Nhà văn Trình Quang Phú là một trong những người cầm bút có sự trải nghiệm phong phú trên đường đời. Những nơi mà ông đã đi qua, những chuyện mà ông đã chứng kiến, những người mà ông đã gặp gỡ, chỉ cần viết ra trang giấy cũng đã thành tác phẩm có sức hấp dẫn độc giả. Cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” giống như giao lộ nhỏ giữa đường đời và đường văn của nhà văn Trình Quang Phú.
Nhà văn Trình Quang Phú có nhiều năm hành nghề phóng viên với bút danh Hồng Phú, nên ông có điều kiện để tiếp xúc nhân vật và tích lũy tư liệu. Thế nhưng, không phải ai từng theo nghề báo cũng có thể gom góp các mảnh rời năm tháng xa xưa để có một cuốn sách như “Nhà văn và chữ tình gởi lại”. Sở dĩ nhà văn Trình Quang Phú có được gần 300 trang sách nhiều gói ghém vui buồn xung quanh những tên tuổi lừng lẫy, là nhờ ông biết cách trân trọng “chữ tình”.
Cho nên, có thể khẳng định ngay, “chữ tình” là nguồn cơn mạnh mẽ mà “chữ tình” cũng là giá trị cốt lõi của cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại”.
Cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” gồm hai phần, phần văn và phần ảnh. Nhờ “chữ tình” mà những chỗ tản mát trong phần văn bớt đơn điệu. Nhờ “chữ tình” mà những nét lấp lánh trong phần ảnh thêm ấn tượng. Nhờ “chữ tình” mà nhà văn Trình Quang Phú từ thời trai trẻ vô danh đã được gần gũi những gương mặt rực rỡ như Văn Cao, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Xuân Thủy... Nhờ “chữ tình” mà nhà văn Trình Quang Phú khi cao niên vẫn lưu giữ được ký ức riêng tư về Trần Độ, Dương Thị Xuân Quý, Sơn Tùng, Vũ Tuyên Hoàng, Trần Hữu Thung, Hồng Duệ...
Viết về chân dung văn nghệ sĩ không khó, vì sự nổi tiếng của họ đã làm nền tảng cho mỗi bài viết. Tuy nhiên, để có được một chân dung văn nghệ sĩ đủ sức quyến rũ công chúng thì tác giả phải có sự khác biệt, hoặc là tinh thần tận tụy hoặc là yếu tố sáng tạo. Nhà văn Trình Quang Phú có ưu điểm ở “chữ tình” nên cuốn sách của ông trở thành tác phẩm độc đáo.
Nhà văn Trình Quang Phú không dựa vào sự quan sát tinh tế hoặc sự tương tác sắc sảo, mà ông dùng sự khiêm cung và sự ân cần để đến với các nhân vật. Vì vậy, ánh sáng từ số phận các nhân vật hắt ngược lại nhiều màu sắc sinh động ấm áp cho ống kính của ông và trang viết của ông.
Cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” có ý nghĩa như một bảo tàng văn nghệ sĩ. Những câu chuyện bồi đắp cho những hình ảnh, và những hình ảnh minh họa cho những câu chuyện. Những khoảng trống trải ở phần văn được phần ảnh lắp đầy.
Trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, đã có nhiều cuốn sách viết về văn nghệ sĩ. Thế nhưng, cân đong một cách kỹ lưỡng, chỉ có hai cuốn sách vượt trội hơn tất cả, đó là cuốn sách “Tôi vẽ văn nghệ sĩ” của nhạc sĩ- họa sĩ Nguyễn Đình Phúc từ 20 năm trước và cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại” của nhà văn- nhà báo Trình Quang Phú bây giờ.