| Hotline: 0983.970.780

Nhà ở an toàn phòng chống thiên tai không thể cứ hỏng rồi sửa

Thứ Tư 16/12/2020 , 16:17 (GMT+7)

Việc xây dựng nhà ở an toàn phòng chống thiên tai không thể cứ hỏng rồi sửa mà cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể, bao quát hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngày 16/12, Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá công tác xây dựng nhà ở an toàn phòng chống thiên tai hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ứng phó bão lũ để cứu người chứ chưa tính đến việc hỗ trợ để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Theo Thứ trưởng Hiệp, chúng ta cần phải nghiên cứu cách làm nhà ở an toàn phòng chống thiên tai của các nước trên thế giới, cần học hỏi những ưu điểm từ các nước bạn. Ngoài ra cũng cần phải công nghiệp hóa để giảm giá thành nhà ở an toàn chống bão lũ, phải đồng bộ cũng như quy hoạch để đảm bảo yếu tố phòng chống thiên tai. Nhà ở an toàn phải phù hợp với khu vực bão lũ của địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định câu chuyện về ngôi nhà an toàn chống bão lũ còn nhiều vấn đề cần quan tâm: “Đầu tiên việc lựa chọn một ngôi nhà an toàn trước bão lũ ở Việt Nam cần phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử, bản địa và loại hình thiên tai. Thế nên sẽ không có một loại nhà nào hoàn hảo 100%.

Tiếp theo cần quan tâm đến yếu tố cộng đồng. Phải làm thế nào để không chỉ có một gia đình chống lũ mà có thể xây dựng được cả một cộng đồng chống lũ. Để có thể làm được việc này cần sự chung tay của Nhà nước.

Cuối cùng, với những gia đình có điều kiện thì việc xây một ngôi nhà an toàn phòng chống thiên tai là dễ dàng nhưng chúng ta phải tính đến cả những gia đình không có điều kiện. Làm thế nào để tất cả người dân vùng bão lũ có thể tiếp cận và xây được ngôi nhà an toàn”.

Để có thể thực hiện được một ngôi nhà đảm bảo an toàn cho người dân vùng bão lũ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất bước một cần xác định các mô hình nhà an toàn phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử, chính trị… của địa phương. Bước hai phải xây dựng những ngôi nhà nhà mẫu mới, từ đó tính toán phù hợp cũng như giá thành để có thể sản xuất hoàng loạt. Bước ba là kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp tham gia ngay từ khi xây nhà mẫu.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Mệnh lệnh của chúng ta bây giờ không thể hỏng đâu sửa đấy mà phải có một cái nhìn tổng thể, bao quát hơn. Có những hậu quả của đợt thiên tai vừa rồi, 10 năm nữa cũng không thể khắc phục được. Có những hậu quả không thể sửa chữa, bù đắp bằng tiền”.

Theo Thứ trưởng, mệnh lệnh của chúng ta bây giờ không thể hỏng đâu sửa đấy mà phải có một cái nhìn tổng thể, bao quát hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Thứ trưởng, mệnh lệnh của chúng ta bây giờ không thể hỏng đâu sửa đấy mà phải có một cái nhìn tổng thể, bao quát hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Thế nên cần khẩn trương triển khai những công việc cần làm. Ngay trong năm 2020 chúng ta đã giới thiệu một số mẫu nhà cho người dân tham khảo. Tiếp theo cần triển khai một số nhà mẫu từ đó tính toán, rút kinh nghiệm thực thiễn. Đây là những mẫu nhà ở, nhà cộng đồng mẫu dùng vật liệu mới, công nghệ mới nên cần vận động tối đa kinh phí hoạt động.

Sau khi thực hiện xong 2 mẫu nhà ở và nhà cộng đồng này thì cần tính toán tổng kết để có thể đề xuất Chính phủ các chương trình đầu tư trọng tâm hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.

Tại cuộc họp, đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chỉ ra những điều kiện trong việc xây dựng một ngôi nhà đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai.

Cụ thể, việc tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho cơ sở hạ tầng xã hội cần đảm bảo: số tầng cao của một ngôi nhà cần nhiều hơn 1 tầng; cần dự phòng diện tích cho hoạt động tránh trú; bố trí hạng mục sinh hoạt thiết yếu khi tránh trú từ tầng 2 trở lên (nhà vệ sinh, kho chứa…); đảm bảo năng lượng khi có thiên tai, bão lũ; đảm bảo vị trí an toàn, thuận lợi (vùng đất cao, tôn nền cao, dễ tiếp cận).

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng cần được tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đảm bảo việc cấp nước (nâng cao cốt miệng bể chứa nước như bể nổi, có chân đế cao, bể hai tầng…); đảm bảo việc cấp điện (an toàn, kiên cố hóa nhà trạm, đường dây, dự phòng máy phát, điện mặt trời…); giao thông cần đảm bảo cho việc tiếp cận, không bị cô lập…; san nền phải được tính toán, dự đoán mức an toàn ngập úng…

“Thực tế cho thấy nhiều nhà ở an toàn cho vùng lũ không còn phù hợp nữa. Những ngôi nhà đó nhiều người dân chỉ dùng để chứa rơm rạ. Hiện nay người dân rất cần những hướng dẫn về việc khôi phục các căn nhà đang bị hư hại sau đợt bão lũ vừa qua để sớm ổn định cuộc sống" – ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.