| Hotline: 0983.970.780

'Chiếc lược ngà' bên dòng Bến Hải

Thứ Hai 29/04/2024 , 14:00 (GMT+7)

Ngày vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc nhận quân, cô du kích 18 tuổi ngoảnh mặt quay đi khi nghe tiếng gọi của một người du kích tuổi trung niên, tóc đã điểm bạc...

Nữ du kích Vĩnh Linh Phan Thị Hoa - người con của hai vợ chồng du kích trong bài hát 'Câu hò bên bờ Hiền Lương'. Ảnh: Võ Dũng.

Nữ du kích Vĩnh Linh Phan Thị Hoa - người con của hai vợ chồng du kích trong bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Ảnh: Võ Dũng.

Ngày vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc nhận quân, cô du kích 18 tuổi Phan Thị Hoa trong khoảnh khắc bất chợt bỗng ngoảnh mặt quay đi khi nghe tiếng gọi của một người du kích tuổi trung niên, tóc đã điểm bạc: “Hoa, ba đây con, ba đây…”. Những tủi hờn từ tuổi thơ ùa về, những hờn giận chất chứa bao năm tháng thành một phản xạ để thành phản ứng hờn dỗi, mà cho đến tận bây giờ, bà vẫn day dứt…

Khoảnh khắc ấy có lẽ là khoảnh khắc giằng xé, khó nói thành lời. Đó không phải là lời thoại trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bé gái tên Thu khóc thét lên rồi chạy ra khỏi vòng tay người đàn ông có gương mặt đầy những vết thẹo vì đạn bom cuộc chiến. Nó là câu chuyện có thật của một gia đình du kích, cả hai vợ chồng cách xa hơn 20 năm đôi bờ Bến Hải; các con của họ, nối tiếp ba mẹ, cũng cầm súng bảo vệ quê hương…

Nhưng, thiếu nữ Phan Thị Hoa, cô du kích bên bờ Nam sông Bến Hải - con người bằng xương bằng thịt trong câu chuyện là có thật. Nhưng có lẽ, cô còn hạnh phúc hơn bé Thu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, khi cô vẫn còn cơ hội hàn lại vết thương lòng, vẫn có 16 năm được gần gũi bên cha.

Hạnh phúc hơn, thứ hàn gắn, xóa đi vết thương lòng của cô, có sự thôi thúc từ một bài hát rất đỗi nổi tiếng, thân thương của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bài hát viết về chính câu chuyện của ba mẹ cô, nhưng cũng là câu chuyện của bao người, những người có tên và không tên…

Cô du kích xinh đẹp, cá tính năm xưa bây giờ cũng đã là mẹ, là bà. Lòng cô bây giờ đã phẳng lặng, bình yên như những con sóng trên dòng Bến Hải không còn bị xẻ đôi; vạch vôi trắng trên cầu Hiền Lương giờ đây cũng chỉ là một vạch kẻ được giữ lại, như là một chứng tích!

1.

Một đêm mùa hè năm 1966. Ba đứa trẻ thiếu niên dắt nhau từ Gio Hải vượt sông, đi bộ xuyên đêm sang Cửa Tùng tìm cha.

Gio Hải thuộc huyện Gio Linh. Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh. Hai vùng đất nằm hai bờ sông Bến Hải. Nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy nó liền một dải, con sông như một nét vẽ mềm mại vắt hờ tô điểm. Nhưng, trong lịch sử, trong Hiệp định Geneve, nó là một mốc giới…

Bức phù điêu tạc hình ảnh người mẹ dẫn con ra đứng ngóng trông những người chồng, người cha bên kia giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

Bức phù điêu tạc hình ảnh người mẹ dẫn con ra đứng ngóng trông những người chồng, người cha bên kia giới tuyến. Ảnh: Kiên Trung.

Người anh lớn khi đó tuổi 16, người anh thứ hai tuổi 14. Cô con gái Út, Phan Thị Hoa, tuổi 12. Chiều ngày hôm trước, người mẹ của ba đứa con, nữ du kích Vĩnh Linh - chị Khổng Thị Nậy, đã dặn dò kỹ lưỡng trước khi các con lên đường tìm cha. Chúng đã lớn, và người mẹ quyết định để chúng thử thách, rèn luyện…

Vượt sông. Ba đứa trẻ bước đi trong đêm, mượn trăng, sao làm đèn; mượn cả ánh đèn pha địch quét từ trên những tháp canh… để định hướng. Qua Cửa Việt, rồi lần tìm tới Cửa Tùng. Quãng đường gần 20km không quá dài, nhưng nó sẽ là một chặng thử thách của những đứa trẻ lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất bên kia bờ sông…

"Vì sao phải đi đêm, thưa bà?", tôi hỏi. Bà đáp: "Ban ngày, địch kiểm soát chặt tới mức con ruồi cũng không lọt; lại mưa bom, bão đạn không lường trước…".

Theo lời mẹ dặn, cứ nhắm ngọn Hải đăng Cửa Tùng tìm đến. Đó là nơi cha đang hoạt động du kích, làm nhiệm vụ canh gác ngọn đèn biển.

Nhưng khi đến nơi, chúng không gặp được cha. Bao nhiêu hy vọng, chờ đợi… biến thành niềm thất vọng. Ngay trong đêm, chúng lại lần theo đường cũ, trở về bên kia Vĩ tuyến.

Con đường trở về có lẽ thật dài. Sóng biển Cửa Tùng, Cửa Việt… đêm ấy có lẽ ồn ào, dữ dội gấp ngàn lần lúc chúng đi. Bao hy vọng, chờ đợi, ấp ủ được gặp ba…, nhưng không thành. Điều ước đó phải mất nhiều năm sau mới thành sự thực, nhưng là khi cả gia đình đã trải qua quá nhiều biến cố, mất mát.

Lúc người cha ra Bắc tập kết (năm 1954 theo Hiệp định Geneve), đứa trẻ lớn nhất mới 4 tuổi, đứa thứ hai 2 tuổi, và đứa thứ ba còn là hạt giống vừa nảy mầm…

2.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Phan Thị Hoa, bé gái 12 tuổi trong câu chuyện, mắt hoe đỏ. Ánh mắt bà bất chợt nhìn sang hướng khác, cái nhìn vô định. Nơi ánh mắt bà vừa chạm tới, có thể là một bức ảnh gia đình đang treo nghiêm cẩn trên bức tường cũ; hoặc cũng có thể là một ngọn cây ngoài vườn, gió đang vi vút đùa nghịch chòm lá khiến nắng chiều bỗng trở nên nhảy nhót… Tôi không biết.

Nhưng, đôi mắt ấy đang dội ngược về vời vợi quá khứ của 52 năm trước: một nữ du kích 18 tuổi cũng ngoảnh mặt quay đi không nhận cha bởi bao tủi hờn chất chứa về người cha mà bà chưa từng gặp mặt…

Cây cầu Hiền Lương chia cách hai bờ sông Bến Hải những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Kiên Trung.

Cây cầu Hiền Lương chia cách hai bờ sông Bến Hải những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 1950, anh du kích Vĩnh Linh Phan Đình Đồng kết duyên với thiếu nữ cùng làng xinh đẹp Khổng Thị Nậy. Lần lượt hai đứa trẻ ra đời: Phan Đình An (SN 1950); Phan Đình Trung (SN 1952). Đứa con thứ ba vợ anh vừa hoài thai thì anh được đơn vị phân công ra Bắc tập kết, phụ trách trạm gác đèn biển Cửa Tùng.

Những ngày xa nhà, hằng đêm bên ngọn đèn biển, anh dõi mắt trông về bên kia bờ, nơi người vợ trẻ và những đứa con thơ đang líu ríu chờ đợi. Rồi một ngày, như có linh tính mách bảo, anh bí mật vượt sông Bến Hải từ bờ Bắc sang bờ Nam thăm con, đúng đêm chị Nậy sinh con. Nhưng cuộc gặp cũng chỉ chóng vánh. Anh chỉ kịp hôn vợ, con rồi vội vã trở ra Bắc, tiếp tục làm nhiệm vụ.

Cái đêm rét cắt da, cắt ruột mà anh Đồng vượt sông về thăm con, có lẽ cũng dài như cái đêm 3 đứa trẻ vượt sông đi tìm cha rồi mang theo niềm thất vọng về bên kia bờ Nam, suốt cả mấy chục năm sau. Nhưng khi đó, chúng còn quá nhỏ để biết, cha của chúng cũng ngày đêm trông ngóng, chờ đợi; cũng đứt từng khúc ruột, đứng ngồi không yên khi nhìn những cột khói bom dội bên kia bờ Nam; cũng xé gan khi cuộc chiến mỗi ngày một leo thang, khốc liệt, không hẹn ngày về… Nơi ấy là vợ, là đàn con thơ ngây đang trông ngóng anh về.

Cây cầu chứng tích lịch sử - Hiền Lương. Ảnh: Kiên Trung.

Cây cầu chứng tích lịch sử - Hiền Lương. Ảnh: Kiên Trung.

Người mẹ ở trong vùng địch, một mình nuôi đàn con nhỏ, nhưng vẫn bí mật hoạt động cách mạng. Ban ngày, bà buôn bán đủ các thứ, từ mớ rau, con cá... để che mắt địch, thám thính thông tin. Tờ giấy ghi chép số liệu, bà cất dưới đáy gánh hàng. Mỗi ngày, mẹ lân la tới các đồn địch, đo khoảng cách bằng cách đếm từng bước chân; đánh dấu vị trí, số lượng quân địch, vũ khí, thiết bị… Rồi, ban tối, mẹ gom hết những thông tin đó chuyển lên cấp trên. Những thông tin mẹ cung cấp giúp bộ đội ta có cơ sở để tổ chức các trận đánh trả quân thù.

“Mẹ gan lắm. Địch biết mẹ là vợ của cán bộ tập kết ra Bắc nên chúng đã dè chừng, đưa vào danh sách đen. Rồi việc mẹ đi làm cách mạng, chúng cũng cho người bám miết. Liên tục trong các năm 1967, 1968, 1969…, năm nào mẹ cũng bị địch bắt, tra khảo, đánh đập bắt khai, nhưng mẹ gan cóc tía, chịu đòn chứ không chịu khai. Sang năm 1970, mẹ bị địch bắt lần nữa, rồi hy sinh” - bà Hoa nói về người mẹ liệt sỹ.

Sau mỗi lần bị bắt giữ, tra khảo, đánh đập…, người mẹ trở về nhà với thân hình tàn tạ, thương tích đầy người... Ba đứa trẻ, nhất là Hoa, đứa gái út gần gũi nhất với mẹ bởi sự nhạy cảm, đồng điệu… chỉ ao ước, nếu ba có nhà, mẹ chúng sẽ không bị người khác bắt nạt, đánh đập, tra tấn; những đứa trẻ có vòng tay cha chở che, bao bọc. Nhiều lần vặn hỏi, người mẹ đáp: cha con đang đi làm nhiệm vụ. Nhưng, nhiệm vụ gì, mẹ không bao dám nói, bởi đó cũng là giữ bí mật.

Năm 1970, mẹ Nậy hy sinh, khi đó bà là huyện ủy viên huyện Gio Linh, Bí thư xã Gio Hải. Hơn 30 năm sau, mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Di tích hệ thống loa phát thanh bên bờ Bắc sông Bến Hải, thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành ngày nay. Ảnh: Kiên Trung.

Di tích hệ thống loa phát thanh bên bờ Bắc sông Bến Hải, thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành ngày nay. Ảnh: Kiên Trung.

Theo bước chân của mẹ, hai người con trai - Phan Đình An, Phan Đình Trung tiếp tục lên đường cầm súng, cả hai anh sau đó cũng hy sinh. Năm 1972, con bé Hoa út ít giờ đã vụt thành thiếu nữ, tiếp tục đứng trong hàng ngũ du kích hoạt động trong lòng địch. Cả gia đình làm cách mạng. Cả gia đình vượt qua bao giông bão, cách chia, ngùn ngụt những uất hận, tủi hờn, và trông chờ, hy vọng.

Bước sang tuổi 70 nhưng nữ du kích Vĩnh Linh năm xưa vẫn còn rất đẹp, vẻ đẹp được hun đúc bởi nắng, gió Quảng Trị, vẻ đẹp trải qua bao mưa bom bão đạn, tôi luyện nên ý chí kiên cường. Giờ đây, lòng bà đã phẳng lặng như biển Cửa Tùng…

“Mẹ Nậy năm xưa có đẹp như bà không ạ?”, tôi hỏi bà Hoa khi ông Trần Huy Hồng, chồng bà đang ngồi cạnh, trong ngôi nhà nhỏ ba gian mà ông bà quyết định rời mảnh đất Do Hải để đến ở Cửa Tùng, vào năm 1996, để bà Hoa được gần gũi, chăm sóc cha.

“Mẹ đẹp hơn bà nhiều. Mẹ khéo léo, đảm đang…, đó là những phẩm chất để mẹ có thể qua mắt địch, hoạt động du kích trong lòng địch một thời gian rất dài, cho tới lúc hy sinh”.

3.

Câu chuyện gia đình của bà Hoa khiến tôi cứ ngỡ như đang đọc một “Chiếc lược ngà” bên bờ Bến Hải. Nhưng cô giao liên tên Thu cuối cũng đã hiểu khi nhận được kỷ vật của ba. Còn bà Hoa?

Trong giây lát, bà Hoa im lặng, không nói. Nhưng, đôi mắt của bà đã nói lên tất cả…

Năm 1972, Hoa được tổ chức giao nhiệm vụ sang bờ Bắc, xã Vĩnh Kim, để lấy quân, bổ sung cho đội du kích võ trang xã.

Vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa - Trần Huy Hồng. Bà Hoa là con của người chiến sỹ cộng sản xa vợ con làm nhiệm vụ bên bờ Bắc cầu Hiền Lương. Ảnh: Võ Dũng.

Vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa - Trần Huy Hồng. Bà Hoa là con của người chiến sỹ cộng sản xa vợ con làm nhiệm vụ bên bờ Bắc cầu Hiền Lương. Ảnh: Võ Dũng.

Người cha Phan Đình Đồng biết con gái mình đang có mặt ở bờ Bắc vội tới gặp con. Khi ông đến, 5 thiếu nữ cùng trạc tuổi, cùng nói tiếng Quảng Trị ra đón. Vậy mà, linh tính người cha mách bảo, ông nhận ra đúng con gái mình, đến ôm chầm lấy con.

“Hoa, ba đây con, ba của con đây…”. Nhưng cô không đáp trả. Trong giây lát, cô ngoảnh mặt đi. Những hờn giận, tủi hờn, những thất vọng đè nén, chất chồng trong gần 20 năm đằng đẵng từ nhỏ dội về…

Còn một nguyên do khác, mà khi đã đủ tin tưởng để sẻ chia, bà mới nói với tôi: “Cũng bởi khi đó, bà biết tin ba trong thời gian tập kết ngoài bờ Bắc đã có thêm một người con. Mẹ cũng biết, nhưng mẹ đã nhiều lần giải thích: “Ba rất yêu thương các con. Ba đi công tác, vì hoàn cảnh chiến tranh mà không chăm sóc các con được, các con hãy hiểu và chia sẻ với ba. Mẹ cũng hiểu và không giận ba… Cả đất nước phải hy sinh, gia đình ta cũng cần phải vậy!”.

Trước khi hy sinh, mẹ Nậy vẫn nhắc Hoa điều day dứt ấy. Nhưng, phải nhiều năm sau đó, khi lòng đã lắng lại, đứa con gái duy nhất còn lại của gia đình chia cách, kẻ Bắc người Nam, mới tha thứ cho cha mình.

Vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa. Ảnh: Kiên Trung.

Vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa. Ảnh: Kiên Trung.

Trong câu chuyện này, không ai có lỗi. Nguồn cơn của những đau đớn, giằng xé ấy, có thể, chỉ bởi chiến tranh…

…Khi nữ du kích Phan Thị Hoa ngoảnh mặt quay đi lúc cha cô gọi, người đàn ông tóc hoa râm vẫn kiên nhẫn giải thích: “Ba có lỗi với các con, không chăm sóc được các con. Vì chiến tranh, ba không về với mẹ con các con được. Hãy tha thứ cho ba. Bây giờ, ba gặp được con rồi, ba hứa sẽ bù đắp lại những khoảng trống đó…”.

Cuộc gặp gỡ của hai cha con bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, đã mở ra một kết thúc có hậu sau này…

4.

Cuối năm 1956, trong một chuyến thực tế sáng tác ở bờ Bắc sông Bến Hải, nhạc sỹ Hoàng Hiệp (tên thật là Lưu Trần Nghiệp) - khi đó mới 25 tuổi, đang học sáng tác ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) tình cờ gặp một người lính gác đèn biển Cửa Tùng. Người lính ấy có một nét rất riêng khiến nhạc sỹ trẻ phải để ý: anh lúc nào cũng trầm tư, đầy nỗi niềm, đôi mắt lúc nào cũng nhìn về bên kia giới tuyến…

Bên kia cầu Hiền Lương, bờ Nam sông Bến Hải... Ảnh: Kiên Trung.

Bên kia cầu Hiền Lương, bờ Nam sông Bến Hải... Ảnh: Kiên Trung.

Ám ảnh mãi đôi mắt sâu thẳm, vời vợi của người lính, một năm sau, Hoàng Hiệp quyết định trở lại, và hiểu chính xác nguồn cơn của đôi mắt u buồn, ưu tư ấy.

Người du kích gác ngọn đèn biển Phan Đình Đồng đã tâm sự cùng nhạc sỹ Hoàng Hiệp câu chuyện gia đình, những nỗi niềm xa cách…

Ngay trong đêm, "Câu hò bên bờ Hiền Lương" ra đời. Nó là câu chuyện xa cách, biệt ly vì chiến tranh của một gia đình nhỏ, chồng Bắc vợ Nam; là nỗi niềm của người lính gác đèn Phan Đình Đồng; nó thay anh gửi niềm tin theo sóng nước dòng sông Bến Hải những nỗi niềm với người vợ trẻ, chỉ cách một tầm tay mà vời vợi, nghìn trùng, vừa thiết tha nhắn nhủ: “Nhắn ai luôn giữ câu nguyện/Trong cơn bão tố vững bền lòng son”, vừa tự hứa với lòng: dù cho bến cách sông ngăn, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...; lúc trào sôi, uất nghẹn: “Xé mây cho sáng trăng vàng/Khai sông nối bến, cho nàng về anh…”.

Soi trong lời hát, có thể thấy được bóng hình của người nhạc sỹ: Ơi câu hò chiều nay/Tôi mang nặng tình ai/Nơi miền quê xa vắng/Anh có nghe thấu chăng lòng em…

Bài hát ấy, nó không còn là câu chuyện của riêng gia đình anh du kích Phan Đình Đồng. Nó là tâm sự chung của cả một giai đoạn lịch sử, hàng vạn cán bộ chiến sỹ tập kết ra Bắc, bị cách trở gia đình trong một thời gian dài dằng dặc. Nhưng, nó không ủy mị, triệt tiêu ý chí chiến đấu, mà trái lại, nó tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm, ý chí thành khát vọng “khai sông, nối bến”.

Cuộc sống bên sông Bến Hải...

Cuộc sống bên sông Bến Hải...

Cầu Hiền Lương ngày nay đang trở thành một phần của Di tích bên bờ sông Bến Hải, với tháp canh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bên kia giới tuyến... Ảnh: Kiên Trung.

Cầu Hiền Lương ngày nay đang trở thành một phần của Di tích bên bờ sông Bến Hải, với tháp canh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bên kia giới tuyến... Ảnh: Kiên Trung.

Tính tới thời điểm hiện tại, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” đã có tuổi đời gần 70 năm kể từ khi được sáng tác, nhưng chắc chắn nó sẽ mãi trường tồn. Gần 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, những địa danh, tên đất, tên người vẫn còn nguyên vẹn. Bài hát là tiếng lòng chung cho những con người có tên và không tên…

Sau ngày đất nước giải phóng, o du kích Phan Thị Hoa kết duyên cùng một du kích huyện Gio Linh, ông Trần Huy Hồng, có với nhau 4 người con, và hiện đang có 9 người cháu nội ngoại. Năm 1996, ông Hồng động viên vợ chuyển nhà về Cửa Tùng sinh sống khi hay tin cha vợ vẫn còn sống, và cũng là một cựu du kích. Vợ ông, bà Hoa cuối cũng có khoảng thời gian gần 20 năm gần gũi cha, bù đắp khoảng trống dài của thời gian xa cách.

“Có hai lần nhạc sỹ Hoàng Hiệp về thăm cha vợ tôi, và ông gọi tôi tới chào. Tôi cũng không nghĩ câu chuyện gia đình của vợ lại nhiều ký ức đến vậy. Nhưng, chỉ những người trong cuộc, chỉ những người đã đi qua cuộc chiến, mới thấu hiểu, mới nhìn cuộc sống một cách bình lặng, chuẩn mực hơn…” – ông Hồng tiếp lời vợ.

5.

Khi tìm đường tới thăm gia đình bà Phan Thị Hoa, người con gái út của vợ chồng anh du kích trong bài ca bất hủ, lòng tôi cũng đầy những nỗi niềm. Mảnh đất mưa bom, bão đạn một thời giờ đã hồi sinh. Mảnh đất ấy, chạm tới mỗi địa danh, mỗi một cái cây… cũng chạm tới một phần lịch sử. Điều tôi lo lắng, những gì tôi được biết về một nguyên mẫu của một ca khúc, đôi khi chỉ là một câu chuyện được thêu dựng lên, như nhiều những câu chuyện khác…

Tác giả trò chuyện cùng vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa năm xưa... Ảnh: Võ Dũng.

Tác giả trò chuyện cùng vợ chồng nữ du kích Phan Thị Hoa năm xưa... Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng khi gặp bà Hoa, nghe câu chuyện của gia đình bà, tôi đã vui mừng khôn xiết. Tôi hẹn với ông bà, mong chờ một ngày được gặp ông bà ngoài Hà Nội, được mang Hà Nội giới thiệu với ông bà, những góc phố, đường quen… của Thủ đô, những địa danh, cái tên gọi lên cũng ăm ắp lịch sử…

O du kích xinh đẹp năm xưa khẽ mỉm cười. Bà không còn ngoảnh mặt nhìn đi hướng khác. Chỉ điều ấy thôi, tôi đã hiểu, lòng bà giờ đã bình yên, sẽ không bao giờ gợn sóng một lần nào nữa.

“Cụ và nhạc sỹ Hoàng Hiệp, sau này có lẽ là một đôi tri kỷ, phải không bà?". Bà Hoa gật đầu thay lời xác nhận. Bà bảo, với bà, ca khúc ấy giúp hàn gắn vết thương lòng mà bà giấu kín. Bà hiểu hơn về người cha, hiểu hoàn cảnh của cha trong những năm tháng biền biệt xa cách vợ con… Và, người con trong bà đã tha thứ…

Người du kích năm xưa chiều chiều đứng bên bờ Hiền Lương nhìn về quê bằng đôi mắt đượm buồn, cụ Phan Đình Đồng đã mất vào năm 2014, ngay bên ngọn đèn biển mà mỗi ngày làm xong nhiệm vụ, ông ngóng nhìn về phương xa chờ đợi. Bên ngọn đèn ấy, giờ có người con gái của ông tới sinh sống để gần gũi bên cha...

Mỗi câu chuyện là một phần lịch sử, mỗi con người là một mảnh ghép trong dòng lịch sử, trên vùng đất lửa Quảng Trị.

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Khai trừ Đảng hiệu trưởng cắt xén khẩu phần ăn của học sinh

LÀO CAI Huyện ủy Bắc Hà thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Hà, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nữ sinh đoạt giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng 'Cùng em phòng chống thiên tai'

Giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng 'Cùng em phòng chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững' thuộc về em Đỗ Trà My lớp 7A, Trường THCS Tân Phú (tỉnh Phú Thọ).