| Hotline: 0983.970.780

Những cái nhất của ngành năm 2018

Thứ Hai 31/12/2018 , 06:05 (GMT+7)

Hoàn thành đạt và vượt 5 mục tiêu đề ra; đặc biệt, tăng trưởng GDP của ngành (9 tháng đầu năm) cao nhất từ năm 2012 trở lại đây; kim ngạch XK ước đạt cao nhất từ trước đến nay với trên 40,5 tỉ USD…

Có thể nói, 2018 là năm mà toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua hàng loạt những khó khăn thách thức để tiếp tục gặt hái những thành công lớn, giữ đà tăng trưởng vững chắc.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng áp dụng nhiều tiến bộ khoa học mới

Năm 2018, nông nghiệp là ngành tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn. Tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp; nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực trên thị trường quốc tế ghi nhận đã tụt giảm về giá, cạnh tranh ngày càng gay gắt; các thị trường XK nông sản lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe; cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung phần nào đó cũng có tác động gián tiếp tới hoạt động thương mại nông sản toàn cầu, trong đó có Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Bộ NN-PTNT đã chủ động xây dựng các phương án tăng trưởng ngành cho từng quý và cả năm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo định hướng tái cơ cấu toàn ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng thời đã xác định cụ thể các giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực và phân giao nhiệm vụ cho các đơn vị để tập trung thực hiện.

Nhờ đó, theo Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2018, toàn ngành đã đạt và vượt 5/5 mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như tăng trưởng ngành, kim ngạch XK, xây dựng NTM và thu hút DN đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 3,65%, cao nhất từ năm 2012 trở lại đây (mục tiêu Chính phủ giao cả năm là 2,8 - 3,0%). Theo tính toán, quý IV hàng năm sẽ là giai đoạn “nước rút” của nhiều ngành hàng nông sản, vì vậy, GDP của toàn ngành nông nghiệp dự báo sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cũng theo Bộ NN-PTNT, giá trị sản phẩm toàn ngành năm 2018 dự kiến tăng khoảng 3,8% (mục tiêu đề ra tăng 3,25%), cao nhất so với 3 năm trở lại đây (năm 2016 tăng 1,44%, năm 2017 tăng 3,16%). Kim ngạch XK nông lâm thủy sản năm 2018 dự kiến đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (mục tiêu Chính phủ giao là 36 - 37 tỷ USD).

Không chỉ tăng trưởng cao, khu vực nông lâm thủy sản đã từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78% (trong 9 tháng đầu năm), là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. 9 tháng đầu năm, lâm nghiệp và thủy sản cũng duy trì được kết quả khá tốt với mức tăng trưởng lần lượt đạt gần 6% và 6,37%, trong đó thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua…

Cơ cấu SX tiếp tục được điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ SX quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ sang chủ yếu là dựa vào KH-CN và đổi mới phương thức tổ chức SX, quản lý; chuyển từ SX không chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng mà theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: Thủy sản (nhất là tôm nước lợ, cá tra); rau, hoa, quả nhiệt đới; một số loại cây công nghiệp giá trị cao; đồ gỗ và lâm đặc sản. Đồng thời, giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu.

Năm 2018, mặc dù thiên tai không khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm diễn ra bất thường, đặc biệt là mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều nơi trên cả nước như miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ; lũ lớn và kéo dài tại ĐBSL... Tuy nhiên với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm cao theo phương châm 4 tại chỗ, đây cũng là năm nước ta hạn chế được thiệt hại thấp nhất trong 3 năm qua.

Cụ thể: Thiệt hại về người giảm 43% so với năm 2017; thiệt hại vật chất bằng 33% so với năm 2017. ĐBSCL xảy ra lũ lớn, kéo dài nhưng không có thiệt hại về người. Không xảy ra thiệt hại về người, tàu thuyền lớn trên biển do bão... Với vai trò là cơ quan thường trực, có thể nói năm 2018 là năm mà ngành NN-PTNT đã nỗ lực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống thiên tai.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất