Thỉnh thoảng nằm mơ về cái thời ấy, tỉnh dậy vẫn thấy bổi hổi bồi hồi, mồ hôi túa ra khắp các chân tóc. Không ít lần ngồi xuống mâm cơm, tôi lại nhớ những lần chờ mẹ mang gạo từ chợ về mấy chục năm trước. Có hôm mẹ vừa bước vào ngõ đã la toáng lên: Hôm nay “đuổi chợ”, chẳng đong được lẻ gạo nào đâu. Vì sao mẹ phải la to từ ngoài ngõ? Vì mẹ không muốn thấy niềm hân hoan tắt vụt trên nét mặt những đứa con gầy nhom, lúc nào cũng chỉ thèm một bữa cơm no.
Ảnh: Nguyễn Gia Minh |
Kể lại như vậy cũng là để mừng cho người nông dân bây giờ. Cơ trời vận đất đã thay đổi. Thóc gạo một thời được ví với vàng, với ngọc trắng, thì nay ê hề, là thứ gần như rẻ rúng nhất trong số những nông sản người nông dân làm ra. Khổ thì còn, nhưng đói thì rất hãn hữu. Đó là sự thật.
Nhưng ở đời, chẳng thứ gì chỉ được không. Để có một nông thôn từ đời sống, nếp sinh hoạt, đến kiến thiết nhà cửa… gần giống như phố ngày nay, biết bao thứ quý giá đã phải mất đi, coi như vật đánh đổi. Thứ nhìn thấy rõ nhất, thứ đang tác oai tác quái bằng vẻ mặt của sự hờn giận, thậm chí thù hận, chính là nạn ô nhiễm môi trường. Người nào nói muốn hít thở không khí trong lành, muốn ăn những thứ thực phẩm sạch, muốn thưởng thức sự yên tĩnh… thì về làng quê, là người đó chả hiểu gì về làng quê bây giờ, thiếu vốn sống trầm trọng, hoặc quan liêu ở cấp thảm họa!
Tôi có thể nói luôn: Không ở đâu mức độ ô nhiễm gia tăng với tốc độ khủng khiếp, ở cấp nguy hiểm, có khả năng tàn phá sinh thái lâu dài như ở hầu hết các vùng nông thôn hiện nay. Đồ phế thải nhựa, phế thải công nghiệp gồm cả những loại cực độc như a-xít, chì; rồi thì xác súc vật chết, đồ thải loại trong chăn nuôi… tràn ngập mọi làng quê từng yên bình trong nghèo đói một thời. Càng những làng giàu có do làm nghề, sự nhiễm độc nguồn nước, nguồn không khí càng ghê gớm. Ở thành phố, việc thu gom rác luôn là một yêu cầu bắt buộc. Còn ở quê, chẳng ai chịu trách nhiệm về việc cả núi rác thải cứ ngang nhiên mọc lên ở bất cứ đâu, lấn sâu vào không gian sinh sống đang bị thu hẹp hàng ngày. Nói gọn lại một câu rồi thôi: Rác thải sẽ nuốt sống nông thôn. Thảm họa này đang hiện hữu, chứ chẳng còn là dự báo nữa.
Nhưng tôi chưa có ý định viết về thảm kịch môi trường ở làng quê, đang thực sự là nỗi sợ hãi của những người biết thương xót và lo lắng cho tương lai. Tôi cần có thêm thời gian và sự bình tĩnh. Những gì tôi vừa nêu chỉ là do quá bức xúc, không kiềm chế được mà phải nói ra. Bởi nó chính là thủ phạm cướp đi của tôi những chiếc gương làng.
Tôi đang nói đến những vật đẹp nhất của mỗi làng, xét cả về phong thủy lẫn cảnh quan thẩm mỹ: Đó là những cái ao. Tôi gọi chúng là những chiếc gương của làng, vì nó phản chiếu, theo nghĩa bóng, gương mặt làng quê mỗi ngày, mỗi thời và còn cả theo nghĩa nó dùng thay cho cái gương để soi! Bạn ngạc nhiên lắm sao? Bạn đang sống ở thời mọi thứ đều ê hề, chỉ cần ra ngõ là có thể mua được, bạn ngạc nhiên là phải. Thiếu gì gương để soi, mà phải dùng đến mặt nước của những chiếc ao? Vậy mà đấy lại từng là sự thật. Biết bao thiếu nữ, biết bao nàng dâu một thủa, thậm chí cả những bà già, đã dùng mặt ao như chiếc gương khổng lồ mỗi khi muốn xem mặt mình, mỗi khi gỡ tóc ra hong, mỗi khi cần tô điểm khi phải đi đâu đó ra khỏi làng. Thường là phải soi giấu, kẻo người khác nhìn thấy bảo mình làm dáng. Tiện thể lấy cớ xuống cầu ao rửa ráy, khi mặt nước trong vắt chưa bị khỏa vỡ, tranh thủ nhìn xem mình có còn trẻ trung, xinh đẹp, tóc có còn óng mượt?
Ảnh: Nguyễn Gia Minh |
Những chiếc gương của làng là lối ví von mang tính thực chứng, nghĩa là trông vật mà gọi tên. Thực tế, việc hình thành nên những cái ao, bắt đầu từ một mục tiêu cực kì thực dụng: Tôn nền để dựng nhà. Thoạt đầu, làm gì đã có những nền đất cao. Chúng phần lớn được tạo thành nhờ vào việc đào chỗ này, đắp lên chỗ kia. Nền nhà càng to, càng cao, thì phần đào trũng xuống cũng càng phải rộng và sâu mới đủ đất. Về sau, phần trũng xuống đó sẽ là những chiếc ao lớn. Ngược lại, nền nhà thấp, chủ nhà chỉ định dựng một căn nhà nhỏ, thì chiếc ao hình thành sau đó cũng nhỏ. Vì thế hầu như nhà nào ở nông thôn trước đây cũng đều có ao. Nhiều khi chỉ cần nhìn cái ao, đủ biết gia thế của chủ nhà. Những gia đình không có ao, phần nhiều là những gia đình tách ra ở riêng hoặc vật vờ ở đâu đến xin tí đất bạ cư.
Nhưng giá trị thật của cái ao, xét đến cùng, lại ở việc nó làm cân bằng sinh thái và tạo ra sự bình yên cho tâm hồn. Nếu chỉ thả bèo chăn lợn, chăn thả cá cải thiện đời sống, điều tiết nước tưới… thì chả cần chúng phải vuông đầu sắc cạnh để thêm tốn công tốn của. Chả cần phải chăm sóc, xén tỉa, căn góc thường xuyên, để nó không bao giờ bị méo mó, vẹo vọ. Một cái ao tóp đầu, nở hậu hay thắt giữa, tỉ lệ mất cân đối giữa các kích thước, là điều tối kị với gia chủ. Nó không chỉ là điềm xấu về phong thủy, mà còn tạo ra hình ảnh về sự tùy tiện trong mọi công việc.
Những chiếc ao làng một thời thực sự còn là những mảnh gương của trời, ban cho mỗi làng quê, để sự cơ cực không khiến họ cảm thấy tuyệt vọng. Giờ đây nhớ lại, tôi sẽ không thể hình dung nổi tuổi thơ của mình nghèo nàn, đơn điệu đến thế nào, nếu mỗi sáng mở mắt dậy không được tha thẩn đi một vòng quanh ao; hay nếu mỗi khi đêm buông xuống, không được nghe những âm thanh râm ran quanh bờ ao trong ánh đèn đom đóm không khác gì một trời sao sát mặt đất? Cả một thế giới bí ẩn, vừa mời gọi khám phá, vừa tạo ra những cơn rùng mình đầy khoái cảm của trí tưởng tượng. Sau mỗi trận mưa rào đầu mùa, trong tiếng nước sôi réo, là tiếng muôn loài sinh sôi, từ lũ cá rô hiếu động tìm cách vượt bờ, đến những con rắn nước bò loe ngoe rình bắt cá. Từ những cụm lục bình bị ngọn nước xé tan ra từng mảnh, trôi miên man về phía chân trời, tượng trưng cho kiếp nổi nênh của con người, đến thứ mầu nước y như mầu gạch cua, mầu mỡ và đầy khao khát sinh sôi.
Nhưng ao bí ẩn nhất là về mùa thu và mùa đông. Mặt nước đứng im như chết rồi, với một lớp váng mầu vàng nhạt. Mặt ao nổi lên những đường nhăn nhẹ, đầy vẻ ưu tư. Mọi vật đều như đang suy ngẫm về lẽ sinh diệt và hãn hữu lắm mới bị khuấy động bởi chú ếch nào đó không chịu được sự cô đơn, ngẫu hứng đạp lên mặt nước, vẽ một đường được nối bằng những vòng tròn từ bờ này sang bờ bên kia. Nhưng âm thanh mà chú ếch tạo ra chẳng khiến bất cứ sinh vật nào giật mình. Trong khi đó ngay cả gió cũng chỉ có thể làm cây cỏ lung lay, quá lắm là mơn nhẹ lên những cánh chuồn chuồn, không đủ khiến chúng cảm thấy bị phiền muộn hay cảnh giác. Chúng sẽ biến đi đâu đó cùng với lũ nhện nước, như thể chúng rủ nhau chui xuống đáy ao cùng với lũ ếch và cá khi gió lạnh về, ở tịt dưới đó suốt những ngày mưa phùn gió bấc, đợi đến mùa xuân sẽ trở lại.
Những gì tôi vừa kể, là do tôi moi ra từ kí ức, một kí ức cũng đang mờ dần theo thời gian. Giờ mỗi khi về làng, mỗi khi đứng trước những vũng nước đen sì đặc sền sệt một thứ bùn lỏng bị trộn lẫn giữa dầu máy, phân và xác súc vật, lúc nhúc cá cóc và ruồi muỗi, với đủ thứ hình thù kì dị và ngày một bé lại, tôi cứ luôn có cảm giác một cái gì đó đẹp đẽ, đầy nhân tính, cội nguồn của vô vàn cảm hứng sáng tạo đang chết vì những hành động nhân danh sự phát triển.
Vậy là được hay mất? Được bao nhiêu, mất bao nhiêu? Tôi không đủ tư cách để đưa ra bất cứ lời phán xét nào. Nhưng với tư cách một đứa con của làng quê yêu dấu, một người cả xác và hồn gắn bó với đồng ruộng ngay cả khi thành dân phố, tôi có quyền nói lên ước vọng của mình: Giá như chúng ta khôn ngoan hơn, giá như chúng ta ít thực dụng, ít vụ lợi hơn, giá như chúng ta biết nhìn ra xa hơn, thương xót tương lai hơn… có lẽ đã không tự đẩy nhau đến cảnh tượng khốn khổ là nhất định cứ phải đánh đổi, nhất định cứ phải được cái này thì sẽ mất cái kia? Chúng ta chỉ quên rằng, có những thứ một khi đã mất là mất hẳn.
Chẳng hạn như bây giờ đây, tôi có thể tìm ở đâu để một lần được thấy lại những chiếc gương của làng?