| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối rác thải đô thị

Thứ Bảy 14/07/2018 , 08:30 (GMT+7)

Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện nay trên địa bàn TP chất thải rắn sinh hoạt bình quân mỗi ngày có 8.900 tấn.

Số rác này được xử lý 4 nơi: Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc với 3 đơn vị gồm Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Công ty môi trường đô thị TP xử lý khoảng 2.500 tấn, với cảnh tỉnh nghe rất ngao ngán: "Không đợi đến phản ánh từ báo chí, mà ngành tài nguyên môi trường có hệ thống quan trắc kết nối với trung tâm dự báo. Được biết năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa nên sẽ có mùi hôi".

Ngược lại, tại chương trình tọa đàm “Ngập nước tại TPHCM - Nguyên nhân và giải pháp” do HĐND TPHCM chủ trì, thì anh Ngô Chí Hùng - công nhân Cty TNHH thoát nước TPHCM lại chia sẻ “cống thoát nước là nơi chứa rác”.

Điều ấy có nghĩa là rác thải vẫn được xử lý tuỳ tiện và tắc trách. Thậm chí, mạnh ai nấy tranh thủ vứt rác thải từ nhà mình ra ngoài đường, dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng xấu hổ!

Anh công nhân Ngô Chí Hùng đã làm việc dưới miệng cống nhiều năm. Hình ảnh anh Ngô Chí Hùng với bộ trang phục công nhân xuất hiện giữa những diện mạo sang trọng của cán bộ các ngành liên quan, cực kỳ tương phản. Đó là hai thế giới, mà phía bên nọ không dễ hiểu phía bên kia. Vì vậy, nhiều người đã giật mình khi anh Ngô Chí Hùng cho biết một sự thật bẽ bàng: trong cống thoát nước toàn là rác thải. Anh Ngô Chí Hùng khẳng định bản thân không ít lần bị bỏng rộp da bởi những hóa chất của những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống cống.

11-51-54_ngo_chi_hung_-_tn_ti
Công nhân Ngô Chí Hùng và MC Tấn Tài

Công nhân thoát nước như anh Ngô Chí Hùng không phải một nghề mới mẻ. Từ lâu, công việc xử lý các miệng cống và các ống cống đã mặc nhiên dành cho những thân phận lấm lem. Người ta thờ ơ và lạnh lùng gọi đó là “nghề móc cống”. Không mấy người hiểu được những nhọc nhằn lẫn những hy sinh của những người công nhân phải chui vào cống như anh Ngô Chí Hùng.

Trước đây, tại Hà Nội, có một công nhân cũng lam lũ như anh Ngô Chí Hùng nhưng có tâm hồn thi sĩ, đó là Chu Hoạch. Nhờ những câu thơ của Chu Hoạch, mà không gian chật chội của những người công nhân dưới cống được phác hoạ rõ ràng hơn: “Đưa em ra bến xong anh vòng về quán nước/ Ở đấy, với năm xu, anh được thở dài/ Mà ngắm những đốm hè nồng nực/ Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay/ Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động/ Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm/ Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng/ Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm...”.

Trong chuỗi ngày nhọc nhằn đó, Chu Hoạch chỉ nhói lên một mơ ước bình dị: “Con biết mẹ hằng thích nhìn thấy con luôn sạch sẽ/ Tiếc thay, con chỉ có điều kiện để sạch sẽ lúc chớm già/ Điều kiện ấy là có nơi nào, có người nào đợi con về với đôi gàu nước trong mát mẻ/ Đôi gàu nước đủ vỗ về và có thể làm tươi trẻ thịt da...”.

Bây giờ, anh công nhân Ngô Chí Hùng tiếp tục công việc tương tự như nhà thơ Chu Hoạch trải qua năm nào. Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn là khi các phương tiện truyền thông ra rả về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà rác thải trong cống vẫn là nỗi ám ảnh của những công nhân thoát nước.

Khu xử lý xác thải được đầu tư hoành tráng nhất TPHCM là bãi rác Đa Phước được thiết kế chôn lấp 24 triệu tấn rác, công suất hiện nay là 13 triệu tấn. Vài năm gần đây, người dân sống quanh khu vực bãi rác Đa Phước phải kêu trời vì mùi hôi thối. Thế nhưng, lượng rác thải được quy tập và xử lý vẫn chưa thể ngăn chặn hành vi xả rác vào những miệng cống thoát nước.

Nghị định số 155 qui định rất rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chẳng hạn hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị phạt tiền 5-7 triệu đồng.  Đáng tiếc, UBND quận huyện, phường xã dù có chức năng kiểm tra, xử phạt đã không thể nào quán xuyến hết, nên tính răn đe vẫn thấp và ý thức tự giác của người dân càng thấp hơn.

Mặt khác, cần lưu ý việc xả rác thải vào cống thoát nước cũng do quy trình thu gom rác chưa thật khoa học. Phần lớn việc thu gom rác hiện nay vẫn giao cho lực lượng lấy rác dân lập đảm trách, mà lực lượng này hoạt động theo tính chất tự phát, cá nhân, hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước, đôi khi không hợp tác với chính quyền địa phương về thời gian thu gom rác, mức thu phí... khiến tình trạng thu gom rác không đồng đều, dẫn đến rác tồn đọng khắp nới và… chui vào miệng cống thoát nước.

nh-1-1-pkfk155522642
Vớt rác từ miệng cống

Trở lại với tâm sự của anh công nhân thoát nước Ngô Chí Hùng khiến lãnh đạo TPHCM phải nghẹn ngào nói lời xin lỗi. MC Tấn Tài, người đã trực tiếp dẫn chương trình “Ngập nước tại TPHCM - Nguyên nhân và giải pháp” bày tỏ cảm xúc: “Sau chương trình, anh Hùng kể nhiều lắm. Những đêm trời mưa lớn, mình trốn trong chăn âm nệm êm, khi đó những công nhân vệ sinh như anh Hùng đang gấp rút dọn rác trên các miệng cống để lưu thông dòng chảy. Tôi đọc nhiều dòng than phiền, lên án về năng lực giảm ngập của thành phố. Nhưng, chúng ta có biết rằng, nguyên nhân có phần xuất phát sự kém ý thức của không ít người dân. Viễn cảnh giảm ngập sẽ còn rất xa nếu ý thức đó còn tồn tại. Xin hãy một lần lắng nghe, để hiểu và để thay đổi chính mình…”. Nỗi day dứt ấy, cũng là tâm tư của hầu hết những cư dân đô thị hôm nay!

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.