường Tây, cụ thể là trường Áo Tím (tên Tây là Collège des Jeunes Filles Indigènes - trường Trung học cho Nữ sinh bản xứ - nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh) giúp bà sống tự lập giữa cuộc đời, khảng khái như cây thông trong thơ Nguyễn Công Trứ. “Aux armes, citoyens, marchons, marchons/ Un sang impur abreuve nos sillons” (Các công dân hỡi! Hãy cầm vũ khí! Tiến lên, tiến lên/ Một loại máu vẩn đục đang tràn lên đồng ruộng chúng ta).
Lời ca hùng tráng của những người lính chân đất đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cách mạng, sau này thành Quốc ca nước Pháp, được bà say sưa nhẩm hát cho tôi nghe dẫu đã ngoài 90 tuổi.
Người có tầm nhìn rộng
Cách mạng tháng Tám, rồi tiếng súng Nam Bộ kháng chiến chuẩn bị phát nổ (23/9/1945). Bà được cử ra Bắc mang tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ báo cáo tình hình với Trung ương Đảng.
Nhà báo Như Quỳnh – tư liệu
“Anh Hoàng Quốc Việt, đặc phái viên của Trung ương cử tôi đi. Tôi đề nghị cho tôi một ngày tôi về thăm cha rồi đi. Anh Việt nói không được, bây giờ không biết chiến tranh sẽ nổ ra ở đây hay ở Hà Nội, mà báo cáo này gửi Trung ương thì chị phải đi sớm. Chị nhớ mang con theo, kẻo loạn lạc chẳng biết ở đâu. Thế là tôi ẵm con đi. Tôi ra đến Thanh Hóa ngày 23/9/1945 thì quân Anh mới chiếm Nam Bộ phủ”, bà Như Quỳnh nhớ lại.
Nhiều công tác bà đã trải qua, từ Báo “Tiếng gọi Phụ nữ”, Báo “Cứu quốc khu 2”, cho đến khi về Báo “Phụ nữ Việt Nam” mà bà tự nhận là người may mắn được cử làm Tổng biên tập đầu tiên.
Nhà báo Như Quỳnh sinh năm 1923 tại Nam Bộ. Ngoài 10 năm làm Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam, bà còn là Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (tại Đại hội thành lập năm 1950; Tổng thư ký là nhà báo Nguyễn Thành Lê); Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam (từ Đại hội II năm 1956). Hiện bà cư trú tại TP. Hồ Chí Minh. |
Trong ký ức của bà, những chuyện nghề có đủ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tuy nhiên, với công việc thì bà luôn được mọi người kính nể. Đặc biệt, đối với những cây bút trẻ ngày ấy như Sơn Tùng, Ngô Ngọc Bội (sau này đều trở thành những nhà văn có danh trên văn đàn)… bà đều ưu ái duyệt đăng bài. “Những cậu ấy gần dân, kỹ thuật viết lúc đầu không cao nhưng nhiều hơi thở đời sống”, bà Như Quỳnh nhớ lại.
Nhà thơ Cẩm Lai trong hồi ký mang tên "Thời con gái", đã nhắc đế bà Như Quỳnh - Võ Ngọc Nghi với tình cảm đầy trân trọng: “Chị không phải là người trực tiếp phụ trách tôi mà chị lo lắng cho tôi hơn những người trực tiếp có trách nhiệm với tôi. Chị xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn rộng rãi và có tấm lòng nhân ái. Nếu ai cũng có được tấm lòng như chị Ngọc Nghi thì chị em cán bộ cấp dưới sống thoải mái biết bao”.
Mười năm làm Tổng biên tập báo, bà tự hào rằng, cùng với Báo Tiền phong (Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương), thì Phụ nữ Việt Nam ngày ấy là hai tờ báo sống được bằng tự thu chi hạch toán, Nhà nước không phải bao cấp.
Bỗng đâu thấy bà tủm tỉm cười. Thì ra, trong cuộc đời cũng nhiều tình huống trào lộng. Một hôm, người phụ trách lĩnh vực xuất bản mời Tổng biên tập các báo đến, nêu đề xuất sắp tới sẽ kiểm duyệt nội dung trước khi in.
Bà Như Quỳnh thẳng thắn trả lời: “Tôi với chị cùng nhau đi làm cách mạng để giành độc lập và tự do, chống kiểm duyệt báo chí. Bây giờ chị lại đòi kiểm duyệt chúng tôi. Dù là chủ trương của cấp nào thì cũng không đúng. Tôi không đồng ý kiểm duyệt. Nếu báo của tôi in sai, các anh chị thu hồi, tôi hết vốn, nhưng tôi không đồng ý kiểm duyệt”. Những lần phản ứng dữ dội như vậy không phải ít lần trong cuộc đời làm báo của bà.
Hàng năm, có dịp ra Hà Nội an dưỡng tại khu nhà nghỉ dành cho cán bộ lão thành cách mạng (Đại Lải, Phúc Yên, Vĩnh Phúc), bà vẫn gọi điện hẹn tôi theo bà đi chơi. Khi thì thăm nhà thờ bên nội (Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhà thờ bên ngoại (Nội Duệ, Từ Sơn, Bắc Ninh); khi lại theo bà đến thăm những người bạn cũ, đó là người chị Phạm Thị Trinh, và các bạn văn chương khác…