Tác giả Nguyễn Thế Kỷ có nhiều danh xưng như Phó Giáo Sư, Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà viết kịch… nhưng trước hết ông là một nhà báo. Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Nguyễn Thế Kỷ vào nghề ở báo địa phương, trải qua nghiệp vụ từ phóng viên đến quản lý.
Trước khi chuyển ra Hà Nội công tác, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ từng đảm nhận vai trò Tổng Biên tập báo Nghệ An, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An.
Ở tuổi 60, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ có thể xem là một gương mặt thành đạt trong giới cầm bút, với hai chức vụ sang trọng Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
Tuy nhiên, điều thú vị ở nhà báo Nguyễn Thế Kỷ là dù đã ở cương vị lãnh đạo nhiều năm, thì ông vẫn luôn thao thức được trình bày suy tư của mình lên trang giấy. Trước đây, ông từng có vài cuốn sách viết về nghề báo như “Nói năng, giao tiếp trên truyền hình” hoặc “Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn”. Lần này, cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được ông đầu tư công phu hơn, và Nhà xuất bản Thông Tin & Truyền Thông ấn hành ngay không khí tưng bừng kỷ niệm 21-6 năm nay.
Hơn một lần, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ trăn trở: “Cả nước hiện có xấp xỉ gần 20.000 người làm báo được cấp thẻ nhà báo, còn có người chưa được cấp thẻ. Trong số đó cũng có một số rất ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, có những sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, như dọa nạt doanh nghiệp, thông tin sai sự thật làm cho hình ảnh những người làm báo ít nhiều bị ảnh hưởng”. Vì vậy, ông muốn dùng kinh nghiệm và tâm huyết của mình giúp độc giả nhận rõ nét bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam, đồng thời cũng giúp giới báo chí có thêm cơ sở để tái cấu trúc phù hợp với yêu cầu mới của cuộc sống.
Ngoài hàng chục kịch bản sân khấu, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ cũng đã có tập thơ thiếu nhi “Nhớ thương ở lại” và tiểu thuyết “Chợ tình Khâu Vai”. Đầu năm 2020 vừa qua, tác giả Nguyễn Thế Kỷ cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.