Công tác trồng rừng được tỉnh BRVT rất quan tâm. |
Tỉnh đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng ngập mặn khoảng 5.113 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Thành 2.640 ha và TP Vũng Tàu 1.890 ha. Xây dựng phương án xã hội hóa việc trồng, bảo vệ và công khai các quyền lợi được khai thác từ rừng ngập mặn để người dân, tổ chức cùng tham gia; khuyến khích tổ chức Đoàn thực hiện các công trình thanh niên trong việc trồng, bảo vệ rừng.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành, có thời điểm diện tích rừng ngập mặn của huyện giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2.000 ha, người dân phải bỏ nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Tuy nhiên, nhờ chủ trương trồng rừng, từ năm 2016 đến nay diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn huyện đã phát triển nhanh chóng.
Anh Nguyễn Văn Hò (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) phấn khởi chia sẻ: “Khoảng vài năm nay, nhờ nước các dòng sông bớt ô nhiễm, rừng ngập mặn được khôi phục nhanh nên cá tôm bắt đầu có chỗ trú ngụ, hệ sinh thái đang dần trở lại như vậy giúp bà con mưu sinh được dựa vào nghề đánh bắt”.
Theo Phòng Quản lý rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh BR-VT, từ việc triển khai dự án bảo vệ và phát triển rừng năm 2017, tỉnh đã trồng mới 197ha rừng ngập mặn tại các xã Tân Hòa, Tân Hải và Phước Hoà (huyện Tân Thành), Long Sơn (TP Vũng Tàu)… với 2 loại cây chủ yếu là đước và bần. Đây là một trong những mục tiêu của ngành NN-PTNT nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng và nhân rộng mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị suy thoái tại các đầm, nuôi thủy sản theo hướng lâm - ngư kết hợp dựa vào cộng đồng đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nếu rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” bảo vệ vùng bờ sông, cửa biển, hạn chế xói lở thì rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên cạn lại có vai trò như những “bức tường xanh” giúp điều hòa khí hậu, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo cảnh quan môi trường…
Báo cáo mới nhất của Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Sơn cho thấy, rừng Xuân Sơn có tổng diện tích 338 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Xuân Sơn, Sơn Bình và Suối Rao (huyện Châu Đức). Khu rừng này được lâm trường Châu Thành (cũ) trồng từ năm 1980 trên nhiều khu đất trống, đồi trọc. Sau nhiều năm vất vả trồng mới và chăm sóc, đến nay toàn bộ diện tích rừng Xuân Sơn đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây gỗ quý như muồng đen, gõ đỏ, sao, dầu…
Công tác bảo vệ rừng luôn được ngành chức năng chú trọng. |
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế - Chi cục Kiểm lâm tỉnh BR-VT cho biết: Nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, giai đoạn này, toàn tỉnh dự kiến trồng 3.390 ha rừng và 131.000 cây phân tán, với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng. Trong đó có trên 63 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Nguồn kinh phí xã hội hóa một phần được trích từ Quỹ phát triển rừng được thu từ các nguồn cho đơn vị, DN thuê môi trường rừng để kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh còn có chủ trương giao khoán rừng cho người dân, từ đó, người dân được tự chủ làm kinh tế trên đất lâm nghiệp nhưng có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Dự kiến đến năm 2020, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt 15 - 17% (gồm cả cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm là 52%); tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động nghề rừng thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, tham gia các hoạt động du lịch dưới tán rừng, trồng rừng, khai thác rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ như điều, cao su”. |