Đỉnh điểm là rạng sáng 21/4 thị trường dầu đã tạo nên một dấu mốc lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI xuống mức -37,63 USD/thùng.
Theo TS.Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) khi xảy ra tình thế đặc biệt như tình trạng khủng hoảng giá dầu thô thế giới hiện nay, phải chấp nhận một sự đánh đổi. Sự đánh đổi này sẽ có người được lợi, sẽ có người chịu thiệt, nhưng tổng thể lợi ích chung phải được bảo đảm.
Ông Thiên cũng cho rằng, tình thế thị trường không bình thường thì không thể sử dụng nguyên tắc lưu thông bình thường để giải quyết. Khi mà nguồn cung về xăng dầu tăng mạnh, giá cả hạ thấp, trong khi đó lượng xăng dầu tồn kho trong nước rất cao, nhu cầu tiêu thụ giảm mà vẫn tiếp tục nhập khẩu xăng dầu sẽ gây ra lãng phí nguồn lực của xã hội, thậm chí gây ra cảnh cạnh tranh cùng chết - điều này là không thể được.
Điều ông Thiên nói không phải không có cơ sở khi thời điểm giá dầu thô trên thị trường thế giới chỉ còn 20 USD/thùng, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đó là mức giá vô cùng thấp, các DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối cần phải đẩy mạnh nhập khẩu để tích trữ sẽ rất có lợi cho các DN kinh doanh xăng dầu và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đầu tuần qua giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục rơi thẳng đứng, có lúc xuống tới mức chưa từng có, và không thể tưởng tượng được là -37,63 USD/thùng (giá dầu thô WTI ngày 20/4). Thế thì, nếu như đã nhập về tối đa ở thời điểm trước đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã thua thiệt rất lớn, khi giá dầu thô ở thời điểm trước đó tuy đã rất thấp nhưng còn là ở mức cao so với giá dầu ở thời điểm thấp nhất ngày 20/4.
Việc nhập khẩu xăng dầu thời điểm này về Việt Nam tích trữ nhằm đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, lập luận này không chính xác bởi theo Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh, điều hành giá xăng dầu trong nước, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam được xác định và công bố bởi các thương nhân đầu mối nhưng không cao hơn giá cơ sở do Bộ Công Thương thông báo. Giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam được điều chỉnh 15 ngày 1 lần, dựa trên giá xăng dầu công bố thế giới, và như vậy, người dân chỉ có thể hưởng việc giảm hoặc chịu việc tăng giá xăng dầu “muộn” hơn thế giới mà thôi. Việc tiêu thụ hàng hóa trong nước hay nhập khẩu hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng.
PVN cũng cho rằng, trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn và hợp lý, mang lại nhiều cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên thực tế có một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); Hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện nay chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn) phục vụ cho sản xuất của nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi vào thời điểm này do tiềm lực tài chính còn khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này.
Theo thống kê số liệu Quý 1/2020 của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 1,822 triệu tấn xăng dầu các loại. Tổng sản lượng sản xuất 2 nhà máy lọc dầu đạt khoảng 3,145 triệu tấn. Ước tiêu thụ nội địa khoảng 2,6 triệu tấn (tạm tính nhu cầu giảm 30% trong Quý I/2020 do Covid -19).
Như vậy, không tính đến tồn kho tại các thương nhân đầu mối thời điểm 31/12/2019, tổng cung trong Quý 1/2020 đang lớn hơn tổng cầu ước tính khoảng 2,0-2,4 triệu tấn xăng dầu các loại, các sản phẩm này nằm trong hệ thống kho chứa tại Việt Nam chuyển sang quý 2 và các quý tiếp theo.
Trên thực tế, vừa qua, lượng xăng dầu nhập khẩu về đã rất lớn. Với hệ thống kho chứa hiện nay, có muốn mua về nhiều hơn nữa cũng không dễ dàng vì đã gần hết chỗ chứa. Lượng xăng dầu sản xuất trong nước cũng đã rất lớn, theo PVN, chỉ tính riêng số liệu nhập khẩu và sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu đã đang vượt khá xa tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Theo ông Thiên, trong thời điểm này coi các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là những tài sản quốc gia vì đóng góp của họ cho quốc gia rất lớn. Điều này không có nghĩa là bảo vệ PVN như một doanh nghiệp độc quyền. Phải giữ những doanh nghiệp như PVN làm trụ cột cho nền kinh tế nhất là sau khi dịch qua đi. Chính vì vậy, dù không muốn nhưng phải hi sinh bớt lợi ích của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.