Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất Cáo trạng truy tố bị can Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Cảnh sát, ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an và 90 bị can trong đường dây đánh bạc trực tuyến dưới dạng game bài về các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Rửa tiền” và “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Mua bán trái phép hóa đơn”...
Đáng chú ý, cơ quan điều tra, tố tụng xác định, nhiều nôi jdung Nguyễn Văn Dương khai chi tiền cho công an là có thật.
Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (ảnh mờ) bị cáo buộc bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng do Nguyễn Văn Dương (bìa phải) và Phan Sào Nam cầm đầu. (Ảnh: Dân trí) |
Cơ quan tố tụng xác định, đường dây đánh bạc do Phan Sào Nam (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) là hai người cầm đầu.
Kết quả điều tra, Nguyễn Văn Dương khai nhận: Để vận hành được game cờ bạc, Dương đã sử dụng một phần tiền lợi nhuận của công ty và một phần lớn tiền thu được từ việc tổ chức đánh bạc để biếu các cá nhân, đơn vị.
Cụ thể, biếu Cục C50 số tiền 850 triệu đồng, gồm 700 triệu tiền hỗ trợ Tết và 100 triệu cho Phòng 6/C50 đi nghỉ mát, 50 triệu cho Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ Cục C50, một bộ phần mềm diệt vi rút trị giá 30.000 USD...
Quá trình điều tra, CQĐT xác định nội dung lời khai này của Dương là có thực. Việc Công ty CNC biếu quà Tết là có sự gợi ý của cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa. Số tiền trên đã được đơn vị này chi hỗ trợ tiền tết cho cán bộ, chiến sỹ. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận trách nhiệm và tự nguyện đề nghị gia đình nộp lại số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Bên cạnh các cá nhân ở trên, Nguyễn Văn Dương khai từng hỗ trợ cho Câu lạc bộ bóng bàn của Tổng cục Cảnh sát 100 triệu đồng; chuyển 1 tỉ cho Bộ Tư lệnh Hải quân để đóng xuồng CQ tặng đơn vị này trên danh nghĩa của Tổng cục Cảnh sát. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã chứng minh và làm rõ nội dung lời khai về khoản cho này của Dương là có thực...
Đối với các cá nhân, Nguyễn Văn Dương khai rõ, dịp Tết năm 2016 đã cho ông Lê Hồng Sơn (khi đó là Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội) số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên ông Sơn phủ nhận việc này, do đó chưa đủ cơ sở kết luận. Sở dĩ Dương cho tiền ông Sơn vì ông Sơn là một trong số những lãnh đạo Phòng PC50 phê duyệt đề xuất dừng xác minh hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến RikVip với lý do ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên và chính trị của lực lượng.
Cũng theo kết luận điều tra, Nguyễn Văn Dương đã khai đưa cho cá nhân ông Hóa 22 tỷ đồng, cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỉ đồng và hơn 1,75 triệu USD. Trong đó, ở giai đoạn vận hành game bài RikVip.com thì cho 2 tỉ đồng/tháng, với thời gian 12 tháng; giai đoạn vận hành game bài Tib.Club cho 200.000 USD/tháng với thời gian 8 tháng; tiền tết 150.000 USD; một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD... Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Văn Dương nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, trong đó có những chai rượu ngoại trị giá 100 triệu đồng. Mỗi lần đi nước ngoài về, Dương cũng đều mua áo tặng cho ông Vĩnh, giá mỗi chiếc từ 100 USD trở lên; nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của Phan Văn Vĩnh và chi phí với số tiền trên 10 tỉ đồng...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả ông Hóa và ông Vĩnh đều không thừa nhận nên CQĐT chưa đủ căn cứ chứng minh nên đã tách ra khi nào đủ căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ nêu rõ, sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ cao có tích hợp game bài Rikvip/Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen, đường dây cờ bạc của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã xây dựng được một hệ thống 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Theo đó, lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến.
Tổng số tiền mà đường dây cờ bạc này thu lời bất chính qua hoạt động nạp tiền, thẻ cào là hơn 9.853 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng lợi là 1.232 tỷ đồng (Viettel hưởng lợi hơn 913,6 tỷ đồng; Vinaphone hưởng lợi gần 148 tỷ đồng; Mobifone là 171,2 tỷ đồng).
"Số tiền mà các nhà mạng thu lời không chính đáng, đã được chính minh là nguồn gốc do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông nên cần áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách Nhà nước”, cáo trạng ghi.
Theo đó, cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ xác định, tổng số tiền phải truy thu của 3 nhà mạng là 372,3 tỷ đồng (sau khi đã giảm trừ tiền các khoản thuế đã nộp như: thuế GTGT; thuế thu nhập doanh nghiệp; chiết khấu thẻ cào và tiền đã nộp ngân sách trước đó). Trong đó, số tiền phải tịch thu của nhà mạng Viettel là 274,2 tỷ đồng; Vinaphone là 60,1 tỷ đồng; Mobifone là hơn 38 tỷ đồng.
Tương tự như ba nhà mạng nêu trên, Viện KSND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu tịch thu các khoản hưởng lợi bất chính từ hoạt động cờ bạc dưới hình thức game bài Rikvip/Tip.club của các công ty trung gian thanh toán, 33 ngân hàng, Công ty Ngân lượng…
“Các công ty phát hành thẻ game hưởng lợi từ hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc bằng game bài với tổng số tiền hơn 14,6 tỷ đồng, trong đó Công ty VTC online hưởng lợi 14,4 tỷ đồng; VNG hưởng lợi 163 triệu đồng… Ngân hàng Vietcombank hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến với số tiền 140 triệu đồng; 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM hưởng lợi 965 triệu đồng; Công ty Napas hưởng lợi hơn 1,5 tỷ đồng...” – cáo trạng nêu rõ.
Quá trình điều tra, Công ty Homedrect đã tự nguyện nộp hơn 8,9 tỷ đồng; Công ty VNPT EPAY đã nộp số tiền hơn 53,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả; công ty Ngân lượng đã nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính là hơn 481 triệu đồng.
Đối với cán bộ của Bộ TTTT có sai phạm cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 5/9, đề cập tới vụ án đánh bạc liên quan tới 2 tướng công an, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, không thể nói vụ án đánh bạc xảy ra tại Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an mà chỉ xảy ra tại một đơn vị là Công ty CNC. "Nếu liên quan cái này chỉ có trách nhiệm cá nhân của 2 người là Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hoá (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) trực tiếp tham gia vụ này với Nguyễn Văn Dương. Còn với cán bộ chiến sĩ bên dưới thì gần như không biết", ông Vương nói. |