Nuôi tôm càng xanh trên đất lúa thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Mục tiêu 1 triệu ha rừng gỗ lớn của Việt Nam. Bắc Kạn đầu tư hơn 200 tỷ đồng phát triển cây dược liệu quý. Năng suất chè búp tươi của Hà Tĩnh ước tăng 15%.
Nuôi tôm càng xanh trên đất lúa thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm
Hồ Thảo sản xuất
Những năm qua, nhiều nông dân đã chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại Cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, để tăng thu nhập. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí phân bón và thuốc hóa học mà còn tăng năng suất lúa hữu cơ, đạt khoảng 5,5 tấn mỗi hecta. Đặc biệt, nông dân cũng chuyển đổi nuôi tôm từ 1 giai đoạn sang 2 giai đoạn giúp giảm tỷ lệ hao hụt con giống xuống dưới 20%.
Chủ tịch UBND xã Long Hòa, ông Nguyễn Thanh Cần, cho biết mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa là hướng phát triển bền vững, trung bình cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Trong vụ nuôi tôm càng xanh 2023-2024, toàn xã đã có 1.076 hộ tham gia, kết hợp với sản xuất lúa trên diện tích 350ha. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn triển khai mô hình nuôi tôm VietGAP, nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm sạch, tôm hữu cơ.
Mục tiêu 1 triệu ha rừng gỗ lớn của Việt Nam
Minh Phúc khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 – 2030”. Đáng chú ý nhất là mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha, Kế hoạch cũng vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000ha rừng mới là Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Cùng với việc nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 22 m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất cũng tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần trên đơn vị diện tích so với năm 2020.
Bắc Kạn đầu tư hơn 200 tỷ đồng phát triển cây dược liệu quý
Ngọc Tú sx
Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện dự án hỗ trợ phát triển trồng cây dược liệu quý tại huyện Ba Bể với quy mô 225ha, gồm các hạng mục: Khu vực Nhà máy và sản xuất chế biến dược liệu quy mô 5ha, khu vực trồng dược liệu quý diện tích 150ha tại 8 xã của huyện Ba Bể. Tổng mức đầu tư của dự án là 229 tỷ đồng từ vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp và người dân, thời gian thực hiện từ 2024 đến năm 2025.
Mục tiêu của dự án sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, phát triển 18 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Hình thành được ít nhất 10 HTX sản xuất và sơ chế dược liệu, liên kết và hỗ trợ ít nhất 1.000 người tham gia vào chuỗi sản xuất của dự án.
Năng suất chè búp tước của Hà Tĩnh ước tăng 15%
Thanh Nga sx
Thời điểm này, những đồi chè kinh doanh tập trung tại các huyện Kỳ Anh, Hương Khê và Hương Sơn bước vào kỳ thu hoạch lứa chè xuân đầu tiên. Để đảm bảo chất lượng chè búp tươi đồng đều, các địa phương đang vận động người dân thu hái đồng loạt. Theo dự kiến, đợt thu hái lần này sẽ kéo dài trong gần 1 tháng, năng suất chè trung bình đạt khoảng 120kg/sào, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 1.200 ha chè kinh doanh tập trung, tăng 52ha so với năm 2022; sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt hơn 14 ngàn tấn. Với thời tiết thuận lợi hiện nay và việc chăm sóc bài bản, dự kiến sản lượng chè năm 2024 sẽ tăng từ 10 – 15% so với năm 2023.