Số vụ vi phạm vẫn nhiều
Tại buổi Tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức ngày 10/5 tại TP.HCM, Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, cho biết, trong 5 năm qua, Trung tâm đã ghi nhận 9.239 vụ vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam, bao gồm gần 25.000 các vi phạm đơn lẻ, từ các vi phạm ít nghiêm trọng như nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cưng hoặc quảng cáo các sản phẩm làm từ ngà voi trên Internet, đến các vụ bắt giữ với số lượng lớn sừng tê giác, vảy tê tê, hổ và các loài động vật hoang dã hoặc sản phẩm của chúng có giá trị cao khác.
Thời gian vừa qua, ENV đã tiến hành khảo sát để đánh giá tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã tại 16.556 cơ sở kinh doanh (gồm nhà hàng, quán bar, chợ và cửa hàng thú cảnh) tại 10 đô thị lớn trên cả nước. Kết quả cho thấy 12% trong tổng số các cơ sở được khảo sát có vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Việc mua bán và quảng cáo động vật hoang dã trên không gian mạng cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây khiến công tác xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Chỉ riêng năm 2020, ENV đã ghi nhận thêm 1.759 vụ việc mới trên Internet, trong đó bao gồm 5.642 vi phạm liên quan đến động vật sống, các bộ phận hoặc sản phẩm của động vật hoang dã.
Hơn nữa, kể từ năm 2015 đến nay, gần 100 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đã bị bắt giữ tại các cảng và sân bay lớn trên cả nước. Con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, phản ánh một tỷ lệ rất nhỏ khối lượng động vật hoang dã được nhập lậu vào Việt Nam trong giai đoạn này. Bởi trong cùng thời gian này, 76 tấn ngà voi và vảy tê tê cũng đã bị tịch thu trong các vụ bắt giữ ở nước ngoài có điểm đến là Việt Nam.
Điều đáng nói là nhiều mạng lưới tội phạm siêu lợi nhuận xuyên quốc gia và những kẻ cầm đầu đứng đằng sau các hoạt động buôn bán trái phép vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù đó là buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, xương sư tử nhập lậu từ châu Phi, hay thậm chí mai rùa biển của các nước xa xôi như Bắc Mỹ hoặc tê tê còn sống, rùa cạn và rùa nước ngọt từ các quốc gia lân cận đến bất kỳ loài động vật hoang dã nào khác có nguồn gốc trong nước hoặc từ nước ngoài cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam và Trung Quốc.
Nhiều "ông trùm" vẫn đang "lọt lưới"
3 năm sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, ENV đã nhận thấy những tín hiệu tích cực trong việc xử lý các vụ án về động vật hoang dã. Các cơ quan thực thi pháp luật đang cho thấy lập trường cứng rắn hơn khi xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Không những vậy, hầu hết các cơ quan tòa án cũng đã tiếp cận theo hướng nghiêm khắc hơn thể hiện ở việc ban hành các bản án hình sự với mức phạt tù giam cao hơn cho những đối tượng bị truy tố về các hành vi nghiêm trọng nhằm góp phần ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã.
Cụ thể, số vụ án được đưa ra xét xử đang có xu hướng tăng (92 vụ năm 2019, 116 vụ năm 2020 và 142 vụ năm 2021), trong đó, số vụ áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo) chiếm xấp xỉ 50%. Trong 3 năm qua, đã có tổng cộng 263 đối tượng bị phạt tù, với mức hình phạt trung bình (theo số năm) từ 3,8-4,5 năm tù.
Tuy nhiên, ENV cho rằng những nỗ lực nỗ lực xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép quy mô lớn vẫn chưa đủ. Bằng chứng là trong giai đoạn 2014-2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện 29 vụ vận chuyển ngà voi và vảy tê tê tại các cảng biển (tổng khối lượng là 76 tấn ngà voi và vảy tê tê). Tuy nhiên, chỉ 3 vụ việc có đối tượng bị bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự thành công.
Chính vì vậy, ENV cho rằng. cơ quan thực thi pháp luật cần ưu tiên triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán động vật hoang dã lớn bằng cách nỗ lực điều tra, truy tố và xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu các đường dây này. Cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã chỉ có những thay đổi thực sự khi các mạng lưới tội phạm bị triệt tiêu và những kẻ cầm đầu bị bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự và nhận án tù cho hành vi tội phạm của chúng.
Việc bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng cầm đầu các đường dây đứng sau những lô hàng động vật hoang dã lớn là rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm đối với quốc gia và quốc tế của Việt Nam trong việc xóa bỏ vai trò đáng kể của nước ta trong hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, có một thực tế cũng rất đáng báo động là nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, lại đang trở thành vỏ bọc hợp pháp cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Theo bà Hà, nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đang cho nhập lậu động vật hoang dã vào trại nuôi rồi tiến hành hợp pháp hóa động vật hoang dã bằng cách khai báo sinh sản, mua khống giấy tờ từ cơ sở có đăng ký khác, sau đó bán động vật hoang dã ra ngoài thị trường.
Bởi thế, theo ENV, cần xây dựng các quy định rõ ràng để quản lý hiệu quả các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Đây sẽ là căn cứ để giải quyết những vấn đề lớn đang tồn tại trong công tác quản lý các cơ sở hiện nay như tình trạng nhập lậu động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp, hay việc thiếu sự giám sát hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật và thiếu các biện pháp xử lý chủ cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn và cơ sở khoa học rõ ràng về các loài có khả năng gây nuôi vì mục đích thương mại để đảm bảo việc gây nuôi những loài này không tác động tiêu cực đến sự tồn tại của các quần thể loài trong tự nhiên.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV
Việc xử nghiêm các vụ án buôn bán động vật hoang dã trái phép có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã. Chẳng hạn, sau khi Hoàng Tuấn Hải (Nha Trang) bị kết án 4 năm 6 tháng tù (tháng 6/2018) cho hành vi buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển, ENV đã tiến hành khảo sát ở 71 cảng cá từ Thừa Thiên - Huế tới Cà Mau. Kết quả cho thấy, việc khai thác rùa biển có chủ ý đã giảm 50% so với trước đó.