| Hotline: 0983.970.780

Nhiều doanh nghiệp mì bên bờ vực phá sản

Thứ Hai 01/03/2021 , 16:17 (GMT+7)

Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu phá sản, nhiều chủ nợ cùng kéo đến đòi tiền. Hàng chục doanh nghiệp mì khác tại Tây Ninh cũng bên bờ vực, vì sao?

Áp lực nguồn cung và Covid-19

Niên vụ 2020 – 2021, tỉnh này thực hiện gieo trồng được 57.149 ha mì (sắn), tổng sản lượng khoai mì ước đạt gần 1,86 triệu tấn. Tỉnh này cũng hiện có 68 nhà máy mì (chiếm hơn phân nửa cả nước) với tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm, trong đó có 6 nhà máy chế biến sâu (sản xuất tinh bột biến tính và mạch nha). Do thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, đa phần các doanh nghiệp địa phương đều dựa vào nguồn mì tại Campuchia.

Tuy nhiên, vụ mì 2020 - 2021 tại Campuchia giảm về năng suất lẫn sản lượng bởi tác động của thiên tai, kéo theo việc thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới công tác xuất nhập khẩu bị đình trệ. Để cạnh tranh, không ít doanh nghiệp đã đẩy giá mì lên cao khiến ngành chế biến mì tại địa phương khó chồng khó.

Công tác xuất nhập khẩu gặp khó vì Covid-19. Ảnh: Trần Trung.

Công tác xuất nhập khẩu gặp khó vì Covid-19. Ảnh: Trần Trung.

Bà Trần Thị Tùng, chủ một doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì ở huyện Dương Minh Châu cho biết, lượng củ mì tươi nhập khẩu đã giảm 30% so với cùng kỳ. Dù giá củ mì tươi đang dao động trên 3.000 đồng/kg (tăng gần 50%) nhưng đơn vị vẫn không có nguyên liệu để mua về chế biến. Do thiếu hụt nguyên liệu, doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 20 - 30% công suất, trong khi đó, dù sản lượng làm ra ít nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiêu thụ do xuất nhập khẩu bị đóng băng.

Đây cũng là tình hình chung của các nhà máy mì ở Tây Ninh. Không chỉ thiếu hụt nguồn mì tươi, việc thu mua mì lát phơi khô từ Campuchia cũng gặp khó khăn không kém. Các thương lái cho biết, nguồn mì lát này được cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Nhiều thời điểm, giá mì lát phơi khô mua tại cửa khẩu lên tới hơn 6.000 đồng/kg nhưng không có để mua.

Các doanh nghiệp ngành mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phải hoạt động cầm chừng vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: Trần Trung.

Các doanh nghiệp ngành mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phải hoạt động cầm chừng vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mì tại Tây Ninh cho biết, tinh bột khoai mì được sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, việc xuất khẩu tinh bột bị đứng lại, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ không được nhiều nên hàng hóa còn tồn đọng ở doanh nghiệp khá lớn. Doanh nghiệp đang trông chờ tình hình dịch bệnh chuyển biến khả quan để việc xuất khẩu tinh bột được nối lại. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. “Dù biết việc hoạt động không mang lại lợi nhuận và đang gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố cầm cự để tạo việc làm cho lao động đã có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp mì tại địa phương chia sẻ.

Phá sản và bên bờ vực…

Hậu quả của việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu buộc các doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào giá cao, sau đó lại không thể xuất khẩu được đã khiến không ít doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

Đơn cử, Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu là một trong những đơn vị có thâm niên trong ngành sản xuất và chế biến tinh bột mì của tỉnh Tây Ninh đã phá sản vì những áp lực trên.

Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu phải đóng cửa vì phá sản. Ảnh: Trần Trung.

Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu phải đóng cửa vì phá sản. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, những ngày qua, trước cổng Công ty có khá đông người tụ tập bức xúc lớn tiếng đòi gặp người có trách nhiệm của doanh nghiệp để yêu cầu thanh toán tiền mua khoai mì của họ. Thậm chí một số chủ nợ còn điều động xe công nông chắn trước lối đi của Công ty để gây áp lực lấy nợ.

Trước sự việc trên, để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, UBND thị trấn Dương Minh Châu đã kết hợp cùng các đoàn thể địa phương, khu phố đến vận động người dân không nên tụ tập đông người; đồng thời giải thích, hướng dẫn người dân làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. 

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian trước, hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành mì tương đối dễ dàng, đem lại lợi nhuận cao nên các nhà máy không ngừng chạy đua để tăng công suất chế biến các sản phẩm mì trong khi nguồn nguyên liệu tại tỉnh chỉ đáp ứng ¼ so với nhu cầu sản xuất. Chính quyền cũng đã cảnh báo vấn đề này. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các công ty, doanh nghiệp phớt lờ cảnh báo. Hiện ngoài Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu, địa phương ghi nhận hàng chục doanh nghiệp gặp hoàn cảnh tương tự vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xe công nông của các chủ nợ đậu trước cửa Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu để gây áp lực. Ảnh: Trần Trung.

Xe công nông của các chủ nợ đậu trước cửa Công ty TNHH tinh bột mì Dương Minh Châu để gây áp lực. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông  Xuân, sự việc trên không có gì bất ngờ, bởi lẽ, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nào thiếu vốn, yếu công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên liệu thì phải chấp nhận thất bại, doanh nghiệp nào vượt qua khó khăn sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Ông Xuân cho biết thêm, đa phần các chủ nợ đều là những thương lái thu mua mì bán cho nhà máy và các cá nhân, tổ chức trong ngành khoai mì chứ không ảnh hưởng đến người nông dân. Tuy nhiên, trước thực trạng trên, ông Xuân cảnh báo, không chỉ riêng ngành mì mà bất cứ mặt hàng nông sản nào, khi mua bán, trao đổi, người dân cần phải có hợp đồng mua bán rõ ràng. “Đặc biệt, phải có chứng thư thế chấp đảm bảo thu hồi được nợ như các ngân hàng thực hiện. Bà con cần tránh các hoạt động mua bán theo kiểu gối đầu (thu tiền đợt sau trả cho đợt trước) để “tránh tiền mất tật mang”, Ông Xuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nói cho công bằng, nhờ lực lượng hùng hậu các nhà máy chế biến mì đã đem lại ngoại tệ cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay công tác xuất nhập khẩu nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn vì Covid-19. Đối với nguồn nguyên liệu mì, trước áp lực về cung không đủ cầu, địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, sản lượng mì như mở rộng diện tích, khống chế dịch bệnh trên cây mì. Tuy nhiên, nhìn chung năng suất, sản lượng vẫn chưa theo kịp nhu cầu sản xuất, chế biến...

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.