Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000ha, 10.000ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Lê Duy Mơ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những hộ dân tiên phong trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Khi tham gia trồng rừng bền vững, ông Mơ cùng các hộ dân được hỗ trợ con giống, tham gia các lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ đạt kết quả cao và nhận hỗ trợ của nhà nước và Hợp tác xã với tổng số tiền khoảng 600 nghìn đồng/ha. Nhiều hộ dân tại xã Thạch Sơn nhờ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC mang lại hiệu quả rõ rệt, cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Phỏng vấn ông Lê Duy Mơ: "Hiện nay, do biến đổi khí hậu, việc trồng rừng giúp chống xói mòn, giúp môi trường mát mẻ hơn. Đối với kinh tế, trồng rừng gỗ lớn từ 5-6 năm đảm bảo thu nhập 130-140 triệu/ chu kỳ trồng rừng".
Để thực hiện có hiệu quả mô hình theo tiêu chuẩn FSC, Hợp tác xã Quản lý rừng bền vững Thạch Thành, đã mời chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp tham gia khảo sát diện tích rừng, tuyên truyền các giải pháp hạn chế tổn hại môi trường, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của Việt nam và tổ chức FSC Quốc tế.
Năm 2022, Hợp tác quản lý rừng bền vững Thạch Thành được cấp chứng chỉ rừng FSC diện tích hơn 3,2 nghìn ha với 1.575 hộ thành viên tham gia, tại 11 xã của huyện Thạch Thành. Sản lượng gỗ “sạch” hằng năm của Hợp tác xã đạt khoảng 60.000 m3.
Phỏng vấn ông Phạm Thành Đồng - Giám đốc Hợp tác xã trồng rừng bền vững Thạch Thành: “Trong thời gian tới, hợp tác xã quản lý rừng bền vững sẽ liên kết với các cơ sở giống cây trồng, cung cấp keo lai mô để thí điểm trồng tại xã Thạch Sơn để trồng thí điểm trên lô rừng đang đứng ở đây”.
Giai đoạn 2016-2024, tỉnh Thanh Hóa có 7 nhóm hộ và 1 Ban quản lý rừng phòng hộ đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với tổng diện tích 28.492 ha với 4.670 hộ tham gia, trong đó rừng trồng luồng, vầu là 8.654 ha, rừng trồng gỗ là 11.494 ha... Nhờ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Phỏng vấn Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng sử dụng, phát triển rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa: “Thời gian qua, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng FSC mang lại hiệu quả rõ nét. Người dân đã từng bước sử dụng giống chất lượng cao, thâm canh, liên kết chế biến sâu nhằm hội nhập sâu vào thị trường quốc tế”.
Hiện Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đang triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, nuôi cấy mô để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC với mức 300 nghìn đồng/ha cho khu vực 300 ha trở lên. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ tập trung đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ, hàng hóa, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha, có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10.000 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.