Nhà thơ Lương Minh Cừ bắt đầu sáng tác khi còn là một cậu học trò ở quê lúa Thái Bình. Vào bộ đội, nhà thơ Lương Minh Cừ chung chiến hào với thế hệ cầm súng và cầm bút chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Đông Nam bộ.
Non sông thống nhất, nhà thơ Lương Minh Cừ rời quân ngũ và theo đuổi con đường tri thức. Có học hàm Phó Giáo sư và có học vị Tiến sĩ, nhà thơ Lương Minh Cừ từng làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TP.HCM trước khi chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long.
Ở tuổi 70, nhà thơ Lương Minh Cừ vẫn đam mê thi ca và thương nhớ đồng đội. Tuyển thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” do Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân ấn hành, không phải một tập hợp ngẫu nhiên, mà được ông chắt chiu nhiều năm.
Nhà thơ Lương Minh Cừ đứng chung với 20 tác giả khác trong cuốn sách như một cuộc hạnh ngộ ân tình của những người làm thơ từng khoác áo lính, từng chia sẻ với nhau buồn vui giữa bom đạn ở chiến trường miền Đông Nam bộ.
Nhà thơ Lương Minh Cừ có phẩm chất của một nhà khoa học, một nhà quản lý nên ông lưu trữ tài liệu khá tỉ mỉ. Đọc tuyển thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, công chúng được gặp lại những tác phẩm viết đã lâu và ít phổ biến của những vị tướng lừng lẫy một thời như Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996), Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1913-1987), Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (1929- 2011).
Trong những đồng đội xưa, có người còn rong ruổi sáng tạo, có người đã chìm khuất mây trắng, nhưng tác phẩm của họ vẫn được nhà thơ Lương Minh Cừ nâng niu và trân trọng. Đó là khoảnh khắc “Hòa bình” của Phạm Quốc Ca: “Hòa bình lết đi bằng bước chân thương binh/ Nhắc nhở những cuộc đời bị đốn/ Bằng những ngôn từ choáng lộn/ Sáng hơn màu của đạn đồng”. Đó là niềm riêng “Nghe tiếng ru con ở Hố Bò” của Lam Giang: “Trong tôi một mảng trời xanh/ Đạn bom xé nát đã lành vết đau/ Vầng cây cháy xạm trên đầu/ Lửa than rụng xuống lên màu lúa non”. Đó là hình ảnh “Trăng” của Nguyễn Trọng Oánh: “Xa xôi đường hành quân/ Lòng em như đáy nước/ Ôm một ánh trăng rằm/ Dõi theo anh mỗi bước”.
Và đó còn là tâm sự “Vé trở về” của Văn Lê: “Tôi đã từng đi qua chiến tranh/ Từng nhìn thấy những lá thư chữ to được người lính khắc vội vàng trên những thân cây/ Người kiên nhẫn hơn thì khắc vào lèn đá/ Những dòng chữ có hình hài vội vã/ Đơn giản chỉ là những thông tin báo cho người sau biết ai, ở đâu đã từng đến nơi này/ Chẳng ai nghĩ nó trở thành dấu vết mà con người gửi lại rừng cây/ Chẳng ai nghĩ nó là lời trăng trối của người đi gửi lại nước non này”.
Trong tuyển thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”, bên cạnh những tác giả đã thành danh như Trần Văn Tuấn, Thái Thăng Long, Hoàng Đình Quang, Thanh Giang, Mai Quỳnh Nam, Trần Thế Tuyển, Lê Văn Vọng, Đàm Chu Văn... nhà thơ Lương Minh Cừ cũng dành nhiều tình cảm cho những đồng đội ít có cơ hội xuất hiện trên văn đàn như Xuân Hòa, Vũ Chí Thành, Vũ Đức Thắng.
Biên soạn một tuyển thơ cho đồng đội, nhà thơ Lương Minh Cừ đã rất có lý khi lấy tên chung “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”. Bởi lẽ, đây là một bài thơ nổi tiếng của nhà văn Nam Hà (1935-2018). Nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, nhà văn Nam Hà có hai bộ tiểu thuyết ngàn trang về vùng đất này là “Trong vùng tam giác sắt” và “Đất miền Đông”. Tuy nhiên, trước khi thành danh ở lĩnh vực văn xuôi thì nhà văn Nam Hà từng sáng tác rất nhiều thơ.
Tập thơ “Khi Tổ quốc gọi lên đường” của nhà văn Nam Hà in năm 1975, được neo lại trong lòng bạn đọc với bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” qua thông điệp cao cả: “Đất nước của những người con gái con trai/ Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép/ Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”.
Tuyển thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” do nhà thơ Lương Minh Cừ thực hiện, sau khi phát hành trong nước, đã được dịch sang tiếng Anh, gây hứng thú cho độc giả quốc tế về tâm hồn thi sĩ của những người lính Việt Nam. Tuyển thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” có giá trị giống như câu thơ Lương Minh Cừ viết từ năm 1973 “đồng đội tìm nhau xuyên suốt khoảng không gian”.