| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/10/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 01/10/2018

Những cái chết treo lơ lửng trên đầu người dân Thủ đô

Vụ tai nạn tại đường Lê Văn Lương cách đây vài ngày đã khiến không ít người giật mình, vì hàng ngày, người ta vẫn đi lại dưới những cái chết đang treo lơ lửng trên cao, có thể giáng xuống, lấy đi sinh mệnh con người bất cứ lúc nào.

Việc một thanh sắt từ trên tầng 16 của một công trình đang xây dựng trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) rơi xuống đường khiến chị Dương Thị Hằng, 31 tuổi, quê ở Bắc Ninh, đang đi trên đường, chết tại chỗ, và anh Nguyễn Văn Cường bị thương, vào ngày 28/9, đã khiến dư luận ở thủ đô rúng động suốt mấy ngày qua.

Thanh sắt dài khoảng 4m nằm sát vỉa hè

Công trình này do Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công gây tai nạn trên là Công ty cổ phần thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP.

Vụ tai nạn đã được cơ quan Công an quận Thanh Xuân khởi tố để điều tra. Vụ tai nạn đã khiến không ít người giật mình, vì hàng ngày, người ta vẫn đi lại dưới những cái chết đang treo lơ lửng trên cao, có thể giáng xuống, lấy đi sinh mệnh con người bất cứ lúc nào. Và sự thật, thì hàng năm, không ít người dân thủ đô đã phải chết một cách tức tưởi do bất ngờ bị những cái chết từ trên cao giáng xuống.

Hà Nội đang phát triển với tốc độ phi mã. Những công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Mỗi ngày có hàng trăm công trình đang được gấp rút hoàn thành, và hàng chục công trình được khởi công, đa số là những công trình từ vài ba chục tầng trở lên. Không gian xây dựng chật hẹp, nhưng việc bảo vệ an toàn cho công nhân lao động và người tham gia giao thông dưới lòng đường lại không được chú ý đúng mức.

Không hiếm những cần cẩu tháp cao năm, sáu chục mét đang vươn cả ra ngoài đường trong các tòa nhà, rồi cột sắt lan can của nhiều tòa nhà cao tầng cũng đua nhau nhô ra ngoài, và những công trình đang thi công nằm sát đường nhưng không được che chắn bằng lưới, khiến cho những viên gạch, những cục bê tống và những tấm kính...Có thể dáng xuống đầu người đi đường bất kể lúc nào. Những dàn giáo cao hai, ba chục tầng cũng đua nhau dựng sát bên đường... Nhưng nhiều khu vực nguy hiểm như vậy đã không hề được cảnh báo, khiến người đi đường cứ vô tư đi qua.

Việc bảo vệ an toàn, vệ sinh cho người thi công và người tham gia giao thông trên đường đã được quy định rất rõ trong bộ luật lao động, và cả trong bộ luật hình sự nữa. Những chủ đầu tư, những nhà thầu không phải không biết, thậm chí họ còn biết rõ hơn ai hết. Nhưng vì sao tai nạn vẫn xảy ra? Không thể có câu trả lời nào khác, ngoài việc coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của con người. Vì một chút lợi nhỏ, họ sẵn sàng bỏ qua việc trang bị cho người lao động và đầu tư nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường. "Tham bát, bỏ mâm”, đến khi hậu quả xảy ra, thì thiệt hại thậm chí còn gấp nhiều lần những món lợi mà họ thu được do bỏ qua việc trang bị cho an toàn lao động. Hơn thế nữa, còn dính vòng lao lý, sự nghiệp cả đời thành mây khói chỉ trong một vài tích tắc.

Không gì có thể sánh được với tính mạng con người. Chính vì vậy mà an toàn, an toàn là vấn đề luôn luôn phải được quan tâm đầu tiên.