Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bước qua tuổi 68 vẫn là tác giả ăn khách nhất Việt Nam. Gần như thành thông lệ, mỗi năm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất bản một tác phẩm tạo cơn sốt cho thị trường sách. Giáng Sinh này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tung ra truyện dài “Những người hàng xóm” với số lượng in luôn khiến các đồng nghiệp thèm thuồng và kiêng nể.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trình bày về nguyên cớ xuất hiện của tác phẩm mới trong mùa Giáng Sinh: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn rong chơi hai tháng ở nước ngoài? Bạn sẽ đi thăm nhiều nơi, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng – hẳn nhiên rồi. Bạn sẽ dành thì giờ khám phá nền văn hóa độc đáo nơi xứ người. Bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị - kể cả trên bàn ăn. Đúng rồi! Tất cả đều đúng! Nhưng nếu là một nhà văn, ngoài những điều đó ra, biết đâu bạn sẽ hào hứng bắt tay vào một cuốn truyện mới – với bối cảnh và những nhân vật hoàn toàn mới mẻ. Cuốn truyện đó rất có thể sẽ có tên là Những người hàng xóm.”
“Những người hàng xóm” là một tác phẩm rất khác biệt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cấu tứ mới lạ, chắc chắn sẽ gây không ít ngạc nhiên cho bạn đọc về cảnh quan lẫn nhân vật. “Những người hàng xóm” không viết về chuyện tình của một người, mà như một cuốn phim màu sắc với âm điệu dịu dàng, êm ả, kể về những lát cắt cuộc sống của những người yêu thương nhau trong bối cảnh một đất nước châu Âu xa xôi, nhưng khi đọc thấy gần gũi lạ lùng.
Nhân vật chính của truyện dài “Những người hàng xóm” không phải là những cô cậu thiếu niên mới rung động hay những con vật đáng yêu, tinh nghịch, mà là những người đã ít nhiều có trải nghiệm trong tình yêu, từng chịu những vết sẹo và nỗi đau, nhưng vẫn giữ trái tim trong sáng, yêu thương chân thành. Tinh thần ấy được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Tôi là nhà văn luôn bị ám ảnh về những gì đã ra đi không bao giờ trở lại. Điều đó cắt nghĩa tại sao đề tài tuổi thơ luôn chảy trong huyết quản tôi. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, đặc biệt là trước nhu cầu làm mới cảm xúc, có lúc một nhà văn cũng phải tìm kiếm sự mới mẻ hay khác biệt để có những trải nghiệm mới và để khám phá giới hạn của bản thân. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này”.
Nhiều món ăn, danh lam thắng cảnh đặc trưng của Việt Nam và Bỉ được nhắc đến trong truyện dài “Những người hàng xóm”. Kể cả những câu chuyện bí mật của nghề văn mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đề cập, cũng có thể làm ngạc nhiên những người ngoại đạo. “Những người hàng xóm” giúp độc giả cảm thấy niềm vui bình yên và thân thiết hơn với nền văn hóa của các quốc gia bạn bè.
Trong “Những người hàng xóm”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không viết về chuyện tình của một người mà viết về rất nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người: Đó là một anh chàng mới lấy vợ, rất yêu vợ, đang chờ đi làm và thích viết lách loăng quăng. Đó là câu chuyện tình anh cảnh sát với cô bạn gái ngành Y. Đó là mối tình nở muộn của cô gái dẫn chương trình truyền hình bằng ngôn ngữ ký hiệu; là tình cảm xúc-động-mà-ngô-nghê của anh chàng chủ hãng dao cạo dành cho mẹ mình.
Đáng chú ý nhất ở “Những người hàng xóm” là mối tình khôn nguôi của ông họa sĩ già thương nhớ người vợ quá cố - người phụ nữ xinh đẹp, người mẫu, nàng thơ của ông. Nhà văn không hướng trọng tâm vào câu chuyện của một người mà đan cài nhiều câu chuyện để đưa tới một thông điệp xuyên suốt: Cuộc sống, với dòng chảy vui buồn tưởng như bất tận, vẫn thật đẹp khi ta để tâm ngắm nhìn, như một thông điệp được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong tác phẩm: “Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Đôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy. Nếu trái tim con đập vì con người, thậm chí đập vì một con chim, con sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ”.
Với 54 chương gói ghém trong cuốn sách “Những người hàng xóm” dày 230 trang, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mùa Giáng Sinh năm nay tự nhận đang thay đổi cách viết: "Tất nhiên có sự khác biệt, sự mới mẻ về mặt đề tài. Còn thông điệp trong mọi cuốn sách của tôi gần như không thay đổi, đó là khơi dậy sự khao khát sống đẹp, sống tử tế nơi bạn đọc. Dù viết về thế giới tuổi thơ, thế giới loài vật hay thế giới phù thủy và bây giờ là những người nước ngoài, mối quan tâm thường trực của tôi vẫn là khám phá vẻ đẹp của tâm hồn.
Chúng ta không có ai là con người hoàn thiện, viết về điều tốt đẹp trước hết là cách giúp tôi tự soi mình. Viết một cuốn sách đối với tôi cũng giống như bào chế vitamin cho tâm hồn mình. Và tôi hy vọng khi bạn đọc đón nhận và tìm thấy sự đồng cảm, các bạn cũng sẽ được tiếp thêm năng lượng tích cực của cuộc sống”.