Tại sự kiện họp báo giải chạy “Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa” ngày 27/5, đại sứ hình ảnh của chương trình, VĐV tuyển điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh chia sẻ thông điệp về rèn luyện thể thao đến những thành viên tham gia giải chạy cộng đồng.
“Cô gái vàng” điền kinh Nguyễn Thị Oanh sinh năm Ất Hợi, nên người hâm mộ yêu mến gọi cô với biệt danh Oanh “Ỉn”. Cô là con gái thứ bảy trong một gia đình có tám người con tại tỉnh Bắc Giang, đã vượt qua nhiều khó khăn để trở thành một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất Việt Nam.
Bắt đầu sự nghiệp điền kinh vào năm 15 tuổi, độ tuổi mà nhiều người cho là quá muộn để bắt đầu thể thao đỉnh cao, Nguyễn Thị Oanh đã suýt bị loại khỏi đội điền kinh tỉnh Bắc Giang. Tuy vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao 1m53 và nặng chưa đầy 40kg, nhưng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp cô vượt qua mọi trở ngại ban đầu.
Trong quá trình tập luyện, cuộc sống của Nguyễn Thị Oanh còn gặp nhiều thử thách hơn khi cô mắc bệnh viêm cầu thận, khiến cơ thể phù nề và chức năng thận suy giảm. Tình trạng bệnh lý này khiến cô luôn mệt mỏi và phải rời xa đường chạy trong một thời gian dài. May mắn thay, nhờ chữa trị kịp thời, Nguyễn Thị Oanh đã hồi phục và quay trở lại tập luyện vào năm 2015.
Sự nghiệp đỉnh cao của Nguyễn Thị Oanh bắt đầu tại SEA Games 2013 với chiếc huy chương Bạc ở cự ly khốc liệt 3.000m. Sau thời gian chữa trị bệnh, cô đã trở lại mạnh mẽ tại SEA Games 2017, giành được 2 huy chương Vàng ở cự ly 1.500m và 5.000m, tạo dấu ấn đặc biệt trong làng điền kinh châu Á và Đông Nam Á. Từ đó, cô liên tục giành nhiều thành tích ấn tượng từ trong nước đến quốc tế.
Với mong muốn lan tỏa tình yêu dành cho bộ môn điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Oanh hy vọng mỗi người hãy lựa chọn những môn thể thao cho riêng mình, tích cực rèn luyện sức khỏe để nâng cao đời sống tinh thần.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Chí Tuệ (Báo Tuổi trẻ) về kinh nghiệm chạy cự ly dài, cô gái vàng trong làng điền kinh mong muốn các VĐV bán chuyên tham dự giải sẽ bảo đảm an toàn cho bản thân.
Cô gửi gắm: “Người tham gia hãy rèn luyện trước giải marathon để có sức khỏe tốt nhất, cự ly càng dài càng phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Ban tổ chức đã chuẩn bị những trạm y tế và bộ phận tiếp nước đầy đủ, chuẩn bị những kiến thức cơ bản về chạy để tránh những sự cố. Quan trọng nhất, hãy lắng nghe cơ thể của mình.”
Theo kế hoạch, đơn vị vận hành sẽ bố trí 14 điểm tiếp nước và trạm y tế từ điểm xuất phát (Trung tâm Điện ảnh - TP Đông Hà) đến điểm đích (Di tích Thành cổ Quảng Trị - thị xã Quảng Trị). Tại các trạm y tế sẽ có 13 bác sĩ, 24 y tá, 5 xe cứu thương thường trực.
Nguyễn Thị Oanh lưu ý, việc bố trí dày đặc các trạm tiếp nước và trạm y tế nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thi đấu. Do đó, người tham gia cần nghiên cứu kỹ bản đồ đường chạy trước cuộc thi, chủ động lên phương án phòng ngừa sự cố.
Thêm nữa, giải chạy Quảng Trị Marathon 2024 được tổ chức trên những vùng đất lịch sử mang nhiều ý nghĩa giá trị truyền thống của dân tộc. Đây là cơ hội để các VĐV và thành viên tham dự tưởng nhớ về những vị anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Nhắc đến lịch sử hào hùng của tỉnh Quảng Trị, VĐV Nguyễn Thị Oanh không khỏi xúc động: “Tôi lựa chọn cự ly dài nhất với mong muốn được trải nghiệm trọn vẹn trên vùng đất lịch sử nơi đây, mang lòng biết ơn sâu sắc đến các vị anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ dân tộc”.
Nguyễn Thị Oanh đã giành tổng cộng 12 HCV tại 4 kỳ SEA Games liên tiếp (từ kỳ 29 đến 32). Đặc biệt, cô là vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành 4 HCV cá nhân tại một kỳ SEA Games (SEA Games 32 tại Campuchia). Không dừng lại ở thành tích trong khu vực, Nguyễn Thị Oanh còn làm nên lịch sử khi giành huy chương đồng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam ở nội dung vượt chướng ngại vật 3.000m tại Asiad 18.