Năm 2018, một phụ nữ ở Chợ Lách (Bến Tre) muốn lên thành phố sống gần con, tìm một ngôi nhà nhỏ, lúc đó giá nhà đất ở các quận thì không dám rớ, nhà đất ở Gò Vấp, ở quận 12 cũng cao, cuối cùng phải chọn xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn để cư ngụ.
Thật ra, chọn Tân Xuân vì theo lời giới thiệu của người quen, chứ khu vực này thành phố không ra thành phố, còn nói nông thôn thì hiếm đất canh tác, địa phương cũng có nhưng chị không kiếm được đất để trồng trọt như ở quê.
Tân Xuân gần thị trấn Hóc Môn nên các đường sá ít có nhà phố buôn bán. Các trục đường sầm uất và nhiều hộ kinh doanh nhất là Nguyễn Ảnh Thủ, Quang Trung, lại thuộc về xã Trung Chánh, đường Lý Thường Kiệt, đường Bà Triệu thuộc thị trấn Hóc Môn. Tân Xuân có nhiều đất nghĩa trang, nhà ở cấp 4 của dân cư, đất nông nghiệp cũng nhiều nhưng giá cao vì xứ này là vùng trồng hoa như lan, mai và rau an toàn cho người dân thu nhập cao.
Diện tích đất trồng rau của Tân Xuân hơn 5 ha , nhưng nhờ chuyên canh và tưới rau bằng máy, lượng rau được cung ứng được cho các siêu thị, cửa hàng tự chọn, nhà hàng với doanh thu hàng năm hơn 12 tỷ đồng. Một tiệm phở ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng có treo bích chương quảng cáo là dùng rau sạch của Tân Xuân.
Tại ấp Chánh 1, bên cạnh trường PTCS Tô Ký có một vườn lan Mai Huỳnh, đất khoảng 0,4 ha trồng toàn lan. Mỗi nhánh lan cắt bán 4.000 đồng cho người tiêu dùng và những cửa hàng hoa tươi ở thành phố, chậu lan từ 100 đồng đến triệu đồng tùy theo loại, các cửa hàng hoa mua về vô chậu sứ đẹp, ghép thêm cây nâng giá trị lên.
Đứng ở vườn lan nhìn đám rẫy bên cạnh, họ trồng vài loại rau ăn lá, như cải và khổ qua. Thị trường tiêu thụ rau củ là các chợ nhỏ trong các xã lân cận, rau vùng này sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch, giá cao vì rau thường trồng đại trà ở Tiền Giang, Long An có nhiều ở chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn chỉ cách đấy 2,5 km.
Ông Lê Minh Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết, các con đường lầy lội trong 5 ấp của xã đều được tráng nhựa và bê tông nên việc đi lại ngày nay dễ dàng.
Từ giữa năm 2020, các con đường Lê Thị Hà, đường Tô Ký được mở rộng, các nhà thuộc địa bàn Tân Xuân đã mở ra nhiều cửa hàng ăn uống, nhà sách tạo bộ mặt mới cho xã Tân Xuân, nâng giá bất động sản trên các đường này lên cao. Đường Lê Thị Hà có nhà hàng tiệc cưới, quán cà phê ngắm cá koi, quán mì vịt tiềm… Nếu như trước đây, dân nội thành đi Hóc Môn đến khu cánh đồng hoang ở xã Thới Tam Thôn để ăn món đặc sản thì nay đi Tân Xuân các món ăn dân dã đều có ở các quán trên đường Song Hành.
Hóc Môn nổi tiếng về vịt heo quay, các sạp này đều thuộc về khu bến xe ngựa cũ trên quốc lộ 22 thuộc xã Tân Xuân. Đây là khu vịt quay lâu đời cung cấp cho khách hàng ở Củ Chi, Tây Ninh, Long An, và người từ các tỉnh phía tây đi thành phố khi về ngang đây lựa con vịt ngon cùng với bánh mì Sài Gòn nổi tiếng từ lâu.
Hôm tết, con đường Song Hành, song song với quốc lộ 22 đã trở thành chợ hoa xuân. Cây kiểng ở Cái Mơn, Long An, Thủ Đức đều được chuyển về đây góp phần cùng chợ hoa Tao Đàn, chợ hoa Công viên Gia Định, cung cấp cho bà con vùng Hóc Môn, quận 12.
Nếu không phải người địa phương, khó ai phân biệt được ranh giới xã Tân Xuân và thị trấn Hóc Môn, đường Lê Thị Hà mấy năm trước nhỏ, giờ rộng hai bên đường trở thành khu phố. Tương tự, đường Tô Ký dài có khúc thuộc Thới Tam Thôn, khúc thuộc Xân Xuân, khúc thuộc xã Trung Chánh, nhưng khúc nào cũng như đường phố nội thành. Đôi lúc, nhiều người bảo không chỉ là nông thôn mới mà là “da thành thị, ruột thôn quê.”