Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lâu nay vẫn được xem như một hiện tượng độc đáo trong làng xuất bản Việt Nam. Suốt hai thập niên vừa qua, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không có đối thủ về số lượng sách in mới và tái bản thường xuyên.
Nhà xuất bản Trẻ xây dựng được một hệ sinh thái mộ điệu xung quanh nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khiến tác phẩm nào cũng ông cũng dẫn đầu thị trường về mức độ ăn khách. Lần này, truyện dài “Mùa hè không tên” dù ra mắt vào mùa thu, vẫn phát hành 80 ngàn bản, với 60 ngàn bản bìa mềm và 20 ngàn bản bìa cứng.
Trước đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng có hai tác phẩm lấy bối cảnh mùa hè làm không gian nghệ thuật là “Hạ đỏ” và “Bảy bước tới mùa hè”. Bây giờ, vì sao “mùa hè” của ông lại “không tên”?
Ở tuổi 68, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ miền kỷ niệm để ông ngoảnh lại sáng tác: “Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Vì vậy, tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa hè khác trong đời tôi, mỗi khi tôi nhớ về.
Tôi định gọi nó là “mùa hè chia tay”, “mùa hè ưu tư”, “mùa hè định mệnh”, hay sến sẩm một chút là “mùa hè có mây tím bay”, nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là "mùa hè không tên". Ờ, mùa hè đặc biệt của tôi cần gì phải khoác một cái tên riêng, khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ, như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời”.
“Mùa hè không tên” vẫn duy trì phong cách quen thuộc và vẫn tuân thủ kỷ luật viết lách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách tròm trèm 300 trang, phần chính gồm 79 đoạn sinh động và phụ lục gồm 4 ghi chú xen lẫn thơ, không quá áp lực với độc giả sốt ruột về thời gian thưởng thức tác phẩm.
Những đứa trẻ tiểu học hồn nhiên và tinh nghịch trong “Mùa hè không tên” như Khang, Nhàn, Túc, Tí, Chỉnh, Hội... không hề xa lạ với những ai từng đi qua tuổi học trò. Và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục sử dụng địa danh cố hương Thăng Bình, Quảng Nam để thiết kế vùng đất văn học của riêng ông là làng Đo Đo và thị trấn Hà Lam. Khoảng cách từ làng Đo Đo đến thị trấn Hà Lam, trở thành chiều dài của nhớ nhung và chiều sâu của hoài vọng.
Phần chính của truyện dài “Mùa hè không tên” được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoàn thành ngày 3/7/2023, nhưng ông viết thêm phụ lục ngày 10/7/2023 để mở rộng biên độ những giăng mắc ấu thơ. Đồng thời, để kiến tạo sắc màu hồi ức cho công chúng đã giảm bớt hứng thú với những trong trẻo học trò, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dùng sở trường khác là thi ca để khép mở câu chuyện.
Hồi ức được mở ra nhớ nhung: Hồi đó/ Con gà còn là quả trứng/ Cơn mưa còn là đám mây/ Người yêu chưa là người yêu cũ/ Tôi chưa là tôi hôm nay/ Hồi đó/ Thứ hai còn là chủ nhật/ Mưa thu còn vướng gió hè/ Con kiến còn trách con ve/ Ông La Fontaine chưa chết/ Bây giờ thì tôi đã biết/ Thời gian lăn bánh mất rồi/ Chim bay về phía xa xôi/ Trang sách níu ngày thơ dại”. Và hồi ức được khép lại bâng khuâng: “Quê xa quá ta không về hái quả/ Gặp tre xanh thôi cứ gọi là làng/ Những vì sao thắp đèn trong ký ức/ Những mặt người gây gổ với thời gian”.
Truyện dài “Mùa hè không tên” không chỉ chứng minh nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xứng đáng với biệt danh “con gà đẻ trứng vàng” cho giới làm sách, mà còn khẳng định khả năng khai thác miệt mài và hiệu quả của ông trước thế giới tuổi thơ đa dạng khuất chìm trìu mến. Chỉ bằng cách kể giản dị và hóm hỉnh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh biến cái vu vơ thành cái tiếc nuối, biến cái hững hờ thành cái xao xuyến, biến cái tro tàn nguội lạnh dĩ vãng thành ngọn lửa ấm áp hôm nay.
“Mùa hè không tên” tổ chức họp báo giới thiệu sáng 19/9 tại TP.HCM, và chính thức đến tay bạn đọc toàn quốc vào ngày 22/9. Thêm một lần đáng mừng cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và càng thêm một lần đáng mừng cho thị trường sách nước ta.