| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức với rừng FSC xứ Tuyên

Thứ Tư 21/08/2024 , 05:40 (GMT+7)

Chi phí làm thủ tục cao, giá nguyên liệu bán ra thấp… là những rào cản trong việc phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ở Tuyên Quang.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 48.700ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 48.700ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế (FSC) và tiêu chuẩn quốc gia (VFCS/PEFC) ở Tuyên Quang là hơn 48.700ha. Trong đó, diện tích do tổ chức quản lý là hơn 16.400ha và diện tích do các nhóm hộ quản lý là trên 32.300ha.

Cùng với những thuận lợi và ý nghĩa tích cực của việc cấp chứng chỉ rừng FSC mang lại thì cũng có những khó khăn và thách thức nhất định như hiện nay, hiểu biết của một số chủ rừng là hộ gia đình còn hạn chế, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình chưa cao dẫn tới khó khăn trong việc liên kết thành nhóm hộ để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Khi khai thác rừng trồng sản xuất phải thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt tại phương án quản lý rừng bền vững, nhưng trong thực tế việc tiêu thụ lâm sản phụ thuộc nhiều vào thị trường (khi giá gỗ rừng trồng giảm người dân không đồng tình khai thác, khi giá gỗ tăng cao thì không phù hợp kế hoạch khai thác rừng) nên việc khai thác rừng trồng sản xuất của các chủ rừng thường không đúng theo kế hoạch xây dựng tại phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, quá trình lập hồ sơ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số nhiều, khắt khe và cần thực hiện đầy đủ. Do đó việc tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững mất nhiều thời gian và chi phí.

Việc đánh giá cấp, duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững cần chi phí lớn (khoảng 1 triệu đồng/ha) nhưng hiện nay, nhà nước mới hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình tối đa không quá 300.000 đồng/ha nên cần phải có sự hỗ trợ cả về kinh phí và kỹ thuật của các doanh nghiệp, hợp tác để triển khai, thực hiện.

Năm 2018, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, hợp tác xã nông lâm nghiệp Tiến Huy, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn tiên phong triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn, HTX và người dân xã Tiến Bộ đã học được rất nhiều, từ kỹ thuật trồng, bảo vệ đất, cây rừng…

Ông Nịnh Văn Lìn, trưởng nhóm FSC xã Tiến Bộ cho biết, năm 2020 - 2021, nhiều diện tích rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC đến tuổi khai thác, tuy nhiên thị trường xuất khẩu gỗ bị đứt gẫy, các doanh nghiệp chế biến gỗ không khai thác, hợp tác xã phải bán cho các xưởng chế biến nhỏ lẻ với giá gỗ thông thường.

Nhiều chủ rừng là hộ gia đình sau khi mua cây giống rừng không lấy hoặc không lưu giữ hồ sơ chứng minh nguồn gốc giống. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều chủ rừng là hộ gia đình sau khi mua cây giống rừng không lấy hoặc không lưu giữ hồ sơ chứng minh nguồn gốc giống. Ảnh: Đào Thanh.

Do chi phí để một cánh rừng được cấp chứng chỉ FSC khá cao, thế nhưng khi thị trường tiêu thụ gặp khó khiến chủ rừng thu về lãi suất thấp hơn so với mô hình trồng rừng thông thường. Đối với HTX nông lâm nghiệp Tiến Huy, sau mỗi chu kỳ trồng rừng FSC, HTX phải gánh lỗ khoảng 600 triệu đồng dù được hỗ trợ một phần từ nhà nước. Chính vì thua lỗ nên việc tái đầu tư để đánh giá và xin cấp chứng nhận lại tiêu chuẩn FSC cho diện tích rừng phải gác lại.

Một khó khăn nữa mà người trồng rừng theo tiêu chuẩn FCS ở Tuyên Quang gặp phải đó là tại điểm b khoản 7 Điều 5 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Nguồn giống trồng rừng (hạt giống, trái giống hoặc cây giống) phải có xuất xứ từ cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về nguồn giống theo quy định”. Thế nhưng theo quy định này là rất khó thực hiện do nhiều chủ rừng là hộ gia đình sau khi mua cây giống trồng rừng không lấy hoặc không lưu giữ hồ sơ chứng minh nguồn gốc giống.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 19 chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp, trong đó 3 Ban quản lý rừng đặc dụng, 2 Ban quản lý là rừng phòng hộ, 14 chủ rừng quản lý rừng sản xuất. Đến nay, đã có 13 chủ rừng là tổ chức xây dựng phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo kế hoạch, trước năm 2025 toàn bộ chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.