Chốt chặn tại những điểm trọng yếu
Hiện diện tích rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định) đang quản lý rất lớn; trong đó, có hơn 13.300ha rừng tự nhiên và 1.112ha rừng trồng.
Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, nói về nỗi khổ trong công tác bảo vệ rừng trong bối cảnh nhân lực thiếu trầm trọng: “Theo định mức, với diện tích 13.300ha rừng tự nhiên, Công ty đang quản lý thì cần phải có đến 350 nhân viên, thế nhưng nhân lực bảo vệ rừng của Công ty hiện chỉ có 20 nhân viên. Trong khi rừng tự nhiên do công ty quản lý không giao khoán cho người dân hoặc tổ chức nào mà công ty đang thực hiện quản lý tập trung”, ông Phạm Bá Nghị cho hay.
Để bảo vệ diện tích rừng khá lớn nói trên, nhưng với chỉ 20 con người, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã phải bố trí chốt, trạm tại những điểm trọng yếu, những nơi được ghi nhận là điểm dễ xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, nơi nào xuất hiện điểm nóng là công ty lập ngay chốt tạm thời để ngăn chặn hoạt động phi pháp của lâm tặc.
Điểm mạnh trong công tác bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh là lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu là người địa phương. Ví như Trạm Quản lý bảo vệ rừng Canh Liên (huyện Vân Canh) chỉ có trạm trưởng là người ngoài địa phương, còn lại 3 nhân viên đều là người đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Những nhân viên bảo vệ rừng là người địa phương có bà con dòng họ rất đông, họ là nguồn tin đáng tin cậy cho lực lượng bảo vệ rừng. Từ những nguồn tin này, Công ty đã kịp thời bố trí nhân viên bảo vệ rừng ngăn chặn những phụ phá rừng trái phép.
Cũng theo ông Nghị, những điểm nóng mà công ty nhận diện để bố trí chốt, trạm là những vùng rừng giáp ranh những tuyến đường gần làng, gần khu dân cư tập trung, những vùng cửa rừng dễ tiếp cận trong mùa mưa lũ.
“Vào những ngày mùa mưa lũ, lâm tặc thường tranh thủ vào rừng khai thác rừng trái phép. Khai thác xong, lâm tặc lợi dụng nước sông Bung đang lớn thả gỗ trôi xuống khu vực Hầm Hô thuộc xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) để đưa đi tiêu thụ. Thế nên, trước mùa mưa năm nào Công ty cũng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn để ngăn chặn tình trạng này”, ông Phạm Bá Nghị bộc bạch.
Không lơ là ngày Tết
Hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh có 4 Trạm Quản lý bảo vệ rừng là: Cà Te, Canh Liên, Hà Dế, Canh Giao và 2 chốt Quản lý bảo vệ rừng Kà Bưng và Sông Bung. Chốt Sông Bung nằm trên địa bàn làng Cát là chốt xa nhất, nằm cách trung tâm xã Canh Liên đến 18 cây số. Vào mùa mưa, nhân viên bảo vệ rừng chốt Sông Bung phải lội bộ cả chục cây số đường rừng từ làng Cát mới vào đến chốt, nếu có lũ là tắt đường.
“Trước mùa mưa, chúng tôi phải dự trữ lương thực, thực phẩm; nhân viên bảo vệ rừng tại chốt Sông Bung phải chăn nuôi, trồng rau để cải thiện cuộc sống vì không thể đi chợ mua đồ ăn mỗi ngày”, ông Phạm Bá Nghị chia sẻ.
Ngoài nhiệm vụ chính là quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhân viên các trạm, chốt còn phải giám sát, theo dõi các công trình thuộc hạng mục lâm sinh, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển rừng trồng, tham mưu đề xuất kịp thời cho Công ty các biện pháp kỹ thuật tác động lâm sinh đến rừng trồng để rừng phát triển.
Thời điểm trước tết Nguyên đán Ất Tỵ, các trạm, chốt bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của Luật Lâm nghiệp; cam kết không chặt cây, đốn củi, phá rừng trái phép làm nương rẫy, xâm hại đến rừng trồng và rừng tự nhiên. Các trạm, chốt bảo vệ rừng luôn sẵn sàng con người, công cụ, dụng cụ để xử lý kịp thời tại hiện trường những vụ cháy rừng nếu xảy ra.
Theo ông Phạm Bá Nghị, những năm trước đây, ý thức bảo vệ rừng của người dân chưa cao như bây giờ, nên nhiều người còn vào rừng đốn gỗ về làm nhà, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đốn gỗ làm quan tài khi trong nhà có người chết. Nhân viên bảo vệ rừng phải đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động; ngày đêm băng rừng, lội suối tuần tra rừng, ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã.
“Nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, cùng với những chính sách được triển khai phù hợp, nên bây giờ bà con đã nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Người dân thường xuyên phối hợp tích cực với nhân viên Công ty để thực hiện công tác bảo vệ rừng giữ, nhất là trong những ngày nghỉ Tết”, ông Phạm Bá Nghị cho hay.