Nhà văn Võ Thu Hương là thế hệ cầm bút sinh ra và lớn lên sau năm 1975, chuyên chú với mảng sáng tác phục vụ thiếu nhi. Nhà văn Võ Thu Hương bắt đầu viết từ thời còn đi học phổ thông ở quê nhà Nghệ An, cho nên khi đã lập nghiệp và định cư tại TPHCM thì chị quyết định chọn mảng văn chương hướng đến lứa tuổi hồn nhiên.
Nhà văn Võ Thu Hương đã có hơn 10 tác phẩm viết cho trẻ em. Truyện dài “Về phía bình minh” của chị, do Nhà xuất bản Văn Học và Sbooks ấn hành đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay, được Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền đánh giá: “Truyện như là một cẩm nang về kỹ năng, nghị lực sống gần gũi, thiết thực đầy bổ ích cho trẻ em. Thắp lên ở các em niềm tin trong sáng, ngây thơ mà hợp lẽ, sâu bền về tình người, về cuộc sống, hi vọng ở tương lai; khơi gợi lối sống nhân hậu, nghĩa ân, chung thủy cho bạn đọc nhỏ tuổi… là thành công đáng trân trọng của tác phẩm. Đó cũng là lương tâm, trách nhiệm của người viết nhằm góp phần làm giàu tâm hồn trẻ, làm đầy thêm nghị lực sống của tuổi thơ hôm nay, là hạnh phúc của nhà văn khi tự gánh công việc nhọc nhằn này”.
Truyện dài “Về phía bình minh” là một câu chuyện kể về cuộc đời cô bé tên Xuân - nhân vật chính. Xuân được sinh ra và lớn lên tại một vùng biển mà người dân ở đây sinh sống bằng nghề làm muối, bố mẹ em cũng là những diêm dân trong số đó. Từ nhỏ, Xuân đã có ý thức mình không được sự yêu thương của mẹ mà chỉ nhận được sự chăm chút, chia sẻ, thương yêu, lo lắng từ người cha.
Ở trang đầu tiên, chương 1 – “Muối mặn gừng cay” có một đoạn viết của tác giả, nếu tinh ý người đọc sẽ nhận ra ngay đây chính là chìa khóa mở mọi bí mật giải mã lý do vì sao nhân vật Xuân lại sớm có ý thức mình không được yêu thương của mẹ:
“Nhà có 4 anh chị em nhưng tôi không thân thiết ai. Anh chị lớn hơn tôi sáu, bảy tuổi, cái tuổi khá xa để có thể chia sẻ cùng. Em gái thua tôi bốn tuổi, khá gần để rủ nhau chơi nhảy dây, trốn tìm nhưng em lại thích ngồi trong lòng mẹ, loay xoay bên chân mẹ hoặc lẩn thẩn chơi một mình. Em không thích chơi cùng tôi hay bất kỳ ai, cũng không thích ai được mẹ quan tâm hơn mình. Em luôn sẵn sàng cắn tôi đến chảy máu nếu phát hiện ra mẹ lấy khăn lau mặt cho tôi, hoặc cho tôi miếng bánh. Mẹ luôn quay lưng bỏ đi khi xảy ra sự việc nào đó mà phần thắng là em hoặc chỉ can thiệp khi nghe em khóc nức nở, gào lên. Vô lý đến mức, kể cả khi chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm, em gào khóc vì bị thua thì tôi cũng sẽ là người bị ăn đòn của mẹ. Chẳng hiểu từ lúc nào, tôi luôn có ý thức nhường em, tránh cãi vã và ngày càng xa mẹ”.
Ngay ở phần mở đầu đã cho bạn đọc một dự cảm về cuộc đời của cô bé vùng biển sẽ đầy những trắc trở, chông gai, nhất là khi Xuân biết về một bí mật là người mẹ ấy không phải mẹ ruột của mình! Câu chuyện với các nhân vật đan xen: Tôi (Xuân), bố mẹ của Xuân, cô Linh, chị Thanh, Minh, Hằng, Đen, ông Đầu Móp… tác giả vẽ lại bức tranh xã hội hiện nay với những thông tin có thật làm gam màu chính, đó là việc sử dụng lao động nhỏ tuổi, trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bán vé số, cướp giật…
Bên cạnh đó, qua ngòi bút của tác giả, hiện thực xã hội cũng không hề thiếu vắng tình thương, sự nhân ái. Ở nơi mà người ta quen gọi là dưới đáy xã hội, một môi trường sống toàn gam màu đen nhưng nơi ấy tình người của những con người đồng cảnh ngộ với ấm áp làm sao. Và trên hết, dù cuộc đời chịu bao bầm dập, đớn đau, dù bao khó khăn tưởng chừng không còn lối thoát nhưng cô bé Xuân với niềm khao khát mãnh liệt được “Sống” với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống đã vượt lên số phận và nắm giữ tương lai của cuộc đời mình.
Cuối cùng, qua bao cơ cực của nhân vật chính, truyện dài “Về phía bình minh” có một cái kết nhẹ nhàng, Xuân trở về biển và thăm xóm Nginh Phong để được nhìn bông hoa đá nở trên ngôi mộ mẹ ruột của mình.
Có thể nói, truyện dài “Về phía bình minh” là thông điệp về tình thương từ tình cảm gia đình, từ cộng đồng với sự chia sẻ và thấu cảm, về sự vượt khó thành công nếu có ý chí. Tác phẩm được nhà văn trẻ Võ Thu Hương viết bằng một văn phong gãy gọn, đủ sức dẫn người đọc đi đến hết từng trang sách vì sự tò mò “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp? Rồi sao nữa?...”; hình ảnh trong truyện đẹp, gợi suy nghĩ và như thúc đẩy chúng ta muốn về với biển.