| Hotline: 0983.970.780

Nhất quán xuống giống lúa đông xuân, né hạn mặn

Thứ Năm 26/11/2020 , 15:34 (GMT+7)

Nông dân ĐBSCL đang tập trung xuống giống vụ lúa ĐX 2020-2021, vẫn với nỗi lo thừa nước đầu vụ, thiếu nước tưới cuối vụ, hạn và xâm nhập mặn gây thiệt hại.

Lũ nhỏ nhưng nước rút chậm

Mùa nước nổi năm nay ở ĐBSCL được các cơ quan khí tượng thủy văn dự báo là lũ nhỏ và thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đỉnh lũ được cho là xuất hiện muộn vào giữa tháng 10/2020 và sau đó giảm nhanh. Đây là điều kiện khá thuận lợi để nông dân các tỉnh, thành ĐBSCL đẩy nhanh xuống giống lúa đông xuân (ĐX) 2020-2021, nhằm né hạn, mặn cuối vụ và tạo quỹ thời gian xuống giống cho các vụ lúa tiếp theo trong năm.

Cày ải phơi đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cày ải phơi đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, thực tế lại không giống như dự báo. Trong tháng 10 và đầu tháng 11/2020, khu vực ĐBSCL liên tục chịu ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão, gây mưa to kéo dài nhiều ngày, nước trên sông cũng như trên ruộng đều lên nhanh. Rồi các đợt triều cường trong tháng đã làm nước sông dâng cao, nước trên ruộng không thể tự thoát ra ngoài.

Chính vì vậy, nhiều địa phương tiến độ gieo sạ lúa đều chậm so với kế hoạch, khung thời vụ. Kiên Giang là tỉnh có diện tích gieo sạ lúa ĐX 2020-2021 lớn nhất khu vực ĐBSCL, theo kế hoạch của ngành nông nghiệp là 290 ngàn ha. TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, căn cứ vào tình hình rầy nâu di trú và dự báo nguồn nước, đơn vị đã đề xuất lịch gieo sạ lúa ĐX chính vụ của tỉnh chia làm 3 đợt: Đợt 1 từ 20-31/10. Đợt 2 từ 18-30/11. Đợt 3 từ 20-31/12/2020. Riêng các huyện vùng U Minh Thượng, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nước trời, phải tranh thủ gieo sạ sớm nhằm tránh thiếu nước vào cuối vụ, lịch gieo sạ từ 1-30/9/2020, chậm nhất đến 10/10 là phải kết thúc.

Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, kết thúc đợt 1, diện tích nông dân xuống giống được rất ít. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Kiên Giang mới xuống giống được gần 36 ngàn ha lúa ĐX, đạt khoảng 12% kế hoạch. Các huyện vùng U Minh Thượng đều không đạt kế hoạch đề ra, do thời điểm xuống giống gặp mưa bão liên tục. Huyện U Minh Thượng gieo sạ được 5.182/9.800 ha, Vĩnh Thuận 3.625/4.770 ha, An Biên 7.581/8.420 ha. Các huyện này đã đề xuất Sở NN-PTNT Kiên Giang cho kéo dài lịch xuống giống đến ngày 25/11, tuy nhiên cũng không đạt theo kế hoạch.

Riêng các huyện vùng Tây Sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên là khu vực trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Kiên Giang, hầu như diện tích xuống giống trong đợt 1 không đáng kể, do nước trên ruộng cao, nông dân không thể bơm tát ra để gieo sạ. Tính đến ngày 24/11, chỉ có huyện Giang Thành xuống giống được 15.756/29.500 ha, Kiên Lương 2.470/24.000 ha. Các huyện có diện tích rất lớn như: Hòn Đất 80.000 ha, Giồng Riềng 46.700 ha, Tân Hiệp 36.803 ha, Gò Quao 25.500 ha… mới chỉ xuống giống được vài trăm ha mỗi huyện, dù lịch xuống giống đợt 2 đã sắp hết.

Như vậy, trọng tâm gieo sạ lúa ĐX 2020-2021 của tỉnh Kiên Giang sẽ rơi vào đợt 3, với diện tích rất lớn. Khi đó, sẽ gây áp lực về nhân công gieo sạ, áp lực máy móc thu hoạch, phơi sấy, cũng như tiêu thụ.

Lo hạn, mặn cuối vụ

Tại Tiền Giang, để bảo đảm an toàn sản xuất thích ứng với tình hình hạn hán xâm nhập mặn, nhất là mùa khô tới, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung tuyên truyền vận động người dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên cây lúa. Năm 2020, tỉnh thực hiện cắt gần như hoàn toàn vụ thu đông. Đến nay, diện tích xuống giống vụ thu đông đạt trên 2.800 ha, trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và đứng cái, làm đòng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 223 ha lúa chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu và trồng cỏ chăn nuôi. Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay đã có 22.711 ha cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng.

Xuống giống lúa đông xuân tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuống giống lúa đông xuân tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang: Thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông. Đối với vụ ĐX 2020-2021 (tính từ ngày 1/10 như lịch của Bộ NN-PTNT), dự kiến kế hoạch xuống giống trong tỉnh đạt khoảng 49.400 ha. Trong tháng, nông dân tỉnh Tiền Giang bắt đầu xuống giống với diện tích trên 14.000 ha, đạt 28,4% kế hoạch. Trà lúa đang giai đoạn mạ là 6.584 ha và đẻ nhánh là 7.432 ha.

Tại Vĩnh Long, vụ lúa ĐX năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 52.800ha, tập trung xuống giống trong 3 đợt chính. Đợt 1 diện tích là 12.000 ha, xuống giống từ ngày 26 - 10/1, tập trung ở vùng ven QL 54 của Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đây là các địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nặng nề nhất tỉnh trong mùa khô 2019-2020.

Đợt 2 là đợt tập trung chính với diện tích 35.000 ha, xuống giống từ ngày 24/11 - 9/12, phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống từ 15 - 25/12 phân bố ở vùng còn lại và nơi lúa thu đông muộn vừa thu hoạch với diện tích 5.800 ha, không xuống giống vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn trong đợt này.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Vĩnh Long cho biết: Đến nay, toàn tỉnh xuống giống được gần 6.000 ha lúa đông xuân. Các giống lúa được khuyến cáo sử dụng là nhóm giống chủ lực: OM5451, OM4900, OM6976, OM4218, OM7347…, nhóm giống bổ sung: OM6162, OM6561, OM10424, Đài thơm 8, RVT..

“Sau khi thu hoạch lúa thu đông cần phải tiến hành thực hiện khâu vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ nên bắt đầu xuống giống lúa ĐX tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa thu đông khoảng 3 - 4 tuần”, ông Nguyễn Vĩnh Phúc khuyến cáo.

Phần lớn các địa phương xuống giống đúng lịch thời vụ để né mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phần lớn các địa phương xuống giống đúng lịch thời vụ để né mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để lúa xuống giống không bị ngập úng, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long còn khuyến cáo địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp thủy lợi, như: củng cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở, nạo vét các kinh mương nội đồng, bố trí máy bơm tiêu thoát nước chống úng trong điều kiện mưa, bão, triều cường.

Chủ động né hạn, mặn cuối vụ

Vụ lúa ĐX 2020-2021, toàn vùng Nam bộ có kế hoạch gieo sạ 1,63 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 11,37 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,55 triệu ha và sản lượng hơn 10,9 triệu tấn.

Dự báo mùa khô năm 2020-2021, mặn xâm nhập sớm và diễn biến khốc liệt nên Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương chủ động xuống giống sớm để né hạn, mặn vào cuối vụ. Đặc biệt, đẩy mạnh xuống giống sớm từ ngày 10-30/10, ở những địa phương ven biển tại ĐBSCL có nguy cơ cao bị hạn, mặn cuối vụ như: An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 400 ngàn ha. Từ ngày 1-30/11, xuống giống khoảng 636 ngàn ha cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Từ ngày 1-31/12, tiếp tục xuống giống khoảng 615 ngàn cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển…

Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương quan tâm thực hiện tốt giải pháp về thời vụ trong vụ ĐX 2020-2021 để né hạn, mặn. Đặc biệt, cần đẩy sớm thời vụ, gieo sạ sớm ngay trong tháng 10/2020. Về cơ cấu giống lúa, cần ưu tiên chọn sản xuất nhóm giống chất lượng cao, ngắn ngày để giảm rủi ro do hạn mặn, nhất là các địa phương ven biển. Song song đó, tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.