| Hotline: 0983.970.780

Nhân viên của Ngân hàng LPB Bảo Lộc chiếm đoạt tiền vay của 18 khách hàng

Thứ Tư 12/07/2023 , 07:20 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Nhiều người dân TP. Bảo Lộc, là khách hàng của Ngân hàng LPB như ngồi trên đống lửa vì khoản tiền vay của họ bị nhân viên ngân hàng âm thầm chiếm đoạt.

Không nhận được tiền vẫn phải trả lãi suất

Vào tháng 1/2023, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cần tiền để đầu tư vườn tược, mua đất xây dựng, kinh doanh nhà nghỉ nên đã làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Theo đó, để đảm bảo cho khoản vay 3 tỷ đồng, gia đình ông Hùng đã thế chấp 2 sổ đỏ (Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất) với diện tích lần lượt là 129m2 và 15.000m2.

3 trong số 18 khách hàng của Ngân hàng LPB Bảo Lộc bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền vay. Ảnh: Minh Hậu.

3 trong số 18 khách hàng của Ngân hàng LPB Bảo Lộc bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền vay. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, các hồ sơ, thủ tục vay vốn của gia đình đều được nhân viên của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh TP Bảo Lộc (Ngân hàng LPB Bảo Lộc) là ông Trần Mạnh Cường trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thực hiện.

“Ngày 9/1, ông Cường và một nhân viên khác mang các giấy tờ đến tận nhà để tôi ký. Ông Cường cũng thông báo khoản vay 3 tỷ đồng sẽ được giải ngân 2 lần theo room tín dụng của ngân hàng”, ông Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết thêm, ngày 10/1, gia đình được ngân hàng giải ngân khoản vay với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, còn số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được.

Tuy vậy, phía ngân hàng thông báo cho gia đình ông Hùng khoản tiền 3 tỷ đồng theo hợp đồng đã được giải ngân đầy đủ và buộc ông phải thực hiện việc đóng lãi suất hàng tháng theo quy định.

“Hiện tại, mỗi tháng, ngân hàng bắt gia đình tôi đóng tổng số tiền lãi trên 40 triệu đồng cho khoản vay 3 tỷ đồng. Tôi mới nhận được 1,5 tỷ đồng nên tôi chỉ đóng lãi suất cho khoản này, số còn lại tôi không nhận được tiền nên tôi không đóng. Do vậy, ngân hàng liệt kê tôi vào danh sách nợ xấu”, ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc. 

Theo Ngân hàng LPB Bảo Lộc tổng dư nợ của 18 khách hàng có phản ánh là trên 33 tỷ đồng, tổng số tiền khách hàng báo chưa nhận được là gần 13 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Ngân hàng LPB Bảo Lộc tổng dư nợ của 18 khách hàng có phản ánh là trên 33 tỷ đồng, tổng số tiền khách hàng báo chưa nhận được là gần 13 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Không riêng gì gia đình ông Hùng, hồi đầu tháng 3 vừa qua, anh Phan Thành Duy Việt (thị trấn Di Linh) thế chấp sổ đỏ lô đất rộng gần 2.400m2 cho Ngân hàng LPB Bảo Lộc để vay vốn làm vườn, kinh doanh. Ở hồ sơ này, nhân viên ngân hàng là ông Trần Mạnh Cường trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ làm các thủ tục vay vốn.

Anh Việt phản ánh: “Sau nửa tháng, ông Cường liên lạc với gia đình và tổ chức thẩm định tài sản thế chấp. Ngày 23/3, hồ sơ vay vốn của gia đình được duyệt và đến chiều 24/4, ngân hàng thông báo qua tin nhắn cho tôi đã giải ngân khoản vay 1,5 tỷ đồng. Thấy tin nhắn nhưng tiền không được chuyển vào tài khoản, tôi gọi điện cho Cường thì Cường cho biết: Làm hồ sơ trước nên hệ thống báo trước, khi ngân hàng có room mới chuyển tiền vào tài khoản”. Cũng theo anh Việt, nghe lời Cường, anh chờ đợi room tín dụng của ngân hàng.

Đến ngày 7/4, nóng lòng vì tiền chưa về tài khoản, anh Việt liên hệ với Cường nhưng không được. Khi trực tiếp đến trụ sở Ngân hàng LPB Bảo Lộc thì được lãnh đạo chi nhánh cho biết khoản vay 1,5 tỷ đồng của gia đình anh Việt đã được ngân hàng giải ngân.

“Tuy nhiên, số tiền 1,5 tỷ đồng đó đã chuyển vào tài khoản người khác. Tôi không nhận được đồng nào. Tới giờ ngân hàng vẫn bắt đóng lãi mỗi tháng từ 15-16 triệu đồng”, anh Phan Thành Duy Việt nói và cho biết thêm, vì không chấp nhận nộp tiền lãi cho số tiền 1,5 tỷ đồng mà anh không được nhận nên ngân hàng đưa anh vào danh sách nợ xấu.

Bị lừa trong thủ tục ký xác nhận hồ sơ?

Về hồ sơ, thủ tục vay vốn, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, khoản vay 3 tỷ đồng của gia đình được nhân viên ngân hàng là Trần Mạnh Cường tư vấn thực hiện theo 2 hợp đồng. Trong đó 1 hợp đồng giải ngân trực tiếp số tiền 1,5 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân, hợp đồng 1,5 tỷ đồng còn lại giải ngân vào số tài khoản khác. Ông Hùng nói: “Tôi ký nhận hồ sơ nhưng không hề biết hề biết chủ tài khoản nhận tiền trong hợp đồng là ai”.

Dù chưa nhận được hết khoản vay nhưng mỗi tháng ông Nguyễn Văn Hùng vẫn bị ngân hàng yêu cầu thanh toán gốc, lãi với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Dù chưa nhận được hết khoản vay nhưng mỗi tháng ông Nguyễn Văn Hùng vẫn bị ngân hàng yêu cầu thanh toán gốc, lãi với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Trong khi đó, anh Nguyễn Phong Thành (thôn 4, xã Liên Đầm, huyện Di Linh), người thế chấp tài sản để vay tiền nói, thời điểm làm hồ sơ, anh chỉ cần vay khoản tiền 500 triệu đồng để lấy vốn làm ăn nhưng ông Trần Mạnh Cường đã làm hồ sơ vay lên 1 tỷ đồng.

“Tôi ký hết giấy tờ, hồ sơ xong và thắc mắc việc vay 500 triệu thành 1 tỷ đồng thì ông Cường nói: Cứ làm hồ sơ 1 tỷ đồng, sau này cần sẽ giải ngân thêm, khỏi mất công làm hồ sơ”. Cũng theo anh Nguyễn Phong Thành, tin tưởng vào nhân viên ngân hàng, tin tưởng vào ngân hàng nên anh ký xác nhận vào hồ sơ, trong đó có nhiều mẫu giấy tờ chưa điền hết nội dung thông tin.

“Cụ thể là khế ước nhận nợ, họ cho mình ký và họ tự ghi sau. Giấy tờ yêu cầu chuyển tiền cũng vậy”, anh Nguyễn Phong Thành phản ánh và cho biết thêm, về sau, nội dung trong giấy tờ yêu cầu chuyển tiền mà anh ký là thông tin cá nhân, số tài khoản của người khác.

Hiện nay, với hợp đồng vay 1 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt, gia đình anh Nguyễn Phong Thành chỉ nhận được 300 triệu đồng do ông Trần Mạnh Cường chuyển qua và anh vẫn phải gánh lãi suất cho hồ sơ vay với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Do không chấp nhận đóng lãi suất toàn bộ khoản vay nên trường hợp của anh Thành có khả năng bị liệt kê vào danh sách nợ xấu.

Anh Nguyễn Phong Thành cho biết, ông Trần Mạnh Cường - nhân viên Ngân hàng LPB, Bảo Lộc yêu cầu ký xác nhận nhiều giấy tờ dù các nội dung thông tin bên trong chưa được đầy đủ. Ảnh: Minh Hậu.

Anh Nguyễn Phong Thành cho biết, ông Trần Mạnh Cường - nhân viên Ngân hàng LPB, Bảo Lộc yêu cầu ký xác nhận nhiều giấy tờ dù các nội dung thông tin bên trong chưa được đầy đủ. Ảnh: Minh Hậu.

Liên quan vụ việc, sáng 11/7, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến trụ sở của Ngân hàng LPB Bảo Lộc (phường 1, TP Bảo Lộc) nắm bắt thông tin, tuy nhiên đại diện chi nhánh này từ chối làm việc và cho biết: “Chúng tôi chỉ làm việc với cơ quan công an”.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh TP Bảo Lộc đã có báo cáo gửi lên UBND TP Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bảo Lộc về vụ việc.

Theo đó, đơn vị này kiểm tra thực tế 18/36 khách hàng do ông Trần Mạnh Cường thực hiện công tác cho vay và quản lý có dấu hiệu cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ vay vốn, phương án vay vốn, hồ sơ tài chính… nhằm chiếm đoạt sốt tiền Ngân hàng giải ngân cho khách hàng. Tổng dư nợ của 18 khách hàng có phản ánh là trên 33 tỷ đồng, tổng số tiền khách hàng báo chưa nhận được là gần 13 tỷ đồng.

Hiện ông Trần Mạnh Cường đã bị ngân hàng này sa thải. Ngân hàng LPB Bảo Lộc đã báo cáo vụ việc lên Hội sở ngân hàng, đồng thời gửi đơn tố giác tội phạm lên Công an tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.