| Hotline: 0983.970.780

Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Bằng cấp không đảm bảo cho trí tuệ

Thứ Năm 08/11/2007 , 20:02 (GMT+7)

Bàn phím và “Cây búa” là tập sách đầu tiên của nhà phê bình Nguyễn Hòa. Đọc nó, có thể nhiều người sẽ sụp đổ “thần tượng”, nhiều người hỉ hả, nhiều người đỏ mặt, và chắc cũng không ít người... lắc đầu! Hy vọng qua cuộc trò chuyện ngắn này, độc giả có thể có một cái nhìn về Nguyễn Hòa, người tự nhận mình là “người viết phê bình” chứ không phải là một nhà phê bình được mệnh danh là “cây búa vàng”....

Tôi “nghịch” ấy mà

Bàn phím và “Cây búa” nghe có vẻ “chém đinh chặt sắt” quá, thưa anh Nguyễn Hòa?

Không. Tôi “nghịch” ấy mà. Cũng như các đồng nghiệp khác, bây giờ tôi ít dùng bút, mà chỉ dùng computer. Còn “cây búa” thì có liên quan đến câu chuyện cách đây hơn 10 năm. Anh Nguyễn Duy đọc mấy bài phê bình của tôi rồi bảo: “Anh mà kiếm được tiền tài trợ, sẽ trao giải “cây búa vàng” cho chú”. Quen dần, nhiều người cũng đùa, gọi tôi là “cây búa”. Tôi dùng lại chữ “cây búa” của Nguyễn Duy, nhưng để nó trong ngoặc kép, tức là cho có hình ảnh chứ không phải “cây búa” theo nghĩa đen...

Nhiều năm làm trong quân đội, bây giờ làm việc ở một tờ báo có tiếng là nghiêm cách, đó là môi trường “hiền lành”, nhưng đọc anh, người ta thấy “gai” quá...

Tôi nghĩ, môi trường có thể tham gia vào việc đào luyện nên những con người nhưng đó không phải là chân lý phổ quát. Trong triết học Mác có một phạm trù rất hay về quan hệ giữa tự do và tất yếu. Người ta tìm thấy tự do khi người ta ý thức được cái tất yếu.

Việc làm của tôi mà anh gọi là “chém đinh chặt sắt” chẳng phải là sự lựa chọn mà cũng chẳng phải là cố ý hay có tị hiềm gì với đồng nghiệp mà ít nhiều liên quan đến tính cách. Tôi là người sống trung thực, thẳng thắn nên gặp khuất tất trong nghề là không chịu được. Hơn nữa, môi trường học thuật, văn chương ở Việt Nam đã đến lúc phải được cảnh báo. Không phải riêng tôi phát hiện ra mà những người có thiên lương nghề nghiệp cũng phát hiện ra, nhưng vì điều này, điều kia họ chưa không lên tiếng. Còn với cái “tạng” của tôi thì không dung túng cho sự khuất tất.

Nhưng anh không được đào tạo bài bản về lĩnh vực này?

Nói về bằng cấp, tôi chả bằng ai. Tôi đi bộ đội, ở biên giới và chỉ có ước mơ về Hà Nội học đại học, học gì cũng được. Về sau, tôi được quân đội cho về học ngành văn hóa quần chúng tại ĐH Văn hóa Hà Nội, nhưng cũng chỉ là học chuyên tu 3 năm. Nhưng, quả thật tôi ham học...

Cách học của anh như thế nào?

Mất chừng chục năm, vào thời kì rất khó khăn, vợ con thì sống nheo nhóc nhưng tôi cứ nghe bạn bè kháo nhau có thầy nào giỏi giảng ở đâu thì đạp xe đến nghe, đông quá thì kê ghế ngồi ké ngoài cửa sổ. Sau này, tôi may mắn được tiếp xúc với những cây đại thụ của ngành khoa học xã hội như các thầy Trần Đình Hượu, Từ Chi, Đoàn Văn Chúc... Tính tôi hay nghĩ, nên phát hiện thấy cái gì chưa biết là lọ mọ tìm sách để đọc. Tôi rất quý sự học nhưng phải là học thực chứ không phải để lấy cái bằng. Chính vì thế từ khi tiếp xúc với các vấn đề mang tính học thuật, tôi chấp nhận làm từ đầu, từ abc.

Khi học xong ở ĐH Văn hóa, quân đội điều tôi về dạy ở Khoa triết của Học viện Chính trị - Quân sự. Với mấy bài võ vẽ của chương trình trung cấp triết học ở bậc đại học mà lại là lớp chuyên tu, nên đi dạy thì nghe có vẻ “tài tử” quá, nên tôi phải tự học. Tôi mất khoảng 2,3 năm chỉ đọc tác phẩm kinh điển và nắm bắt các lý thuyết. Trong khi học, tôi rút ra được những vấn đề phương pháp luận giúp ích cho tôi đến cả hôm nay. Nhiều người hỏi, tại sao tôi viết mạch lạc, chặt chẽ, logic thế? Đó chính là “tài sản” mà tôi có được từ triết học, logic học đấy.

Như anh nói thì anh không xác định để trở thành nhà phê bình?

Đúng thế.

Nhưng vì sao anh có “duyên phận” với nó?                                                        

Cũng là một sự ngẫu nhiên thôi. Năm 1985, thầy Phan Ngọc xuất bản cuốn “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều”. Tôi đọc cuốn sách thì được biết bản thảo được hoàn thành năm 1965. Tôi rất mê cuốn sách này vì đó là cách tiếp xúc với Truyện Kiều hoàn toàn mới. Sau đó, trên báo Văn nghệ có người mang cuốn sách ra phê phán. Tôi đọc thấy rất khó chịu. Cách đây tròn hai 20 năm, tôi cặm cụi ngồi viết bài và gửi báo Văn nghệ, chỉ một tuần sau báo đăng. Phải nói rằng khi đó chị Thiếu Mai (phụ trách Ban lý luận - phê bình của báo Văn nghệ, nay đã mất) đã động viên tôi rất nhiều. Thế hệ viết phê bình cùng thời với tôi như: Chu Văn Sơn, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên..., ít nhiều được chị Thiếu Mai động viên, giúp đỡ...

Thưa anh, thường thì người ta thấy Nguyễn Hòa “đánh” chứ ít khi khen...

Tôi cũng chả hiểu vì sao các bài phê phán của tôi thường “trồi” lên trên mặt bằng những gì tôi viết có tính xây dựng hoặc đề xuất ý kiến. Có lẽ vì bạn đọc chú ý tới những bài “giật gân” chăng? Trong cuốn sách Bàn phím và “Cây búa”, có hai loại hiện tượng mà tôi sắp xếp mục lục có chủ tâm, đó là hiện tượng “đạo văn” và các công trình tôi đánh giá thấp nhưng lại được quảng cáo, lăng-xê rầm rộ.

Đạo văn là chuyện không chấp nhận được. Người bình thường đã không thể bỏ qua, huống hồ là tiến sĩ, phó giáo sư. Cho nên tôi không nề hà trong chuyện phải đưa họ ra ánh sáng. Với những người đạo văn, tôi không cho họ con đường thoát. Khi anh đã cầm bút chép của người khác thì đã có ý thức trong đó rồi. Mà cái điều chỉnh ý thức đó chính là sự liêm sỉ.

Người ta có thể bào chữa cho việc “đạo văn” là bởi trong một thời gian dài, luật pháp quy định về vấn đề này còn lỏng lẻo?

Cái đó chỉ đúng một phần. Để dẫn tới việc đạo văn nó có nhiều lý do, trong đó có chuyện bằng cấp. Tôi không đồng tình với việc, bổ nhiệm một ai đó lại yêu cầu phải có bằng cấp này bằng cấp nọ. Cái đó sẽ sinh ra nhiều tiêu cực. Những luận văn tiến sĩ mà chủ nhân của nó không có thực lực thì họ sẽ “đạo văn”. Đấy là chưa kể, những người thầy hướng dẫn họ, những người phản biện còn vô trách nhiệm hơn nữa. Thứ nhất, nếu anh biết học trò đạo văn mà vẫn cho qua tức là anh dung túng cho việc làm sai trái. Thứ hai, anh cũng không có khả năng bao quát lĩnh vực mà anh hướng dẫn nên học trò đạo văn trước mặt anh mà anh không biết thì hướng dẫn làm gì.

Có người còn tung tin tôi không có bằng đại học

Có một “lý luận” thế này, trong một bối cảnh nó bát nháo thế, ai mà làm nghiêm túc sẽ bị thiệt thòi, nên người ta thà đi đạo văn cho nó nhanh...

Cho nên phải cần đến sự liêm sỉ. Nếu mà tôi ham hố chuyện đó thì tôi cũng đã đạt được lâu rồi. Khi tôi còn dạy ở Học viện, họ giục tôi làm nhưng tôi toàn lỉnh.

Lý do?

Chả dại gì mà tôi lại bỏ ra mấy năm đi nghe những bài giảng mà chắc chắn tôi rất chán.

Nhưng bằng cấp có gì xấu đâu?

Đúng thế. Cái quan trọng là dùng bằng cấp như thế nào thôi. Bằng cấp không phải là sự bảo đảm trí tuệ cho cá nhân. Sản phẩm làm ra mới phản ánh trí tuệ của anh ta.

Có ý kiến cho rằng, anh “đánh” GS -  TS nhiều vì anh đố kị với những gì họ có?

Cái này tôi cũng nghe rồi. Tôi không lạ. Tôi chỉ “cười khẩy”. Thậm chí, có người còn tung tin tôi không có bằng đại học, vì không được vào Hội Nhà văn, mà tôi đã làm đơn bao giờ đâu. Có một thói xấu của một số trí thức người Việt, là khi xuất hiện vấn đề liên quan đến sản phẩm của mình thì không đi tìm lý do từ chính mình mà đi tìm lý do tự ngoại cảnh. Không phải tôi có ác cảm với các GS - TS, thậm chí rất nhiều vị tôi nhìn với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Nhưng ở đời, thùng rỗng thường kêu to. Tôi là người tự học nên thường tìm các công trình của GS - TS về đọc. Thế là ngẫu nhiên, phát hiện ra họ nghiên cứu hời hợt thì tôi lên tiếng.

Tức là anh không cố cất công đi” bới lông tìm vết”?

Đúng thế. “Bới lông tìm vết” là việc làm của kẻ tiểu khí.

Chuyện hằn thù cá nhân thì ít, hoặc tôi chưa biết

Có vẻ nhưng anh không kiêng nể ai, thậm chí đó là thầy của mình?

Đúng. Thầy Trần Quốc Vượng chẳng hạn. Tôi biết thầy là chủ biên cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam nhưng học trò của thầy ăn cắp văn, làm hại uy tín của thầy. Tôi nghĩ, tôi làm việc thế là bảo vệ thầy.

“Trung ngôn nghịch nhĩ”, cái mà anh thu lại được là gì?

Tôi yên tâm là có những kiến thức mà tôi công bố là “ăn cắp” sẽ được điều chỉnh. Còn chuyện hằn thù cá nhân thì ít, hoặc là tôi chưa biết (cười). Cũng có người gọi điện đến lăng mạ tôi nhưng tôi dọa sẽ ghi âm lại công bố trên báo, vậy là họ... lảng.

Anh nói là “đánh” ai đó cũng rất đàng hoàng. Vậy có ai anh thông báo trước cho họ khi “đánh” không?

Có chứ. Ví dụ trường hợp của GS Hà Minh Đức chẳng hạn. Khi người ta công bố danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh đợt năm ngoái, có tên GS Hà Minh Đức. Tôi đã gọi điện đến, bảo GS Đức: Theo em, anh nên rút. GS trả lời: Thế thì ông viết đơn gửi lên Bộ Văn hóa đi. Tôi bảo: Sao anh lại bảo em như thế? Em có phải là thằng đi kiện cáo đâu. Một tuần nữa, nếu anh không rút tên em sẽ lên tiếng đấy. Mặc dù, biết khi lên tiếng, tôi sẽ đối mặt với hàng nghìn học trò của GS Hà Minh Đức. Nhưng, cũng chẳng thấy ai phản đối cả. Cuối cùng, GS Đức không có tên trong danh sách những người đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt vừa rồi.

Thưa anh, những người mà anh đã “đánh” rất rát mặt, họ lại vẫn yên vị với địa vị của mình, thậm chí không muốn nói là thăng tiến hơn...

Cái đó thì tôi chịu....

Có bao giờ anh phê ai, sau đó biết là mình sai chưa?

Chưa. Tôi thường phải lật đi lật lại, bảo đảm chắc chắn mình đúng thì mới viết. Cũng có một vài người đưa ra ý kiến bóng gió này khác nhưng chưa ai chứng minh được tôi sai cả. Tôi biết, bắt bẻ được tôi là rất khó, bởi khi viết bài báo dù nhỏ thôi nhưng đều được tôi triển khai như một hệ thống chặt chẽ. Bởi thế, khi gửi đến toà soạn nào, bao giờ tôi cũng đề nghị không cắt. Không phải vì tôi kiêu ngạo mà bởi hệ thống bài viết của tôi chặt chẽ đến mức mà cắt đoạn nào ra là có nguy cơ sập toàn bài... Do vậy mà chỉ có tôi mới có thể tự cắt trong cái hệ thống mà tôi xây dựng.

Anh chuyên đi phê bình người khác, đến lượt những cuốn sách của anh nếu có ai phê bình rất nặng, anh sẵn sàng đón nhận chứ?

Tôi sẵn sàng, nếu họ thuyết phục được tôi!

Xin cám ơn anh!

Mai Xuân Nghiên (thực hiện)

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất