| Hotline: 0983.970.780

Nhiều diễn biến mới

Thứ Hai 20/01/2014 , 10:59 (GMT+7)

Ngày 17/1, phiên tòa xét xử “đại án” Huyền Như chỉ diễn ra trong buổi sáng và kết thúc lúc 9 giờ 45 phút. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn tiếp tục nóng...

Ngày 17/1, phiên tòa xét xử “đại án” Huyền Như chỉ diễn ra trong buổi sáng và kết thúc lúc 9 giờ 45 phút. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn tiếp tục nóng bởi trình bày của các nguyên đơn dân sự cho rằng Vietinbank có trách nhiệm trong việc bồi thuờng thiệt hại. Đặc biệt, phiên tòa được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm và theo dõi sát.

PHIÊN TÒA “NÓNG” BỞI CÁC NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ

Người đầu tiên khiến phiên tòa “nóng” lên là ông Lê Thanh Hải, đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Á châu (ACB).

Ông Hải nêu quan điểm, ACB yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền gần 719 tỉ đồng và lãi phát sinh, chứ không đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như. Vì vậy, ông Hải tiếp tục đề nghị HĐXX đưa Vietinbank tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự. “Quan hệ gửi tiền giữa ACB (đứng tên 19 cá nhân ACB) với Vietinbank là quan hệ hợp đồng hợp pháp, được ông Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (hai phó giám đốc Vietinbank TP.HCM) ký kết, đóng dấu thật của Vietinbank.

Sau khi ACB chuyển tiền vào Vietinbank, đơn vị này đã hạch toán thành tài sản của mình, sao kê chi tiết tài khoản của các nhân viên ACB cũng thể hiện rõ việc này. Như vậy, Huyền Như đã nhân danh Vietinbank huy động tiền cho Vietinbank chứ không phải cá nhân Huyền Như”, ông Hải nói.


Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa ngày 17/1

Ông Hải cho rằng vụ án này vừa có dấu hiệu oan sai, vừa có dấu hiệu lọt tội, vừa có dấu hiệu bất bình đẳng. Cụ thể, bản cáo trạng không thể giải đáp được đó là Viện kiểm sát đang truy tố các bị cáo nguyên là cán bộ của Vietinbank về tội vi phạm các quy định về cho vay quy định (điều 179 Bộ luật Hình sự) nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng khác (ACB, Navibank…). Cùng một hành vi là giả chữ ký, thế chấp giả, hồ sơ vay giả ở VIB thì VKS xác định là gây thiệt hại cho VIB nhưng khi thế chấp ở Vietinbank thì không xác định gây thiệt hại cho Vietinbank mà lại xác định là gây thiệt hại cho ngân hàng khác.

“Thực chất đây là một vụ án tham nhũng, có tội tham ô. Năm 2005, Ngô Thanh Lam (nhân viên Vietcombank) truy cập vào một số tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt 75 tỉ, đã bị tử hình về tội tham ô và Vietcombank sau đó phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng. Hành vi của Huyền Như tương tự như thế, nhưng lại bỏ qua. Tại tòa, đại diện Vietinbank thừa nhận “Đối với các hợp đồng do Vietinbank xác lập với chữ ký thật, con dấu thật thì Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm” nhưng VKS lại không ghi nhận trong phần luận tội cho thấy VKS đã không theo diễn biến tại phiên tòa”.

Đặc biệt, theo ông Hải, kết luận điều tra nêu: “Lãnh đạo Vietinbank được Huyền Như báo cáo về việc chi lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 0,5%” nhưng chưa được điều tra làm rõ Vietinbank có chủ trương chi lãi suất vượt trần hay không, nguồn chi từ đâu, hạch toán thế nào? Nhiều cá nhân không phải là chủ thể đứng ra tự nhận là chủ thể giả chữ ký ký hồ sơ vay tiền đã không bị xử lý hình sự…

NHÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ THEO DÕI SÁT PHIÊN TÒA

Liên quan tới quyền lợi phía công ty Saigonbank-Berjaya (SBBS - Malaysia) bị thiệt hại 210 tỷ đồng và yêu cầu ngân hàng Vietinbank phải bồi thường, trong phiên tòa sáng 17/1, bà Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc SBBS trình bày quan điểm: “Bạn bè, đồng nghiệp của tôi là các nhà đầu tư Malaysia, Singapore tại Việt Nam đang theo dõi vụ án này vì nó có ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam.


Bà Joo đang trình bày quan điểm tại phiên tòa ngày 17/1

Cũng giống như SBBS, họ cũng đang gửi các khoản tiền lớn trong các ngân hàng tại Việt Nam. Đồng thời vụ việc này cũng sẽ tác động đến quan điểm và sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chúng tôi đã thông báo vụ việc này lên Chính phủ Malaysia và hiện Chính phủ nước này cũng đang theo dõi sát diễn biến của vụ án”.

Bà Joo cho biết, ngày 18/5/2011, công ty SBBS đã mở tài khoản tại Vietinbank – chi nhánh TP.HCM. Sau khi mở tài khoản trên, SBBS đã chuyển số tiền 225 tỷ đồng vào tài khoản của công ty này mở tại Vietinbank chứ không chuyển vào tài khoản của Huyền Như hay tài khoản nào khác. Cho nên, khi bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền trên, thì không ai khác, là Vietinbank phải trả số tiền này cho SBBS.

Tổng giám đốc công ty SBBS còn cho biết, chính phủ Malaysia và Ngân hàng Trung ương nước này cũng rất quan tâm và hiện đang chờ đợi kết quả phán quyết cuối cùng của vụ án. “Chúng tôi hy vọng quý tòa sẽ xem xét để yêu cầu Vietinbank hoàn trả lại tiền cùng lãi suất cho chúng tôi vào bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công ty SBBS”, bà Joo nói.

Xem thêm
Bắt đối tượng đâm trọng thương thiếu tá công an

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Công an huyện Lạc Sơn truy bắt nhanh người đàn ông tấn công gây trọng thương cán bộ công an khi đang làm nhiệm vụ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.