| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý rừng

Thứ Sáu 24/05/2019 , 16:00 (GMT+7)

Thực trạng này được thẳng thắn nêu ra tại Hội nghị “Triển khai Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030”, diễn ra ngày 24/05 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, toàn vùng Tây Nguyên có diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 3.231.114 ha, chiếm 19,9% diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều diện tích rừng tự nhiên, giàu trữ lượng đang bị khai thác quá đà, xâm hại nặng nề hoặc bị chuyển sang mục đích khác do nhu cầu phát triển kinh tế cùng những hạn chế trong quản lý, bảo vệ rừng. Để rừng phát triển bền vững, phát huy đúng giá trị... là thách thức không nhỏ tại một số địa phương.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, giải pháp thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên.

Nhức nhối nhất là  chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.185 vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại là 255,27 ha tăng 46,59 ha so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy, rừng ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng. Trong khi, diện tích rừng tự nhiên chủ yếu là rừng mới phục hồi, rừng nghèo; rừng giàu còn lại rất ít.

Còn trong năm 2018 toàn vùng Tây Nguyên phát hiện 4.114 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 392,22 ha, giảm 844 vụ, tương ứng 17,02% so với năm 2017. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của 03/5 tỉnh trong khu vực tiếp tục bị giảm so với năm 2017.

Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm với "cuộc chiến" giữ rừng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết, do nhiều địa phương, chính quyền buông lỏng quản lý khiến nạn khai thác rừng diễn ra nghiêm trọng. Nhiều cánh rừng nguyên sinh có trữ lượng gỗ lớn được giao cho người dân hoặc có lực lượng chức năng quản lý, nhưng hiện tượng “chảy máu rừng” vẫn tồn tại. 

Đối với Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh nhìn nhận một thực tế rằng: Hầu hết các vụ phá rừng diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhằm mục đích lấy đất sản xuất. Nếu như trước đây, việc phá rừng chủ yếu để lấy nguồn lâm sản thì nay người dân phá rừng để lấy đất.

Hiện Lâm Đồng đang gặp áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, di dân tự do từ nơi khác đến, dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác rất lớn. Một số vùng người dân có đời sống khó khăn, sinh kế chủ yếu là khai thác, lợi dụng tài nguyên rừng, đất rừng.

Cần lan tỏa mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực đã được đại diện lãnh đạo UBND, các sở ban ngành 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tham gia đóng góp. Đặc biệt, các ý kiến đều tin tưởng Đề án sẽ tạo bước đột phá, lan tỏa đến mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu theo phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Để đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên bền vững có hiệu quả, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị các ban ngành phải xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng gắn với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cho phép sử dụng một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân.

Đề án được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc khôi phục, phát triển rừng bền vững.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài Chính ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các dự án tập trung vào bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, đầu tư các vườn quốc gia, xây dựng vườn ươm cây giống nông lâm nghiệp, xây dựng đường lâm nghiệp.

Các Bộ Quốc Phòng, Công An chỉ đạo các đơn vị đóng quan trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, chủ rừng ứng cứu các vụ cháy rừng lớn, tham gia ngăn chặn phá rừng, khai thác lâm sản cũng như phối hợp truy quét, xóa bỏ các tụ điểm nóng về phá rừng , tụ điểm mua bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm…

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.