Cá hô là một trong những loài cá nước ngọt quý hiếm, có giá trị cao. Ngoài tự nhiên, loài cá này rất hiếm gặp. Hiện nay, một số hộ nông dân ở ĐBSCL đã phát triển mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao đất, lồng bè.
Anh Huỳnh Văn Minh, nông dân nuôi cá hô thương phẩm trong ao đất tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) đã hơn 4 năm nay cho hay: “Ban đầu tôi mua 1.000 con cá giống, giá 15.000 đồng/con để nuôi ghép với các loài cá khác như thát lát, sặc rằn. Qúa trình nuôi, thấy cá hô ăn được rau, củ, bèo cám và thức ăn công nghiệp (nhưng không nhiều). Cá mau lớn, không có bệnh, ít hao hụt. Đến nay, cá đạt trọng lượng từ 13 – 15kg/con”.
Cá hô có thể trọng lớn, thịt thơm, ngọt và dai nên được ưa chuộng. Cá càng lớn càng có giá trị. Theo Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ: Cá hô nuôi ghép tăng trưởng nhanh hơn cá nuôi đơn trong ao đất. Với mô hình nuôi đơn mật độ nuôi 5 con/10m2, sau 28 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 3 - 4kg/con. Cá nuôi ghép trong ao đất, mật độ 2 con/10m2, sau 28 tháng nuôi đạt trọng lượng 3,5 – 4,5 kg/con.
Hiện nay, trong ao của anh Minh có trên 200 con cá hô đạt trọng lượng trên từ 13 - 15kg/con. Các thương lái thu mua cá tại ao giá 350.000 đồng/kg cho kích cỡ dưới 15kg/con, 400.000 đồng/kg đối với cá kích cỡ 15kg/con trở lên.
“Những con cá lớn vào nhà hàng có giá quá cao. Ăn cá 5kg/con sẽ thấy khác cá 10kg/con. Cá càng lớn càng ngon”, anh Minh khẳng định.
Cũng theo anh Minh, cá hô nuôi dễ nhưng đầu ra đang khó bởi cá có giá trị cao. Thị trường tiêu thụ ở phân khúc hẹp, là các nhà hàng, resort nên đầu ra chậm. “Mỗi lần thương lái bắt chỉ chừng 10 con. Bắt vậy, cá động bỏ ăn nên ốm, rất khó cho mình. Hơn nữa vận chuyển cá khó, cần oxy để đến nhà hàng cá còn sống, khách hàng mới chuộng”, anh nói.
Anh Minh cũng nói thêm, anh là hộ đầu tiên ở địa phương nuôi cá hô. Gần đây có thêm 6 hộ dân cũng phát triển nuôi theo nên giờ đây cá hô không còn hiếm nữa. Cá hô có giá trị cao nhưng đầu ra rất khó khăn nên anh Minh cho rằng mô hình khó nhân rộng. Anh cũng đưa lời khuyên người dân muốn phát triển nuôi loài cá này nên tìm trước đầu ra.
“Bản thân tôi, nuôi cá hô chỉ là phụ, nuôi ghép với cá khác xem như là bỏ ống heo. Bởi cá này nuôi thời gian lâu. Đầu ra khó nhưng tôi có ao nhà rộng, bán chậm cũng không sao. Còn nếu nuôi một mình nó để làm kinh tế sẽ rất khó. Để khuyến cáo người dân nhân rộng mô hình này, tôi thấy phải có liên kết tiêu thụ đầu ra trước”, anh Minh chia sẻ.
Thời gian qua, Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ đóng tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (trực thuộc Viện Nuôi trồng thuỷ sản II) và Trung tâm Giống thuỷ sản An Giang đã nhân giống thành công loài cá này, góp phần cung ứng nguồn cá giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá thương phẩm.
Thạc sỹ Lê Trung Đỉnh, công tác tại Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ cho biết: “Hàng năm, Trung tâm cung ứng khoảng 150 – 200 nghìn con cá hô giống cho thị trường nuôi thương mại, góp phần bảo tồn nguồn gen cá quý hiếm này”.
Cá hô có tên khoa học là Catlocarpio siamensis Boulenger thuộc bộ cá chép Cypriniformes, họ cá chép Cyprinidae, giống cá Catlocarpio. Cá chỉ phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, cá chủ yếu hiện diện ở sông Hậu và sông Tiền thuộc các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, đôi khi cũng bắt gặp cá trên sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông, hiếm gặp trên hệ thống sông Đồng Nai. Cá hô là loài cá ăn tạp (động vật phù du, tảo, trái bần và các loại trái ven bờ rụng xuống, mùn bã hữu cơ...). Cá sống ở tầng đáy.