| Hotline: 0983.970.780

Nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại

Thứ Ba 30/03/2021 , 08:25 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đang tăng trưởng ấn tượng, nhưng ẩn chứa trong đó không ít rủi ro về gian lận thương mại ở nhiều sản phẩm chủ lực.

Ghế ngồi nhập khẩu phần lớn đến từ Trung Quốc. Ảnh: TL.

Ghế ngồi nhập khẩu phần lớn đến từ Trung Quốc. Ảnh: TL.

Trong Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021” do nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Tổ chức Forest Trends, thực hiện, ngoài mặt hàng gỗ dán đang bị Chính phủ Mỹ điều tra, còn có các mặt hàng đang ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại là: ghế ngồi, tủ bếp, bộ phận tủ bếp và ghế sofa.

Theo nhóm tác giả báo cáo trên, rủi ro trong gian lận thương mại xuất hiện khi lượng và kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này vào Việt Nam tăng.

Chẳng hạn, năm 2020, xuất khẩu ghế ngồi của Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu ghế ngồi cũng tăng nhanh với mức tăng 28% và đạt 163 triệu USD. Ghế ngồi nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc với giá trị 139,25 triệu USD.

Tương tự, xuất khẩu đồ gỗ trong năm 2020 đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 22%, thì nhập khẩu đạt trên 146,56 triệu USD, tăng tới 97%. Có tới 90% giá trị bộ phận đồ gỗ được nhập từ thị trường Trung Quốc.

Tỷ trọng của ghế ngồi nhập khẩu trong tổng các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Việt Nam, từ mức 5% vào năm 2019 lên 6,4% trong năm 2020. Tỷ trọng của đồ gỗ nhập khẩu tăng từ 4,9% vào năm 2019 lên 7,4% năm 2020

Với những số liệu nói trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, chúng chỉ ra các tín hiệu về rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với nhóm mặt hàng ghế ngồi và bộ phận đồ gỗ được nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc. Những tín hiệu rủi ro này mặc dù được các Hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ Việt chỉ ra rất sớm bên cạnh hàng loạt các giải pháp của các cơ quan chức năng. Nhưng số liệu gia tăng liên tục ở mức tăng trưởng cao của nhóm hàng rủi ro này cho thấy thách thức chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam vẫn chưa vượt qua được những trở ngại từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… liên quan đến các biện pháp hoặc hành động có khả năng áp đặt lên hàng hóa gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam như thuế chống lẩn tránh thuế, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp…

Theo nhóm nghiên cứu, rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là rất hiện hữu. Rủi ro này hiện đang đem lại những tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu, dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các chuỗi cung phức tạp. Đây là những yếu tố tạo khó khăn rất lớn cho các cơ quan quản lý kiểm soát hiệu quả.

Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp hợp tác với các đối tác cần  theo sát tình hình và đưa ra các biện pháp khả thi, nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ ngay từ địa điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho đến các cơ quan chức năng địa phương trong suốt chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ của ngành gỗ.

Gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đang bị áp thuế cao do chiến tranh thương mại, nhưng Trung Quốc lại đang là thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất cho Việt Nam. Điều này ẩn chứa nhiều rủi do về gian lận thương mại khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ.

Năm 2020, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đạt 846,07 triệu USD, tăng 28% so với năm 2019, chiếm 33% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các mặt hàng Việt Nam nhập nhiều từ thị trường này gồm: Gỗ dán, đạt 203,96 triệu USD, chiếm 24% tổng giá trị nhập khẩu; veneer/ván lạng chiếm 20%, đạt 169,72 triệu USD; đồ gỗ chiếm 19% tổng giá trị nhập, đạt 158,26 triệu USD; ghế ngồi chiếm 16,5%, đạt 139,25 triệu USD.

Xem thêm
Bám sát tín hiệu thị trường, mở đường cho cây ăn quả

Mặt hàng trái cây của Việt Nam được nhiều thị trường đón nhận, tuy nhiên, để xuất khẩu thuận lợi các đơn vị phải đảm bảo về chất lượng, tuân thủ quy định kiểm dịch.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ và giống đặc sản nâng tầm chất lượng cam tươi FVF

Cam tươi FVF có nguồn gốc từ giống cam đặc sản trứ danh Xã Đoài với quy trình chăm sóc tỉ mỉ và ứng dụng những công nghệ canh tác tiên tiến nhất hiện nay.