| Hotline: 0983.970.780

Nhộn nhịp xuống giống vụ lúa - tôm

Thứ Tư 06/11/2024 , 08:20 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Đến nay, nông dân huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã xuống giống hơn 7.800ha lúa, đạt 106,5% kế hoạch đề ra.

Tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua, không khí xuống giống vụ lúa - tôm diễn ra rất nhộn nhịp. Bà con nông dân đang tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi để sản xuất vụ mùa mới với hi vọng mang lại lợi nhuận cao hơn.

Tại xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên), ông Châu Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện bà con đã gieo cấy được hơn 1.250ha, tăng 4ha so với năm trước. Đa số bà con đều sử dụng giống lúa cấp xác nhận và lúa đặc sản, chuẩn bị rất chu đáo từ khâu làm đất đến quy tình chăm sóc cây lúa.

Anh Tô Văn Hòa ở ấp Hiệp Hòa (xã Gia Hòa 2) cho biết đang xuống giống 5 công lúa giống Đài Thơm 8 trên nền đất nuôi tôm. Anh chia sẻ, mô hình trồng lúa này giảm chi phí đáng kể nhờ chất thải từ nuôi tôm nên việc sử dụng phân bón rất nhẹ, từ đó giúp nâng cao lợi nhuận trong sản xuất.

Đoàn công tác của huyện Mỹ Xuyên đi vận động nông dân tham gia mô hình lúa - tôm. Ảnh: Như Băng.

Đoàn công tác của huyện Mỹ Xuyên đi vận động nông dân tham gia mô hình lúa - tôm. Ảnh: Như Băng.

Tại ấp Hòa Phủ (xã Hòa Tú 2), ông Nguyễn Văn Bá và các thành viên trong tổ hợp tác đã hoàn thành xuống giống 3,8ha lúa.

Ông Bá cho biết, nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ và được hỗ trợ 50% giống cùng phân bón từ các chương trình khuyến nông, lúa phát triển tốt sau hơn 20 ngày gieo sạ.

Mô hình lúa - tôm không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần cải thiện môi trường. Bởi theo nhiều nghiên cứu, mô hình này giúp cải thiện chất lượng đất và bảo vệ nguồn nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ mùa sau.

Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên khẳng định, đây là mô hình rất hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Chúng tôi đã thành lập 2 đoàn để hỗ trợ các xã trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình lúa – tôm”, ông Hùng nói.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mô hình lúa - tôm trở thành hướng đi thông minh cho nông dân. Đặc biệt, việc giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.