Kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với tổ chức FOREST TRENDS vừa tổ chức hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam”.
Tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc, đại diện nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends đã cập nhật tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong những năm qua và xác định rủi ro về vùng địa lý, các loài nhập khẩu đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu là gỗ nhiệt đới, làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả nghị định VNTLAS (Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp) và Hiệp định VPA FLEGT (Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp) trong tương lai.
Theo ông Phúc, hầu hết gỗ nhiệt đới nhập khẩu vào Việt Nam là gỗ tròn và gỗ xẻ, chủ yếu đến từ khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Phi (quan trọng nhất là Papua New Guinea), một phần từ Lào và Campuchia.
Lượng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ nguồn gỗ nhiệt đới cho Việt Nam hàng năm khoảng 1,5 triệu m3, tương đương 30% trong tổng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nguồn.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia Châu Phi, Lào, Campuchia và Papua New Guinea rơi vào vùng địa lý rủi ro vì chưa đáp ứng được các tiêu chí về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp phép FLEGT đang vận hành, chưa có ký kết các hiệp định song phương với Việt Nam, cũng như chưa có hệ thống quy phạm pháp luật về thực thi CITES được xếp loại 1 (hiện chỉ có 8/22 quốc gia Châu Phi có hệ thống văn bản quy phạm này).
Chưa có khung pháp lý quốc gia bắt buộc về trách nhiệm giải trình đối với gỗ hợp pháp và chỉ có 3/22 Châu Phi có điểm xếp hạng của chỉ số WGI (chỉ số quản trị toàn cầu) về hiệu quả chính phủ ở trên 0.
Ông Phúc cũng đưa ra đánh giá về việc Việt Nam thực thi VPA FLEGT và Nghị định VNTLAS. Theo đó, Nghị định VNTLAS sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/10/2020 quy định về các biện pháp và cơ chế kiểm soát rủi ro đối với gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhập khẩu từ các vùng rủi ro.
Một tín hiệu tích cực đối với việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian qua, đó là nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Lào và Campuchia đang có xu hướng giảm mạnh về lượng.
Mặc dù vậy, ông Tô Xuân Phúc cũng nhấn mạnh việc xây dựng và kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loài rủi ro có vai trò hết quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ Việt Nam, thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.
Quản chặt doanh nghiệp “núp bóng” gian lận thương mại
Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung đã và đang tạo cơ hội cho việc mở rộng thị trường tại Mỹ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhằm thay thế một phần các mặt hàng từ Trung Quốc bị chính phủ Mỹ áp các mức thuế mới.
Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng tạo ra những rủi ro mới cho Việt Nam, bao gồm rủi ro về gian lận xuất xứ, rủi ro này xảy ra khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó được xuất khẩu vào Mỹ.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 3,23 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng trưởng rất cao là đồ nội thất phòng bếp tăng 156%, đồ nội thất bằng gỗ khác tăng 25%, và bộ phận đồ gỗ tăng 34%.
Có 2 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh trong thời gian qua là ghế sofa và tủ bếp.
Thống kê trong 7 tháng 2020 có 388 doanh nghiệp xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp vào Mỹ đạt 235,9 triệu USD, chiếm 74% trong tổng kim ngạch xuất mặt hàng này cùng kỳ cho tất cả các thị trường.
Tuy nhiên theo Forest Trends hai mặt hàng này đang ẩn chứa các tín hiệu về rủi ro thương mại, đặc biệt trong khâu xuất xứ. Điều này xảy ra khi các doanh nghiệp Trung Quốc di chuyển hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam. Thay vì đầu tư vào các hoạt động sản xuất, sử dụng nguồn cung nguyên liệu tại Việt Nam, các doanh nghiệp này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa hoàn thiện hoặc bộ phận của hàng hóa vào Việt Nam.
Các hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là lắp ráp và hoàn thiện, các sản phẩm này sau đó lấy nhãn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Điều này giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các mức thuế cao của chính phủ Mỹ áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh: Kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại là vấn đề sống còn của ngành gỗ nói riêng và tất cả các ngành kinh tế nói chung. Bởi thực tế cho thấy Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam để kiểm tra tình trạng “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam để gian lận thương mại.
Ông cũng cho rằng các cơ quan chức năng có liên quan nên sớm có các chính sách đặc thù trong việc cập nhật thông tin về tất cả các luồng cung gỗ nhiệt đới nhập khẩu, về loài, vùng địa lý và những yêu cầu khi nhập khẩu cho các doanh nghiệp và xác định các doanh nghiệp “núp bóng” trốn tránh gian lận xuất xứ.
Ngành gỗ Việt Nam cần phải đẩy mạnh truyền thông, xây dựng nếp sống tiêu dùng đồ gỗ trong người dân trong nước theo hướng khuyến khích thay thế sử dụng gỗ nhiệt đới nhập khẩu bằng gỗ rừng trồng, không sử dụng nguyên liệu từ vùng nguyên liệu rủi ro...