| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 12/07/2016 , 08:02 (GMT+7)

08:02 - 12/07/2016

Những 'con mọt' ngân sách

Tổng số những dự án được đầu tư bằng vốn nhà nước nhưng không thể hoạt động được (mà dân gian vẫn gọi là những dự án “đắp chiếu”) là 81.000 tỷ đồng...

Thanh tra Chính phủ vừa có cuộc kiểm tra bước đầu. Và tuy chưa đầy đủ, nhưng con số được đưa ra đã khiến dư luận bàng hoàng: Tổng số những dự án được đầu tư bằng vốn nhà nước nhưng không thể hoạt động được (mà dân gian vẫn gọi là những dự án “đắp chiếu”) là 81.000 tỷ đồng.

Thật là khủng khiếp, 81.000 tỷ đồng, tương đương với gần 4 tỷ USD.

Xin điểm qua một số dự án: Thứ nhất là dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), được đầu tư với số tiền hơn 8.000 tỷ đồng, nhưng từ 10 năm nay, đã biến thành một đống sắt vụn khổng lồ.

Thứ hai, là nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (TP Hải Phòng), được đầu tư với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, có mục đích là giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may, nhưng chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, nhà máy đã phải “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng, và nguy cơ phá sản là không thể tránh khỏi.

Thứ ba, là nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An), với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Nhưng từ ngày khởi công đến nay, đã 10 năm mà nhà máy vẫn không thể hoạt động được, vì công nghệ không phù hợp. Việc nhà máy “đắp chiếu” còn khiến cho hàng ngàn hộ nông dân khốn khổ, vì đã ký hợp đồng trồng đay với nhà máy, nhưng không bán được.

Và thứ tư, là dự án nhà máy xi măng Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế), với số vốn đầu tư 3.700 tỷ. Nhưng đã 8 năm kể từ ngày khởi công. Đến nay, nhà máy vẫn “trùm mền”, không cho ra được một hạt xi măng nào. Chỉ sơ sơ 4 dự án trên thôi, đã ngốn trên 20 ngàn tỷ rồi.

Và còn rất nhiều dự án nữa cũng trong tình trạng trên, kể ra không xiết.

Vì sao có tình trạng đó?

Một điều dễ thấy là tất cả những dự án trên đều được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Phải chăng vì đó là tiền ngân sách, nên tất cả những chủ đầu tư đều coi đó là “tiền chùa”, để rồi họ thi nhau “vẽ” ra những dự án đẹp như mơ, nhằm qua mặt các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia, bất chấp giá thành, giá cả sản phẩm của những nhà máy đó làm ra cao đến cỡ nào, họ vẫn nhắm mắt làm, để có điều kiện “dính tay dính chân”? Hậu quả là sản phẩm không tiêu thụ được, lỗ trầm trọng, khiến nhà máy phải trùm mền. Nhưng nhà máy sống hay chết, họ cũng “mặc bay”, còn “tiền thày” thì đã bỏ túi rồi.

Trong khi nợ công không ngừng tăng cao, Nhà nước đang phải chắt chiu từng đồng ngân sách để có nguồn trả, bệnh viện còn thiếu giường, nông thôn, miền núi còn thiếu cầu, thiếu đường, thiếu trường học, người dân qua sông, qua suối còn phải đu dây, trẻ em còn phải học ca hai ca ba. Thì những dự án “đắp chiếu” đang phơi bày lù lù ra trước mắt bàn dân thiên hạ kia, là một điều không thể chấp nhận được. Chúng đích thực là những “con mọt”, đang hàng ngày gặm mòn ngân sách.

Một câu hỏi nhức nhối được dư luận đặt ra từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời, là: Những cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về những dự án trên?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm