Trước tác động của biến đổi khí hậu thời gian qua, Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã triển khai dự án mô hình thí điểm “Chuyển đổi hệ thống canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” (TFCC) để đưa ra định hướng cho sản xuất lúa hiện nay và xác định các chiến lược canh tác trong tương lai.
Dự án được hỗ trợ bởi Chương trình Nghiên cứu của CGIAR về Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực ở Đông Nam Á (CCAFS SEA), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), và Dự án DeRISK Đông Nam Á thuộc Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và CIAT.
Ngày 4/11, các đơn vị thực hiện dự án tổ chức hội thảo để thảo luận về kết quả của 1 năm thực hiện mô hình và lập kế hoạch nhân rộng và áp dụng các khuyến nghị của dự án.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho biết, dự án này là giải pháp có sự kết hợp giữa các đơn vị của Bộ NN-PTNT với một số tổ chức quốc tế và đã đem lại những hiệu quả rất tích cực và thiết thực đối với sản xuất.
“Đây là một cách tiếp cận mới, giúp những người sản xuất được trực tiếp tham gia từ khi xây dựng kế hoạch, hình dung ra những kế hoạch để đối phó với biến đổi khí hậu trong khi tác động của vấn đề này đến sản xuất ở khu vực ĐBSCL ngày càng mạnh mẽ, liên tục hơn”, ông Lê Quốc Thanh nhận định.
Mở rộng ra nhiều khu vực
Với ý kiến đóng góp từ các bên tham gia, lộ trình mở rộng quy mô TFCC ở các vùng sinh thái nông nghiệp tại vùng ĐBSCL đã được Cục trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng và trình bày tại Hội thảo. Kế hoạch mở rộng quy mô sẽ hướng dẫn các bên liên quan tại địa phương tham khảo trong việc quản lý và thực hiện các hoạt động tương tự.
Chia sẻ bên lề hội thảo về vấn đề này, Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh cho biết, TFCC là giải pháp tiếp cận có thể áp dụng cho các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
“Chúng ta sẽ vận động người dân tham gia tích cực hơn, tuyên truyền mạnh mẽ hơn về hiệu quả của giải pháp này. Trong hệ thống khuyến nông cũng đã xây dựng kế hoạch để nhân rộng kết quả TFCC ra các tỉnh khác ở ĐBSCL và các vùng nguy cơ cao trước tác động của biến đối khí hậu”, ông Lê Quốc Thanh khẳng định.
Bên cạnh đó, thông qua hội thảo, các bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP ) và các dịch vụ thông tin khí hậu địa phương (ở cấp xã) đã được các bên liên quan trao đổi về tính phù hợp và hiệu quả.
Các kế hoạch thích ứng được phát triển cho các vùng sản xuất lúa bao gồm các kế hoạch về sử dụng giống, kỹ thuật canh tác và lịch trình canh tác, cùng những kế hoạch khác.
Hơn nữa, một loạt các kỹ thuật thích ứng cũng đã được xác định, chẳng hạn như chuyển đổi giống, đa dạng hóa cây trồng và chuyển đổi đất sang cây trồng khác. Sự phối hợp xây dựng Bản tin thời tiết nông vụ (ACB) được đón nhận tích cực, đặc biệt là những thay đổi gần đây nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan cấp huyện và tỉnh, tăng tần suất các bản tin thông qua việc bổ sung các bản tin giữa mùa vụ và tần xuất mỗi 10 ngày, cùng với hình ảnh bắt mắt và các kênh phổ biến mới, ví dụ như Zalo.
Tại hội thảo ngày 4/11, Tài liệu kỹ thuật về xây dựng CS-MAP và Tư vấn nông vụ địa phương đã được giới thiệu. Ấn phẩm này cung cấp các bước cơ bản về cách Lập bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu có sự tham gia ở cấp địa phương. Tài liệu kỹ thuật cũng chia sẻ các thông tin chi tiết về xây dựng và phổ biến Tư vấn nông vụ địa phương dựa trên thông tin thời tiết khí hậu.
Áp dụng đến cấp xã
Để tăng hiệu quả của các chiến lược quản lý và thích ứng rủi ro, phương pháp Xây dựng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP) đã được áp dụng xuống cấp xã để xây dựng tư vấn nông nghiệp cấp xã, sau đó là xây dựng các bản tin nông vụ (ACB) phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
CS-MAP là một phương pháp tiếp cận có sự tham gia, liên kết các chuyên gia từ cấp quốc gia đến địa phương để thực hiện những nhiệm vụ: xác định các rủi ro liên quan đến khí hậu bằng cách sử dụng bằng chứng khoa học và kiến thức địa phương; xác định các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng và mức độ rủi ro của chúng; cải thiện các biện pháp thích ứng được đề xuất; và phát triển các kế hoạch thích ứng tổng hợp đối với sản xuất lúa từ cấp khu vực đến cấp tỉnh.
Việc xây dựng các khuyến nghị nông nghiệp có sự tham gia dựa trên quá trình thực hiện CS MAP và việc đưa ra các khuyến nghị về quản lý và lập kế hoạch cây trồng cụ thể dựa trên dự báo thời tiết và mùa vụ.
Thông qua mô hình TFCC, bản đồ CS-MAP và Bản tin thời tiết nông vụ (ACB) đã được triển khai thí điểm tại ba xã ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hòa Chánh (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), An Mỹ (huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng) và Tân Phước. (Huyện Gò Công Đông - tỉnh Tiền Giang).