| Hotline: 0983.970.780

Nhiều dấu hiệu bất ổn tại các dự án của Tập đoàn FLC ở Vĩnh Tường

Thứ Hai 29/05/2017 , 09:15 (GMT+7)

Từng được tổ chức khởi công hoành tráng, Dự án Quần thể du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Thịnh – An Tường tham vọng thay đổi bộ mặt quê nhà của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên...

14-25-22_flc1
Nông dân Vĩnh Thịnh phản đối dự án của Tập đoàn FLC

Tuy nhiên, dự án gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân.
 

Những điều khó hiểu sau Lễ khởi công đêm 6/3/2016

Đã hơn một năm, kể từ đêm 6/3/2016. Cái đêm UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn FLC tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 FLC Vĩnh Thịnh Resort.

Một buổi lễ cực kỳ hoành tráng với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cơ quan ban ngành thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định, Thanh Hóa và Tuyên Quang… cùng hơn 1.000 khách mời tham dự.

Chủ đầu tư tuyên bố, với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, dự án sẽ có một số hạng mục quan trọng như học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí Dislayland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế…

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nói rằng, sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả 2 giai đoạn, với diện tích trên 250 ha, được quy hoạch hiện đại, FLC Vĩnh Thịnh Resort sẽ trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Còn ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cam kết sẽ bắt tay triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án, tập trung các nguồn lực để ngay trong năm 2017 tới sẽ đưa toàn bộ các hạng mục của dự án vào vận hành, đón chào du khách đến với quần thể này.

Nhưng cũng từ cái đêm ấy, hàng vạn dân các xã Vĩnh Thịnh, An Tường bàng hoàng trước thông tin thu hồi đất khi mà trước đó họ hoàn toàn không có thông tin gì về dự án. Kể cả khi được nghe kể lại về buổi lễ, họ hoàn toàn không tin vào những lời phát biểu trên.
 

Thực tế hiện tại ở Vĩnh Tường, có vẻ như nhân dân đang đúng

Theo điều tra của NNVN, Vĩnh Phúc đang rốt ráo thực hiện các biện pháp GPMB, thu hồi đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên đa số người dân ở các xã Vĩnh Thịnh, An Tường vẫn không đồng thuận.

14-25-22_flc2
Người dân kỳ vọng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ họ sẽ giữ được đất

Chưa hết, tất cả những cơ quan ban ngành ở tỉnh Vĩnh Phúc mà chúng tôi làm việc đều thừa nhận, gần như toàn bộ diện tích thực hiện dự án đều là đất lúa, bắt buộc phải trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, và theo thông tin của NNVN, đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng vẫn chưa phê duyệt cho phép Vĩnh Phúc chuyển đổi.

Một điều quan trọng nữa, dường như Vĩnh Phúc và FLC đã âm thầm thay đổi dự án. Cái tên Quần thể du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Thịnh – An Tường đã được thay thế bằng Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường. Thậm chí, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có văn bản về chủ trương đầu tư Trung tâm văn hóa và hội nghị quốc tế Vĩnh Thịnh – An Tường, Sở KH-ĐT Vĩnh Phúc đã đề xuất cấp quyết định chủ trương đầu tư cho FLC nhưng không được đồng ý.

Có ý kiến cho rằng, khả năng tỉnh Vĩnh Phúc và FLC cảm thấy xin chủ trương chuyển diện tích đất lúa quá lớn sẽ khó khăn nên mới bóc tách từng hợp phần dưới 10 ha để “lách” việc trình Thủ tướng Chính phủ.
 

Chúng tôi không còn tin vào chính quyền địa phương

Trước khi trở lại Vĩnh Tường, chúng tôi tìm gặp ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, người vừa viết thư kính gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi chứng kiến những gì đang xẩy ra ở các xã Vĩnh Thịnh và An Tường.

14-25-22_flc3
Ông Lê Quang Thưởng lo ngại sẽ mất dân chủ ở một số nơi ở Vĩnh Tường.

Ông Thưởng nói với chúng tôi: Đó là dự án không đúng với chủ trương của Đảng, của Nhà nước về việc bảo vệ đất lúa, đất nông nghiệp. Dân họ đang sản xuất nông nghiệp rất tốt. Cả một vùng đất bãi phù sa ven sông xanh mơn mởn, nếu dự án lấy mất thì không biết họ sống bằng gì? Sao dự án không triển khai ở những vùng sản xuất kém hiệu quả mà lại cắm xuống vùng nông nghiệp trù phú như thế?

Cũng xin được trích đăng bức “tâm thư” mà ông gửi Thủ tướng Chính phủ với “động cơ” ông đã trình bày khá rõ: Tôi không có mối quan hệ bà con, họ hàng gì ở đây. Tôi chỉ xuất phát từ lẽ phải, nguyện vọng chính đáng của người dân mà đề đạt với đồng chí Thủ tướng việc này.

“Kính gửi đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Một lần nữa tôi đến xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, gặp một số người dân, nghe họ kể về một doanh nghiệp được cấp gần 300 ha đất canh tác nông nghiệp thuộc hai xã Vĩnh Thịnh và An Tường (mỗi xã có hàng vạn dân) để làm du lịch, xây biệt thự, khách sạn, điểm vui chơi, sân golf…

Đây là một vùng bãi bồi ven sông Hồng đất rất tốt, ít có nơi nào làm nông nghiệp có năng suất cao như ở nơi này. Dự án đã được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt hơn một năm trước, nhưng chưa thực hiện được vì đụng chạm đến đời sống, công ăn việc làm của hơn 70% hộ dân ở hai xã này. Họ chủ yếu làm nghề nông, đa số không đồng tình, chưa chịu đền bù và giao đất.

Chỉ mới có một số ít dân có người trong hộ là đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức, sợ ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, công việc đang làm ở các cơ quan nhà nước chấp nhận đền bù. Những người dân gặp tôi tha thiết đề nghị tôi chuyển đến Thủ tướng Chính phủ xem xét việc này. Nếu họ được tiếp tục làm ăn ở mảnh đất này thì đó là một cứu cánh đối với cả cuộc đời của họ và con cháu họ nhiều đời sau.

Chính phủ có thể xem xét cho doanh nghiệp được thuê đất ở những nơi khác phù hợp hơn với mục đích sử dụng làm du lịch (như đất ven đồi núi, hồ ao, bãi lầy, năng suất nông nghiệp thấp chẳng hạn…). Tôi nghĩ chủ trương lâu nay của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đai trong cả nước cũng như vậy. Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, Bộ NN-PTNT… cử người về kiểm tra, thanh tra, kết luận để có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân đối với vụ việc này. Tôi cũng đề nghị kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Vĩnh Phúc…”.

Cũng trong bức thư gửi Thủ tướng, ông Thưởng đề nghị: “Đặc biệt là phải chấm dứt tình trạng một số cán bộ địa phương đứng về phía doanh nghiệp, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, thiếu dân chủ, o ép dân phải đền bù đất làm dự án phi nông nghiệp, như đã từng xẩy ra ở không ít nơi trên đất nước ta và có thể ở cả nơi này nữa”.

14-25-22_flc4
Cụ Phùng Thị Bân (85 tuổi xã Vĩnh Thịnh): Dự án lấy đất chả khác gì đẩy con cháu chúng tôi đi ăn mày

Thư gửi đi ngày 2/4/2017, đến ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc lấy đất nông nghiệp làm du lịch tại huyện Vĩnh Tường. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh của ông Lê Quang Thưởng nêu trên và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong những lá đơn cầu cứu ấy, những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây đều khẳng định: Từ năm 2013 đến nay, do Công ty cổ phần FLC xây dựng công trình trên đất nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh đã vi phạm Luật Đất đai, vi phạm về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp.

Dự án là 1 trong 6 vấn đề nóng ở Vĩnh Phúc

Ngày 16/5 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao “Vấn đề công tác bảo đảm an ninh trật tự, nổi lên một số vụ việc như việc thu hồi 256 ha đất nông nghiệp cho khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường của Tập đoàn FLC, huyện Vĩnh Tường, người dân phản ứng mạnh vì họ cho rằng đây là đất tổ tiên, đất xương máu của họ” là 1 trong 6 nội dung chính Thủ tướng yêu cầu làm rõ.

Ông Vũ Chí Giang, PCT Vĩnh Phúc giải trình: “Đất trồng lúa hiện nay chủ yếu là trồng cỏ non để chăn nuôi bò, nhưng bò và người ở chung nhà, mức độ ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng nên cần cơ chế chính sách tốt nhất để chuyển đổi, đồng thời quy hoạch.

Cụ thể, sau khi Vĩnh Phúc trình lên Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, và nếu được Thủ tướng đồng ý chuyển đổi đất lúa sẽ thu hồi theo quy hoạch sau đó đấu giá. Ở đây không phải thu hồi cho FLC mà là thu hồi xong sẽ là đấu giá.

 

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất