| Hotline: 0983.970.780

Rừng Tây Nguyên vẫn nhức nhối

Thứ Ba 09/04/2019 , 13:15 (GMT+7)

Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp.

15-46-31_img_1210_
Tình trạng phá rừng tự nhiên tại Đăk Lăk vẫn diễn ra hết sức phức tạp

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh này trên 720.000ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha, độ che phủ rừng đạt hơn 39,3% (tính cả cây cao su).

Rừng được giao cho 15 công ty lâm nghiệp, 7 ban quản lý rừng đặc dụng, 4 ban quản lý rừng phòng hộ, 69 doanh nghiệp có chức năng quản lý, tổ chức SX kinh doanh, khoanh nuôi bảo vệ rừng và 1 phần giao cho UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Chỉ tính trong năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 1.081 vụ vi phạm lâm luật, các cơ quan chức năng đã xử lý, tịch thu hơn 1.521m3 gỗ, 521 phương tiện vi phạm, nộp ngân sách gần 10,8 tỷ đồng.

Bên cạnh việc phá rừng lấy gỗ, thì áp lực rất lớn đe dọa rừng trên địa bàn tỉnh là tình trạng phá rừng, chiếm đất để SX nông nghiệp. Tại huyện biên giới Ea Súp, nhiều hộ dân di cư tự do (DCTD) chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc theo người thân vào sinh sống, đã chọn nơi xa xôi cách trở, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng để cưa hạ cây rừng lấy đất làm nương rẫy.

Nổi bật là vụ phá rừng chiếm gần 20ha đất tại tiểu khu 238, thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp của các đối tượng Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1985); Phan Văn Dương (sinh năm 1985) và Lê Văn Dương (sinh năm 1983), đều trú tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. Thống kê sơ bộ, trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp do UBND xã Ea Bung quản lý đã có 37 hộ lấn chiếm với diện tích 264,7ha.

Ông Nguyễn Ngọc Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết, rừng được giao cho UBND xã quản lý chủ yếu là rừng nghèo, một số đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm nên rất khó quản lý. Chưa kể, rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý, chỗ gần nhất khoảng 30km, xa nhất khoảng 50km, đường sá đi lại khó khăn. Lực lượng bảo vệ rừng kiêm nhiệm, không chuyên trách, công cụ, phương tiện cũng như kinh phí quản lý, bảo vệ rừng eo hẹp và thiếu thốn, nhiều khi không có kinh phí hỗ trợ, cán bộ xã phải bỏ tiền túi đổ xăng, ăn uống để tuần tra bảo vệ rừng.

Tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), tình trạng người dân phá rừng, chiếm đất cũng diễn ra phức tạp. Theo UBND xã, hiện đang có 163 hộ DCTD với 997 nhân khẩu cư trú trái phép trên một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp của địa phương. Do nhu cầu về đất SX tăng nên các hộ tìm mọi cách xâm nhập vào rừng để chiếm dụng đất. Chỉ tính năm 2018, tại các tiểu khu 276, 280, 286 do UBND xã Cư M’lan quản lý, đã phát hiện 25 vụ vi phạm với diện tích rừng bị thiệt hại 45,94ha.

Tình trạng dân di cư tự phát tại huyện Krông Bông cũng gây khó khăn cho địa phương, một số hộ chưa được cấp hộ khẩu thường trú do sinh sống không ổn định, phân tán rải rác trong rừng sâu, chưa có giấy tờ xác nhận đất ở hợp pháp hoặc không có giấy chuyển hộ khẩu, khiến công tác quản lý nhân khẩu, quản lý bảo vệ rừng ngày càng phức tạp. Từ năm 2008 đến nay, rừng bị lấn chiếm, khó thu hồi lên đến 241ha.

Ông Lộc Xuân Nghĩa, GĐ Vườn quốc gia Chư Yang Sin (huyện Krông Bông) cho biết: Với diện tích rừng được giao quản lý 59.491,2ha, nằm ở vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng dân di cư tự do ngày một tang, dẫn đến thiếu đất ở và đất SX. Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã ngày một tinh vi.

Đặc biệt, việc chống người thi hành công vụ rất manh động. Chỉ tính riêng năm 2018, đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ, hậu quả là 2 kiểm lâm của vườn gồm anh Tạ Ngọc Trọng bị bắn gãy tay phải ngày 29/1/2018 và anh Ngô Đức Liên bị thương ở đùi phải, lưng, hai cánh tay trong lúc đi tuần tra do các đối tượng người dân tộc H’mông bắn trọng thương ngày 13/9/2019.

Riêng tình trạng vi phạm lâm luật và phát triển rung, trong năm 2018 vườn đã phát hiện và ngăn chặn 22 vụ, đuổi và trục xuất 524 người vào rừng trái phép, thu giữ 471 sợi dây bẫy các loại để săn thú rừng; tạm giữ 12 phương tiện, công cụ và 11 súng tự chế, phá 15 lán trại trái phép…

Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, chỉ riêng từ năm 2015 đến nay, đã có trên 10.500 ha rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm trái phép, trong đó, huyện Ea Súp để người dân phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng trái phép nhiều nhất, với trên 9.358ha, kế đến là huyện Ea H’leo, M’Đắk…

Để hạn chế, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chấn chỉnh các đơn vị tuần tra, bảo vệ rừng, nghiêm túc báo cáo tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng cụ thể, chính xác để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền, công an và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. UBND tỉnh Đăk Lăk cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương, các chủ rừng kiên quyết thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp do các hộ dân lấn chiếm, kể cả phá bỏ các loại cây trồng, những công trình xây dựng để trồng lại rừng.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất