| Hotline: 0983.970.780

Những công trình nước sạch ‘hạ nhiệt’ mùa nắng nóng

Thứ Hai 17/06/2024 , 14:55 (GMT+7)

Trong nắng nóng cao độ kéo dài, Bình Định khánh thành công trình nước sạch có công nghệ xử lý hiện đại nhất tỉnh, góp phần giảm căng thẳng nhu cầu nước sinh hoạt.

Thêm 1 nhà máy nước sạch hiện đại nhất tỉnh

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn tổ chức lễ khánh thành công trình Nhà máy nước sạch Quy Nhơn (giai đoạn 1) tại thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Đây là nhà máy nước sạch có công nghệ xử lý nước hiện đại nhất tỉnh Bình Định.

Theo ông Phạm Văn Dương, Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà máy nước sạch Quy Nhơn, giai đoạn 1, Nhà máy nước sạch Quy Nhơn có công suất xử lý 30.000m3 nước/ngày đêm, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Nhà máy lấy nước từ nguồn nước mặt trên sông Tân An (thị xã An Nhơn), xử lý lắng từ tấm lắng lamella và lọc nhanh trọng lực bằng vật liệu cát, khử vi sinh bằng clo. Khi đi vào hoạt động, nhà máy đảm bảo cấp đủ nước sạch cho hàng ngàn người dân và các doanh nghiệp nằm trên địa bàn các huyện Vân Canh, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và đặc biệt là Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Trạm bơm nước thô được đặt tại thượng lưu đập Thạnh Hòa nằm trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) có diện tích 1ha với chức năng thu nước mặt sông Tân An, bơm về nhà máy xử lý tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) tọa lạc trên vùng đất rộng hơn 3ha, bao gồm cả đất dự phòng, để sẵn sàng nâng công suất lên 60.000 m3/ngày đêm ở giai đoạn 2.

Nhà máy nước sạch Quy Nhơn có công nghệ xử lý hiện đại nhất tỉnh Bình Định nằm trên địa bàn thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Ảnh: V.Đ.T

Nhà máy nước sạch Quy Nhơn có công nghệ xử lý hiện đại nhất tỉnh Bình Định nằm trên địa bàn thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Ảnh: V.Đ.T

Nhà máy có 2 tuyến ống chuyên tải nước thô, tuyến thứ nhất có điểm đầu đấu nối vào trạm bơm nước thô tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn), điểm cuối đấu nối vào Nhà máy xử lý nước đặt tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước); tuyến còn lại chạy dọc theo QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1.

“Nhà máy nước sạch Quy Nhơn vận hành tự động hóa với công nghệ tiên tiến. Nhà máy sử dụng công nghệ xanh, xử lý tuần hoàn khép kín, không phát thải chất ô nhiễm ra môi trường. Nhà máy thu hồi ép khô 100% bùn lắng sau bể lắng và bể lọc, nước sau ép bùn được tái xử lý tuần hoàn lại 100%. Các thông số chỉ tiêu chất lượng nước được giám sát tự động online 24/24”, ông Phạm Văn Dương cho hay.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng Nhà máy nước sạch Quy Nhơn sẽ được chủ đầu tư dự án tổ chức quản lý, vận hành đảm bảo ổn định, hoạt động liên tục, không gián đoạn. Đặc biệt là thực hiện đầy đủ các nội dung theo hợp đồng BOO, và hợp đồng mua bán sỉ nước sạch đã ký kết.

“Nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sau xử lý, phải đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống theo quy định”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị.

Vùng mạch nước ngầm nguy cơ ô nhiễm

Vào mùa nắng nóng, các địa phương khu Đông thị xã An Nhơn (Bình Định) gồm những xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An thường thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân, do các xã nói trên là “vựa” mai cảnh lớn nhất miền Trung, mà trồng mai thì không thể không sử dụng thuốc BVTV. Trước đây, khi người trồng mai chưa chuyển từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang thuốc BVTV sinh học, mạch nước ngầm ở các địa phương nói trên đã kịp ô nhiễm. Do đó, người dân ở các địa phương nói trên mong mỏi có nước sạch để dùng.

Đơn cử như ở xã Nhơn Hạnh, nhiều năm qua, người dân ở đây không dám sử dụng nước giếng đào hoặc giếng đóng vì nước ngầm bị ô nhiễm, chỉ sử dụng nước sạch của Nhà máy cấp nước sinh hoạt cho 3 xã khu Đông An Nhơn. Nhà máy này đưa vào sử dụng từ tháng 6/2005 với công suất 1.330 m3/ngày đêm, công suất khai thác hiện tại đạt 1.730 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào mùa khô. Sắp tới, UBND thị xã An Nhơn hoàn thiện công trình đường ống lấy nước sạch từ Nhà máy nước sạch Cát Nhơn (huyện Phù Cát) về phục vụ cho người dân.

Ngành chức năng lắp đặt hệ thống đường ống để đưa nước sạch phục vụ người dân. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng lắp đặt hệ thống đường ống để đưa nước sạch phục vụ người dân. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Bùi Hữu Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, chính quyền địa phương này ưu tiên cấp nước sạch cho vùng trồng mai cảnh, vùng có mạch nước ngầm bị ô nhiễm và các cụm công nghiệp.

“Trong thời gian tới, thị xã An Nhơn sẽ nỗ lực “phủ sóng” nước sạch, đảm bảo trên 90% dân số kể cả nông thôn và đô thị được sử dụng nước sạch. Đặc biệt là tiếp tục cải thiện nguồn nước, nâng công suất nhà máy làm sao để 3 xã khu đông 100% người dân được sử dụng nước sạch”, ông Bùi Văn Cư chia sẻ.

“Sở NN-PTNT Bình Định đã làm việc với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đưa đường ống nước nối tiếp vào cho công trình cấp nước 3 xã khu Đông thị xã An Nhơn. Trong công tác vận hành, ngành chức năng yêu cầu Công ty Cổ phần Xây lắp An Nhơn bảo đảm chất lượng đầu ra phục vụ cho nhân dân ngày càng tốt hơn”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Ông Hoàng Gia Long được giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 26/12/2024 giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2021-2026 cho ông Hoàng Gia Long.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.