Kỷ niệm chuyên mục “Mỗi người một vẻ”
Còn nhớ khoảng cuối năm 1997, khi đó tôi đang là cộng tác viên đắc lực của một số cơ quan đài, báo ở tỉnh Quảng Bình. Trong một lần tham gia hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp do UBND huyện Lệ Thủy tổ chức, bất ngờ chị Nguyễn Thị Tính, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Địa chính huyện lại gần tôi cười và hỏi:
Lệ Thủy là huyện trọng điểm lúa, lại là mảnh đất có phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc khá mạnh của tỉnh Quảng Bình, sao rất ít thấy một bài báo, bản tin nào của trung ương, nhất là tờ báo ngành nói về những điển hình bà con nông dân quê mình? Nói xong, chị đưa tôi mấy tờ báo Nông nghiệp Việt Nam để tôi tham khảo.
Cùng cảm nhận và chia sẻ với những trăn trở của chị Nguyễn Thị Tính, tôi bắt đầu lọ mọ viết bài cho Báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên của mình được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam là bài “Làm giàu từ gò đồi ”.
Bài báo kể về ông Hoàng Văn Gòn, một thương binh hạng 3, một Đảng viên, Cựu chiến binh ở thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình ) đã biết vượt qua hoàn cảnh gia đình, trở thành người đầu tiên của xã này xung phong ký kết với dự án 327, rồi cùng vợ con lên dựng nhà ở khu đất gần chân đồi An Mã (vùng đất phía tây của huyện Lệ Thủy ) để lập vườn ươm cây giống, trồng rừng và làm mô hình V - A – C kết hợp để vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.
Sau khi bài viết được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, vườn ươm của ông Gòn đã được rất nhiều người tìm đến mua cây giống và tham quan, học hỏi. Nhờ vậy mà vườn ươm của ông ngày càng mở rộng và ăn nên, làm ra, còn người trồng rừng dân quanh vùng cũng khỏi phải đi đâu xa để mua cây giống như thời gian trước đó.
Tiếp đó, qua sự giới thiệu từ đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp – Địa chính huyện, tôi lại về thôn Ngô Xá, xã Sơn Thủy để tìm hiểu và viết bài “Làm giàu từ đồng đất quê hương” kể về tấm gương anh nông dân Ngô Văn Nhân đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu 10 ha ruộng 5% của xã, đồng thời khai hoang thêm 5 ha ruộng sình lầy, hoang hóa ven phá Hạc Hải rồi đầu tư máy bơm nước, máy cày, máy tuốt lúa để thực hiện mô hình lúa – cá.
Gặp anh Nhân, tôi mới biết, anh chính là người đầu tiên ở huyện Lệ Thủy dám vay vốn ngân hàng để thực hiện mô hình lúa – cá nhờ đọc và tìm hiểu từ Báo Nông nghiệp Việt Nam!
Thật bất ngờ, khoảng nửa tháng sau khi báo đăng bài viết về mô hình kinh tế của anh Nhân, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã điện hỏi đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện và UBND xã Sơn Thủy đề nghị xác minh lại tính chính xác của bài báo để Hội khen thưởng và nhân rộng mô hình.
Tất nhiên là báo viết đúng sự thật và Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình đã gửi thư khen, kèm quà tặng cho gia đình anh Ngô Văn Nhân. Điều mà tôi rất vui là từ đó, mô hình lúa – cá đã được nông dân trong huyện Lệ Thủy biết đến, học tập và lan tỏa…
Đạp xe 20 cây số gửi bài cộng tác
Còn nhớ, thời bấy giờ, việc gửi tin, bài cộng tác cho các đài, báo không phải đơn giản chỉ cần vài cái “nhấp chuột” như bây giờ. Do “tay ngang” làm báo nên tôi không có máy chụp hình, không có máy tính và cũng chẳng biết tới email là gì.
Mỗi lần viết bài cộng tác cho Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi phải viết ra giấy, lại nhấp nhỗm đạp xe đi gần 20 cây số mang xuống Bưu điện huyện để gửi. Thế rồi các bài viết ấy cũng được đăng, được đọc, được anh em, bạn bè chúc mừng... Thấy vui đáo để!
Và rồi từ đó, tôi bắt đầu tham gia viết tin, bài cộng tác cho Báo Nông nghiệp Việt Nam, số lượng cứ tăng dần lên theo năm tháng và không chỉ ở Chuyên mục “Mỗi người một vẻ” như trước kia Báo Nông nghiệp Việt Nam từng có, mà còn ở các Chuyên mục khác sau này như “Chuyện làng, chuyện xã”, “Ý kiến bạn đọc”… Để rồi từ đó, bỗng nhiên tôi trở thành cộng tác viên của BáoNông nghiệp Việt Nam khi nào không hay!
Đầu năm 2003, do đặc thù công tác, tôi ngừng hẳn công việc viết tin, bài cho Báo. Cho đến năm 2016, tôi lại tiếp tục làm cộng tác viên thân thiết của quý Báo.
Và cũng chừng ấy thơi gian, tôi như cảm nhận được từng nhịp đập, hơi thở của tờ báo, tình cảm chân thành, sự thân thiện, cởi mở của các anh, các chị trong Tòa soạn.
Những câu, những chữ được chỉnh sửa, biên tập; những lời góp ý, động viên của các anh, các chị làm cho tôi cảm thấy tự tin hơn khi cầm bút. Vì vậy tay bút của tôi cũng dần được nâng lên, nhiều bài tôi gửi đến được các anh, chị biên tập, sử dụng nhiều hơn.
Ngoài việc tham gia viết tin, bài phản ánh các hoạt động Khuyến nông – Khuyến lâm – Khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới… gửi đến cộng tác cho Báo, tôi còn là một độc giả trung thành của Báo.
Mỗi ngày, đã thành thói quen, dù sáng sớm hay chiều muộn, tôi vẫn thường bật máy tính hoặc điện thoại di động để vào Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử điểm qua một lượt, thường xuyên đón đọc những tờ báo biếu của Báo Nông nghiệp Việt Nam gửi vào.
Khi có điều kiện, tôi vẫn mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng để tờ báo mình yêu quý chất lượng ngày càng tốt hơn. Tôi luôn đặt niềm tin ở Báo Nông nghiệp Việt Nam, hi vọng Báo sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hơn nữa, có thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục, phản ánh toàn diện, đầy đủ, chính xác, kịp thời mọi hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp – Nông dân và Nông thôn, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, diễn đàn xã hội vì sự phát triển nông nghiệp và nâng cao dân trí nông thôn nước ta.
Trong những ngày này, kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tôi cũng cảm thấy một chút tự hào, vinh dự bởi trong sự trưởng thành, phát triển của Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong niềm tin yêu của mọi thế hệ độc giả đối với tờ báo, có một phần đóng góp nhỏ bé của tôi. Bởi một niềm vui giản dị và chân thành: Tôi là cộng tác viên của Báo!