| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Phạm Quốc Ca tạc chân dung đồ Nghệ ở xứ ngàn thông

Thứ Tư 08/02/2023 , 15:45 (GMT+7)

Nhà thơ Phạm Quốc Ca sau hơn hai năm chống chọi với bạo bệnh, đã qua đời vào rạng sáng 7/2 tại nhà riêng ở thành phố Đà Lạt, hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca trong buổi giao lưu với học sinh quê cũ Diễn Châu, Nghệ An.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca trong buổi giao lưu với học sinh quê cũ Diễn Châu, Nghệ An.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, mảnh đất mà ông mô tả “Tháng Năm mùa xuống hạt đồng khô/ Thương mầm giống cựa mình trong cát bỏng/ Tát nước lên đồng như cho trẻ uống/ Ruộng lúa xanh dần, áo mẹ trắng mồ hôi”.

Thời cắp sách đến trường, nhà thơ Phạm Quốc Ca hai lần đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ An và năm 1964 và 1970.

Năm 1969, gia đình nhận được tin người anh trai Phạm Văn Cừ hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, thì một năm sau nhà thơ Phạm Quốc Ca nhập ngũ ở tuổi 18 cùng 12 đứa bạn cùng trang lứa trong làng: “Bình minh con lại lên đường/ Giọt sao Mai đã xanh ngoài cửa sổ/ Nghe tiếng quạt biết mẹ nằm không ngủ/ Giấu nỗi buồn trước lúc con xa”.

Con đường gian nan giành lấy độc lập dân tộc, không chỉ rèn luyện chàng bộ đội Phạm Quốc Ca dạn dày hơn, mà còn hun đúc nên nhà thơ Phạm Quốc Ca. Những tác phẩm đầu tay của Phạm Quốc Ca xuất hiện trên tập san “Dũng sĩ” của Sư đoàn 9, với ngổn ngang tình nghĩa đồng đội bên chiến hào “Chúng tôi ở trong hầm vây ép/ Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép / Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương / Nhìn nhau thêm gần gũi thân thương” và niềm thương thân mẫu hiu quạnh nơi chôn nhau cắt rốn: “Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con/ Ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom”.

Từng tham gia Chiến dịch Đường số 6 (Kongpong Thom, Campuchia năm 1971) Chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long, Bình Phước năm 1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975), nên nhà thơ Phạm Quốc Ca cảm nhận rõ ràng những nỗi mất mát thầm lặng: “Bạn ngã xuống lúc bình minh ửng đỏ/ Xích xe tăng đã guồng đến Long Bình/ Đôi mắt khép khoảng trời khói lửa/ Mộ vùi nông, bao mộng ước không thành/ Hạnh phúc giản đơn chỉ là được sống/ Chỉ được sống thôi. ngoài tầm với bao người” và cảm nhận đầy đủ giá trị của cuộc sống: “Hòa bình lết đi bằng bước chân thương binh/ Nhắc nhớ những cuộc đời bị đốn/ Bằng những ngôn từ choáng lộn/ Sáng hơn màu của đạn đồng”.

Non sông thống nhất, nhà thơ Phạm Quốc Ca rời quân ngũ, nhưng những ám ảnh chiến tranh vẫn không ngừng day dứt trong thơ ông. Những tháng ngày :Sau lưng hoàng hôn đỏ/ Trước cửa rừng trăng treo” cứ chập chờn những hồi ức bi tráng: “Trăng sáng quá/ Chim rừng không ngủ được/ Chiêm chiếp buồn gọi bạn đâu đây/ Chiến tranh chợt mệt nhoài ngủ lịm/ Gió sàng trăng đầy võng đêm nay”. Từ năm 1977 đến năm 1981, nhà thơ Phạm Quốc Ca theo học khoa Văn ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tiếp tục viết những vần điệu mang trách nhiệm công dân với Tổ quốc: “Con đã hát niềm vui chừng vỡ ngực/ Một mùa hoa đỏ nắng Sài Gòn/ Đạn Trung Quốc lại bắn vào vết thương bom Mỹ/ Thịt da con đỏ máu với biên cương”.

Tháng 11/1983, nhà thơ Phạm Quốc Ca trở thành giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Thành phố ngàn hoa đón nhận ông như một thành viên tích cực, và ông bước lên bục giảng với tâm sự gửi gắm cho các sinh viên: “Sáng nay, buổi đầu tiên lên lớp/ Đường đời tôi đến bục giảng đi vòng/ Thơ có nói được bồi hồi xúc động/ Trước lứa em mình gương mặt sáng trong/ Tôi ước làm sao truyền đến được các em/ Rung cảm tươi nguyên dòng thơ báng súng/ Ngày ta sống nhiều băn khoăn, cay đắng/ Thơ hào sảng một thời, say được các em không/ Cuộc đời riêng có thể đi vòng/ Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng/ Người phải có cuộc đời người xứng đáng/ Các em nói được gì với lứa em sau/ Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu”.

Ổn định công việc, nhà thơ Phạm Quốc Ca đưa vợ con vào xứ sở sương mù. Người vợ đồng hương và bốn đứa con trai của nhà thơ Phạm Quốc Ca đã cùng ông gắn bó Đà Lạt mơ mộng như thơ ông viết “Ngàn biệt thự trong sương huyền hoặc/ Mặt trời như chiếc đĩa trang kim”. Bốn đứa con từng ngày lớn lên, gia tài thơ của ông cũng từng ngày nhiều lên. Nhà thơ Phạm Quốc Ca lần lượt xuất bản các tập thơ “Tiếng trầm”, “Làng trong nỗi nhớ”, “Chân trời mở”, “Những cánh rừng những bài ca”, “Thơ viết trong album”...

Nhà thơ Phạm Quốc Ca có hai năm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Năm 2004, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ văn chương tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Ông lần lượt đảm nhận các vị trí Trưởng khoa Văn học của Trường Đại học Đà Lạt, Tổng Biên tập tạp chí Langbian, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Ông khẳng định: “Viết văn, làm thơ là công việc cao quý đòi hỏi cùng lúc cả tâm và tài. Khởi đầu đó là hành động tự giải thoát những điều chất chứa trong tâm hồn, không viết ra không được, nhưng kết quả của việc sáng tác lại phải góp phần làm giàu thêm kinh nghiệm thẩm mỹ của con người. Vì vậy, văn chương đồng nghĩ với sáng tạo và có vô vàn lối đi, vô vàn vẻ đẹp khác nhau. Tự do sáng tác bao hàm trong đó sự tôn trọng cái khác với mình nơi đồng nghiệp”.

Tuyển thơ của Phạm Quốc Ca.

Tuyển thơ của Phạm Quốc Ca.

Về định mệnh cầm bút, nhà thơ Phạm Quốc Ca ưu tư: “Hầu hết mọi người, trời cho đủ vía/ Bình yên mái ấm thân thương/ Riêng thi sĩ thiếu đi một vía/ Khi khát chân trời/ Khi đói quê hương”. Nỗi khát chân trời của nhà thơ Phạm Quốc Ca bộc lộ qua giây phút thảng thốt: “Ta say hát nửa đời cay cực/ Chớm tuổi năm mươi đã bạc đầu/ Ta say hát lòng ai nhân hậu/ Chưa từng gặp mặt nhớ thương nhau”. Còn nỗi đói quê hương giống như mạch nguồn cứ xô đẩy, cứ dềnh dứ trong thơ ông, từ bái vọng “Tôi để lại căn nhà cho gió thổi/ Đêm đêm trăng dãi vườn không/ Bao tiết Thanh minh không về thắp hương mồ mẹ/ Thương những chiều vàng vọt hoàng hôn” đến bùi ngùi “Nhớ hun hút những ngày gió bấc/ Mưa bay mờ mịt cánh đồng/ Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa Đông”.

Có hai vùng trời luôn ẩn hiện trong thơ Phạm Quốc Ca, thứ nhất là miền Trung sinh thành, thứ hai là cao nguyên cưu mang. Với mảnh đất Nghệ An, ông hoài niệm xa “Góc sân tuổi nhỏ nhìn mây trắng/ Mơ những chân trời xa tít xa/ Tha hương ngoảnh mặt về quê mẹ/ Mây trắng thương thương khói bếp nhà” và ông khắc khoải gần: “Từ vắng mẹ, lâu không về quê mẹ/ Xóm bàn cờ, nhà mái đúc y nhau/ Mừng hết nhà tranh, vách đất/ Đường xi măng thôi nhòe nhoẹt chân trâu/ Nhưng cũng hết bờ tre, rặng duối. Cổng kín nhà nhà bốn phía tường bao/ Nhầm ngõ mấy lần, mới tìm ra nhà mẹ/ Lạc giữa quê mình, chợt nhói đau”.

Với mảnh đất Lâm Đồng, nhà thơ Phạm Quốc Ca tự tình “Đà Lạt giữa hè len lén lạnh/ Hồ Xuân Hương dợn sóng Tây hồ/ Thông tự vĩ cầm, mây tự trắng/ Nhớ bạn nghe hồn man mác Thu” và nhắc nhở “Miên man những nẻo đường kỷ niệm/ Người xa thấp thoáng đâu đây/ Ở phương ấy em ơi còn nhớ/ Nắng quỳ vàng như có rượu say”.

Năm 2018, nhà thơ Phạm Quốc Ca chọn lọc những tác phẩm ưng ý nhất của mình để in tuyển tập “Cơn mưa mạ vàng”. Sau khi nghỉ hưu, ông chắt chiu nhiều câu thơ chiêm nghiệm, để truy vấn “Mê mải sống cùng đất/ Thường quên có bầu trời”, để cảnh tỉnh “Phật và Chúa dạy ta đức hạnh/ Điều này bọn ác cũng mong” và để băn khoăn “Có loài cỏ mang hình cây lúa/ Hút màu mỡ nhiều hơn, xanh tốt vượt đầu/ Những cây lúa gầy gò lặng thầm làm hạt/ Cỏ cũng lòe người dâng một thứ bông lau”.

Nhà thơ Phạm Quốc Ca từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam. Không chỉ quan tâm đến hoạt động văn chương, ông còn quan tâm đến đời sống xã hội. Tháng 8/2022, trước khi bị tai biến, ông lưu ý về cách dùng từ ngữ của đồng nghiệp: “Từ nhà báo, nhà đài nhiều năm qua đã xuất hiện và sử dụng khá phổ biến các tổ hợp từ “Liên Xô cũ”, “buôn lậu trái phép”, “lạm dụng tình dục trẻ em” nghe rất trái tai. Có Liên Xô mới nào đâu? Lẽ nào còn có hoạt động buôn lậu được phép? Lẽ nào có thể quan hệ tình dục với trẻ em vừa phải?  Ngay lúc này cần sửa sai từ “kỷ lục” gắn với người chết vì dịch bệnh. Từ “kỷ lục” chỉ điều gì đó là thành tựu tốt nhất đã phải nỗ lực phấn đấu mới đạt được. Đại dịch Covid -19 là thảm họa của nhân loại. Nhà báo, nhà đài nào dùng từ “kỷ lục” để chỉ số người chết nhiều nhất ở một quốc gia, chắc chắn là sai rồi. Sửa đi thôi”.

Sinh thời, nhà thơ Phạm Quốc Ca quan niệm “văn chương dù đổi mới thế nào thì vẫn phải được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và dựa trên nền tảng nhân văn”. Bây giờ, ông đã về cõi thênh thang, gửi lại một chân dung thi sĩ từng đắm đuối cùng thông xanh “Anh một mình ngồi đốt đêm thành khói/ Tro tương tư đầy trắng gạt tàn”./.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.