| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Trần Kim Dung giăng mắc muôn nỗi gần xa

Thứ Bảy 01/10/2022 , 16:53 (GMT+7)

Nhà thơ Trần Kim Dung ở tuổi 77 vẫn miệt mài những vần điệu thương nhớ qua tập thơ ‘Muôn nỗi gần xa’ nhiều giăng mắc với cuộc đời, với tình người.

Nhà thơ Trần Kim Dung.

Nhà thơ Trần Kim Dung.

Nhà thơ Trần Kim Dung có nhiều năm làm hiệu trưởng Trường trung học cơ sở An Đà, Hải Phòng. Nghỉ hưu, nhà thơ Trần Kim Dung rời thành phố hoa phượng đỏ vào sinh sống tại TP.HCM và tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tác thi ca mà chị ấp ôm từ thời thanh xuân.

Liên tục giành được nhiều giải thưởng văn chương, nhà thơ Trần Kim Dung chứng minh rằng tâm hồn trẻ trung có thể bước qua giới hạn tuổi tác, nghệ thuật luôn rộng cửa cho mọi người và nghệ thuật luôn đủ chỗ cho tri âm. Sau tập thơ “Bầu trời dưới đáy sông” ra mắt năm 2017, nhà thơ Trần Kim Dung vừa giới thiệu tiếp đến công chúng một tập thơ có tên gọi “Muôn nỗi gần xa” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.  

Xuất hiện trong bối cảnh thích ứng bình thường mới sau giai đoạn căng thẳng “Thế giới phẳng sao mà nhiều trắc trở/ Đại dịch đã làm chao đảo cả hành tinh”, tập thơ “Muôn nỗi gần xa” tập trung ghi lại những kỷ niệm của nhà thơ Trần Kim Dung về những vùng đất đã đi qua, những con người đã hạnh ngộ. Nếu tác giả bắt gặp ở núi thiêng Yên Tử có ngôi chùa uy nghiêm “Mái cong vén sương vén mây bay lên đỉnh núi/ Chuông khánh ngân dài nghiêng ngả khắp trùng khơi” thì tác giả lại trông thấy ở Hoa Lư có loài hoa xao xuyến “Bông lau trắng bạt ngàn lưng chừng núi/ Như mây bay mỏng mảnh vắt ngang trời”.

Trên hành trình khám phá vẻ đẹp non sông, nhà thơ Trần Kim Dung bồi hồi vì trầm tích lịch sử hiện diện trong mỗi vẻ đẹp âm thầm. Chị suy tư với thác Bản Giốc vì “Sen không dầm chân nơi hồ ao ngập nước/ Trên đỉnh biên thùy sen tỏa ngát nghìn năm” rồi lại bâng khuâng với hồ Ba Bể vì “Áo chàm thấp thoáng nương xanh/ Để ai tìm mãi dáng hình trong mơ/ Rừng xanh thác cuộn gió mưa/ Ngỡ đâu tiếng triệu năm xưa vọng về”.

Trong tập thơ “Muôn nỗi gần xa”, hình ảnh những loài hoa không kiêu kỳ lại thường khơi dậy nhiều cảm xúc cho nhà thơ Trần Kim Dung. Chị ca ngợi hoa cúc họa mi “Mỏng manh như sợi heo may/ Em làm cầu nối tháng ngày Thu – Đông” và chị đồng cảm hoa tam giác mạch “Em ngủ hoang trên ngực cao nguyên đá/ Nơi lởm chởm cằn khô bỗng trải lụa đào”.

Tập thơ 'Muôn nỗi gần xa' của Trần Kim Dung.

Tập thơ "Muôn nỗi gần xa" của Trần Kim Dung.

Đã nếm trải nhiều thăng trầm trên nhân gian, ý thức cội nguồn của nhà thơ Trần Kim Dung được gửi gắm ở những câu thơ bái vọng chốn cũ thôn dã bình yên. Chị trở lại cố hương để được hồi hộp “Đông theo gió bấc về làng/ Vườn ai hoa cải nở vàng bến sông”, nhưng cũng không cách nào che giấu sự khắc khoải “Nghe sông thao thức nghe đê thở dài”.

Chị trở lại cố hương để tìm hơi ấm gần gũi “Hỏi đò đứng đó đợi ai/ Cho ta làm bạn đường dài quá giang” nhưng tốc độ đô thị hóa chóng mặt cũng khiến chị ngậm ngùi “Rặng tre tỏa bóng trong mơ/ Cho ta trú nắng trú mưa đâu rồi/ Làng nay nhà ống cao vời/ Tre còn nức nở bồi hồi đó sao”.

Nhà thơ Trần Kim Dung chọn những vần điệu nhẹ nhàng để khỏa lấp những nhớ thương giăng mắc “Muôn nỗi gần xa”. Thái độ nâng niu và an ủi về sự hữu hạn của kiếp người, đôi khi trở thành niềm thảng thốt trước sự bất tận của thiên nhiên: “Bốn bề xao xác ngàn cây/ Chỉ còn thông biếc tháng ngày vẫn xanh/ Sao cùng phận lá mong manh/ Thông tu bao kiếp mà cành cứ tươi”./.

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.