| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Kim Lân: 'Hãy dũng cảm là chính mình con ạ'

Thứ Ba 25/08/2015 , 10:50 (GMT+7)

Đến tận hôm nay, 48 năm đã trôi qua đi, nhớ lại ngày hôm đó, trái tim tôi vẫn đau nhói và lòng thổn thức rưng rưng vì thương ông.

Cuối hè đầu thu năm 1967, tôi đi thực tế ở cầu Đò Lèn - Hàm Rồng, Thanh Hóa để lấy tài liệu làm bài thi tốt nghiệp. Tôi đã làm một bộ tranh bố cục bột mầu để nộp thi trong khi trường tôi sơ tán ở Vát, Hà Bắc, giáp Thái Nguyên. Chiến tranh đang thời dữ dội.

Bỗng một buổi chiều có người báo cho tôi ra đầu đường Vát, ở nhà vợ chồng họa sĩ Phạm Văn Đôn, và vợ bác là nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, có người cần gặp. Tôi đang ở với gia đình ông bà Cảnh và một cô con dâu có chồng hiện đang đi bộ đội xa. Đi thẳng ra đầu đường Vát, rẽ vào sau mấy bụi tre, qua một cái sân là đến nhà vợ chồng bác Phạm Văn Đôn, cũng như tất cả chúng tôi, bác Đôn ở cùng với một gia đình nông dân tại đây. Nhìn vào trong nhà, thấy bố tôi đang ngồi uống trà với bác Đôn, thấy tôi, bố tôi vội vã đứng lên nói: “Xin phép anh chị, tôi đi cùng cháu Hiền ra ngoài nói chuyện”.


Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và bố- nhà văn Kim Lân
 

Hai bố con đi bộ lững thững ra cánh đồng phía trước. Bố tôi im lặng một lúc không nói gì, nhìn bố tôi mặt đăm chiêu đi bên cạnh lòng tôi thấp thỏm, không hiểu có chuyện gì với tôi. Bỗng ông đứng dừng lại nhìn tôi nói: “Con ạ, thầy đạp xe lên đây gặp con để nói cho con biết trước mọi việc, để con chuẩn bị tinh thần, không bị bất ngờ trước mọi việc sắp xảy ra, không bị sốc, thất vọng và quá buồn”. Im lặng nhìn tôi một lúc ông nói tiếp: “Con hãy bình tĩnh nghe thầy nói, thầy biết con là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Suốt bảy năm học con đều đạt điểm cao, và không làm điều gì vô kỷ luật với nội quy nhà trường, nhưng khi thi tốt nghiệp con sẽ bị cho đỗ bét lớp. Tất cả các bạn ở lớp con đều sẽ được vào Đoàn, riêng con thì sẽ không được vào. Dù ở lớp có nhiều bạn học kém hơn con rất nhiều nhưng các bạn con vẫn sẽ đỗ cao hơn con, họ sẽ được học tiếp lên cao đẳng, hay được phân công đi làm những nơi thuận lợi. Riêng con thì không”.

Tôi ngạc nhiên nhưng im lặng nghe tiếp: “Thầy biết con còn quá trẻ, mới 21 tuổi đầu, đang có nhiều dự định, ước mơ, nhiệt huyết và đầy niềm tin yêu vào cuộc đời. Cú đánh này sẽ làm con ngỡ ngàng, không tin nổi và chắc chắn sẽ rất buồn và thất vọng. Nhưng hôm nay thầy đạp xe lên đây gặp con để báo trước cho con biết mọi việc. Con phải bình tĩnh, tự tin ở bản thân mình”.

Rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói: “Thầy và các bác họa sĩ: Bác Phái, bác Sáng, bác Nghiêm, bác Liên, bác Văn Cao, Sỹ Ngọc… mà thầy đưa con đến học thêm đều khẳng định con là một học sinh vẽ rất vững vàng các bài học ở nhà trường, và khi vẽ sáng tác con chịu khó tìm tòi, sáng tạo, thầy có thể yên tâm nói với con rằng con là một họa sĩ có năng khiếu, có thể nói là có tài. Vì vậy một bài thi tốt nghiệp không thể là vật cản cho toàn bộ sự nghiệp của con. Cuộc đời con còn rất dài, tương lai sự nghiệp của con là do con tự tạo dựng còn ở phía trước, cha ông ta có câu “Học tài, thi phận”. Con đừng chán nản, thất vọng, đừng buồn, đừng bỏ cuộc. Cú đánh này, thầy tin sẽ chỉ làm con mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cho con đường sự nghiệp sắp tới trong tương lai của con. Con hãy chứng minh cho mọi người biết bằng chính sự lao động nghiêm túc trong công việc của con, bằng chính những tác phẩm của mình”.

Cầm chặt hai tay tôi trong đôi tay gầy guộc của ông nhìn đăm đăm vào tôi, ông nói: “Sáng tạo nghệ thuật là một con đường đầy vất vả gian nan, luôn tìm tòi không ngưng nghỉ, là một con đường cô đơn nhất để đi tìm chính mình. Hãy dũng cảm là chính mình con ạ”. Buông tay tôi, ông quay mặt đi, nhìn về phía ruộng lúa xa xa, đôi vai gầy gò của ông rung lên. Ông đang giấu tôi những giọt nước mắt.

Tôi muốn ôm ông trong đôi tay của mình, muốn an ủi ông rằng: “Thầy yên tâm, con hiểu những điều thầy nói, và con sẽ xứng đáng với niềm tin yêu của thầy đã dành cho con. Tương lai phía trước rất dài đang đợi con, con sẽ dũng cảm là chính mình, không đầu hàng, không buông bỏ để đi tiếp con đường sáng tạo nghệ thuật mà con theo đuổi”.

Im lặng một hồi lâu, Bố tôi quay lại nói: “Thôi con về đi, thầy cũng phải về Hà Nội đây”.

Cùng bố quay lại nhà bác Đôn, bố lấy xe đạp, chào hai vợ chồng bác Đông xong, quay sang tôi nói: “Thầy đi đây. Cố gắng lên con nhé!”. Tôi nói với ông: “Thầy yên tâm, con hiểu rồi, con không sao đâu”.

Nhìn ông gầy gò ngồi trên xe đạp, lưng cúi lom khom cắm cúi đạp, trời đã chạng vạng chiều, ông từ Hà Nội lên đây, đi từ sáng. Gặp tôi, an ủi, khuyến khích tôi xong lại cặm cụi quay về Hà Nội, chắc ông về đến Hà Nội thì đã tối rồi, từ Hà Nội lên đây 60km, trong một ngày ông vừa đi, vừa về, về đến nhà ông ăn gì đây, ông chẳng biết nấu nướng, mà mẹ và các em tôi đều đang ở nơi sơ tán tận Đồi Non Tứa, Tân Yên, Hà Bắc.

Đến tận hôm nay, 48 năm đã trôi qua đi, nhớ lại ngày hôm đó, trái tim tôi vẫn đau nhói và lòng thổn thức rưng rưng vì thương ông.

Chiều hôm sau, đang ngồi đọc sách ở nhà, bỗng Báu, cô bạn cùng học lớp tôi chạy sang, ôm lấy tôi, khóc nói: “Hiền ơi, mày đỗ bét rồi, tao học kém hơn mày rất nhiều mà ta vẫn đỗ cao hơn mày”.

Bình tĩnh nhìn Báu đang khóc sụt sùi vì thương cảm cho tôi, tôi nói: “Báu à, tao biết hết từ trước rồi, bố tao đã nói cho tao biết từ hôm qua, mày yên tâm, tao không sao đâu, học tài thi phận mà, tao còn cả một tương lai phía trước nữa kia mà, bố tao đã nói với tao như vậy”. “ Ôi thế tao yên tâm rồi, tao sợ mày bị sốc, buồn, nhưng tại sao lại cho điểm mày như thế nhỉ?”.

Tôi biết là tại sao nhưng tôi chẳng bao giờ nói với Báu.


Nhà văn Kim Lân
 

Mỗi lần có khóa tốt nghiệp ở trường xong, thế nào nhà trường cũng trưng bày báo cáo tất cả các bài thi của học sinh tại trường để lãnh đạo Bộ Văn hóa đến xem. Tôi làm một bộ tranh cho bài thi tốt nghiệp, nhưng khi treo các thầy cắt ra chỉ treo một bức trong bộ tranh bố cục của tôi. Triển lãm được một ít ngày sau, bỗng tôi thấy tranh của tôi và một bức tượng của anh Nghi là thí sinh Cao đẳng Khoa điêu khắc được đăng trên một loạt báo chí, cầm tờ báo về khoe bố: “Thầy ơi, dù con đỗ bét nhưng thầy nhìn này, bài thi tốt nghiệp của hệ cao đẳng và trung cấp chỉ có hai người được các báo chí viết bài và in tranh, tượng. Đó là tranh của con và tượng của anh Nghi đấy!”.

Cầm tờ báo trong tay, Bố tôi nói: “Con ạ! Sự công bằng vẫn luôn luôn hiện hữu con ạ”.

Rồi một hôm, đang đi ở sân trường, bỗng có tiếng gọi giật tôi lại: “Hiền, vào đây bác bảo”. Quay lại, hóa ra bác Trần Văn Lắm, Hiệu phó, Phó Bí thư Đảng ủy ở trường đang gọi tôi. Hai bác cháu ngồi ở sân là cái vườn cây nhỏ xíu của bác.

Bác nói: “Thế nào, biết thân chưa, cháu là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn, nhưng mà lại đỗ bét lớp, cả lớp vào Đoàn hết, riêng một mình cháu không được vào Đoàn, các bạn lên học tiếp cao đẳng còn cháu thì không, cháu có biết tại sao không, là tại vì cháu học ở trường mà vẫn theo học thêm ở ngoài (ý muốn nói là tôi cùng bố vẫn hay mang bài của tôi đến nhà các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao, Sỹ Ngọc… để các bác góp ý chỉ dẫn học hỏi thêm) như vậy là không tuân thủ sự giảng dạy của nhà trường. Thế những bài học vẽ ở lớp của cháu giờ ở đâu rồi? Còn bài nào không? Bác cũng biết dù cháu trông thấy các bác đều chào hỏi lễ phép, nhưng các bạn ở lớp đều gọi bác là ba xưng con, riêng cháu thì không. Bác biết thừa là tuy cháu rất lễ phép, ngoan ngoãn xong trong bụng cháu không phục các bác phải không?”

Bác Lắm người cao to bệ vệ, uy nghiêm ngồi trước mặt tôi, đưa ra cho tôi một câu hỏi trời giáng.

Tôi bình tĩnh trả lời bác: “Thứ nhất, bác nói cháu học giỏi mà lại đỗ bét và cháu đã biết thân chưa thì bố cháu đã nói với cháu là “Học tài, thi phận”, cháu còn có cả một tương lai rất dài phía trước, một bài thi chẳng đánh cháu gục ngã đâu. Với lại trong đợt triển lãm báo cáo Bộ Văn hóa, báo chí đã chọn duy nhất bức tranh của cháu và một bức tượng của anh Nghi ở lớp cao đẳng để đăng trên mấy tờ báo, cháu có mang theo báo đây ạ. Bác có xem không? Bác cũng hỏi những bài học của cháu ở lớp đâu rồi, thì cháu xin trả lời bác những bài nào được điểm cao ở lớp, nhà trường đều giữ lại làm giáo cụ trực quan cho lớp sau học tập, nên bài học của cháu nhà trường đã giữ lại hết để làm giáo cụ trực quan rồi, đâu còn bài nào. Bác lại nói cháu không chịu gọi bác là ba trong khi ở lớp các bạn khác đều gọi bác là ba xưng con. Cháu cũng xin lỗi bác, cháu chỉ duy nhất là con của bố cháu thôi, ngoài ra không có bố nào khác. Các bác lớn tuổi hơn cháu rất nhiều, nên cháu phải lễ phép chào hỏi, còn về phục là vấn đề khác hẳn. Phục là phải phục người tài năng, đức độ. Điều này không liên quan gì đến chuyện lễ phép cả”.

Bác có vẻ giận tôi lắm, mặt sầm lại. Mà chẳng hiểu sao tôi lại “liều” như vậy, dám nói thẳng như thế với bác. Chắc tại còn quá trẻ, chưa biết trời cao đất dày là gì chăng?

48 năm đã trôi qua, khi bước chân vào đời ở tuổi 21, tôi đã đứng vững không chán nản, không đầu hàng, không bỏ cuộc, có thể đủ sự bình tĩnh vững tin cho con đường tương lai xa tít của mình là nhờ vào một buổi chiều năm đó đã cùng bố tôi, hai cha con đi trên cánh đồng nói chuyện, bố tôi đã đến với tôi kịp thời, tôi mới 21 tuổi thôi, từng câu từng chữ của bố, đôi vai rung lên của bố giấu tôi những giọt nước mắt vì thương tôi, dáng gày gò ngồi trên xe đạp ngoái lại nhìn tôi nói: “Thầy đi nhé! Cố gắng lên con nhé! Hãy dũng cảm là chính mình con ạ”. Hình ảnh và câu nói ấy vẫn luôn vang vọng trong tâm khảm tôi, đi theo tôi suốt đến tận hôm nay.

Ông luôn nói với tôi: “Trong cuộc sống dù con giàu, nghèo, thành công hay thất bại, dù là người nổi tiếng hay chỉ là người bình thường, con hãy luôn nhớ không bao giờ được là người tầm thường và phải luôn là người tử tế”.

Ông đã ký tặng tôi quyển sách của ông với lời đề tặng: “Để lại cho con. Vẫn kỳ vọng ở con. Nguyễn Thị Hiền, con gái yêu của thầy”.

Cha tôi vẫn kỳ vọng ở tôi, ông là cha, là người thầy đầu tiên và mãi mãi của tôi. Ông đã dành cho tôi nhiều tình thương yêu, và dành cả cho tôi nhiều trách nhiệm nữa.

Ngày 22.7.2015 tức ngày 7.6 âm lịch, cha tôi mất vừa tròn 8 năm, ngày 1.8 là ngày sinh cha tôi tròn 95 tuổi. Thắp nén nhang cho ông, lòng rưng rưng thầm hứa với ông: “Thầy ơi con hứa, dù thành công hay thất bại, dù giàu có hay nghèo khó, dù nổi tiếng hay chỉ là người bình thường, con sẽ không bao giờ là người tầm thường, luôn là người tử tế và sẽ dũng cảm là chính mình để đi theo dòng chảy không có tận cùng của đời mình”.

 

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

5 lợi ích của dầu dừa cho da mặt và cách dùng hiệu quả

Dầu dừa là nguyên liệu tự nhiên được nhiều người ưa chuộng nhờ khả năng dưỡng ẩm, làm dịu, cải thiện làn da. Sử dụng đúng cách mang nhiều lợi ích cho da mặt.